Ngành điện tử phụ thuộc FDI 'không phải là chuyện đáng xấu hổ’

ĐIỆN TỬ RCEP
20:32 - 10/11/2022
Các nước RCEP là đối tác cung cấp bộ phận, linh kiện điện tử lớn nhất của Việt Nam.
Các nước RCEP là đối tác cung cấp bộ phận, linh kiện điện tử lớn nhất của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế thế giới đã phân công chuyên môn hóa, ngành điện tử Việt Nam phụ thuộc FDI là chuyện bình thường trong sản xuất công nghiệp của thế giới.

Cần đánh giá chính xác giá trị gia tăng của doanh nghiệp Việt trong RCEP

Tại hội thảo “Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) định hình các chuỗi cung ứng ở Việt Nam”, ngày 10/11, báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Viện KAS thực hiện, đã chỉ ra vị trí của ngành điện tử Việt Nam trong khu vực RCEP.

Theo báo cáo, các nước RCEP là đối tác cung cấp bộ phận, linh kiện điện tử lớn nhất của Việt Nam, chiếm 66% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này nhờ vai trò của Hàn Quốc và Trung Quốc.

“Mặc dù khối lượng xuất khẩu lớn, nhưng Việt Nam chỉ giới hạn ở vai trò là nhà tích hợp linh kiện hoặc tích hợp các linh kiện thành sản phẩm cuối cùng. Các công đoạn khác ở thượng nguồn của chuỗi chủ yếu do Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan thực hiện. Đối với sản phẩm hoàn thiện, Việt Nam tập trung vào sản xuất đồ gia dụng và thiết bị truyền thống”, báo cáo chỉ rõ.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 2.000 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi, chiếm 54,8%. Mặc dù vậy, doanh nghiệp FDI lại chiếm phần lớn về tỷ lệ doanh thu, xuất khẩu trên 93% và nhập khẩu trên 90%, trong đó các doanh nghiệp điện tử của Hàn Quốc và Nhật Bản giữ vai trò chủ đạo.

Bình luận về số liệu này, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ, đồng thời là Ủy viên thường trực của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, ngành điện tử có công nghệ cao cấp nhất, tốc độ thay đổi công nghệ nhanh, chu kỳ sản phẩm ngắn, do đó đầu tư doanh nghiệp trong ngành ẩn chứa nhiều rủi ro.

"Xét trong bối cảnh kinh tế thế giới đã phân công chuyên môn hóa, ngành điện tử Việt Nam phụ thuộc FDI là chuyện không sai, không đáng xấu hổ, bởi sự liên kết giữa các nước là chuyện bình thường trong sản xuất công nghiệp của thế giới. Bài toán ở đây là làm sao để tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng và chủ động hơn trong nguồn cung tại chỗ".

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên thường trực của Hiệp hội điện tử Việt Nam

“Tuy nhiên để làm được điều này thì cần có các thống kê số liệu cụ thể. Trong khi đó, Tổng cục Thống kê, các cơ quan Nhà nước và các hiệp hội cũng chưa có số liệu thống kê đầy đủ để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách có thể đánh giá chính xác xem doanh nghiệp Việt đã làm được gì trong chuỗi cung ứng điện tử”, bà Hương nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng nói thêm, doanh nghiệp điện tử Việt Nam thực sự đã làm được nhiều hơn những gì thường được nhận xét là “còn chưa sản xuất được ốc vít”. Bởi theo bà Hương, nếu thực sự như nhận xét trên thì các đối tác lớn trên thế giới đã không chọn doanh nghiệp Việt là một trong các mắt xích của chuỗi cung ứng và đầu tư vào chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

Do đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng rất cần các hoạch định chính sách thiết thực và tạo điều kiện hơn nữa để phát triển ngành công nghiệp điện tử vốn nhiều rủi ro nhưng cũng có nhiều triển vọng này.

Đồng quan điểm với bà Hương, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, cần làm rõ thêm giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp là bao nhiêu trong chuỗi cung ứng và ngành nào có giá trị cao nhất, lý do tạo ra điều đó.

"Ví dụ như sản xuất dòng điện thoại Galaxy của Samsung, Hàn Quốc đánh giá phần giá trị của doanh nghiệp Việt Nam là 55%, nhưng một nghiên cứu của tổ chức quốc tế khác chỉ cho rằng có 18%. Bởi họ cho rằng các khâu mà doanh nghiệp Hàn Quốc theo Samsung vào Việt Nam sử dụng lao động Việt Nam tạo ra không được tính vì Việt Nam chỉ có lao động ở khâu đó".

TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương

Do đó, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng cần có những nghiên cứu kỹ về doanh nghiệp Việt Nam làm được gì, đóng góp giá trị gia tăng bao nhiêu trong chuỗi cung ứng để có chính sách phát triển kịp thời.

Còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy trong chuỗi giá trị

Đánh giá về vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng RCEP, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phân tích, Trung Quốc là đối tác lớn trong RCEP và Việt Nam đã có quan hệ thương mại với Trung Quốc từ trước. Do vậy khi tham gia FTA này, Việt Nam cũng có những thuận lợi nhất định.

“Tuy nhiên, hiện nay, chủ yếu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng lợi nhiều hơn cả, đây là khoảng trống rất lớn của các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm lấp đầy”, ông Toàn nhận định.

Trong thời gian tới, nếu có nhiều doanh nghiệp FDI công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia công nghệ phụ trợ cho họ có được giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng.

Ông Toàn nhìn nhận, RCEP là một cú hích để doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn. Không những Việt Nam chỉ sản xuất linh kiện cho các doanh nghiệp FDI mà cần tính đến khả năng xuất khẩu được linh kiện thông qua RCEP.

“Hy vọng Nhà nước có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để các doanh nghiệp vươn lên trong chuỗi cung ứng, có thể bắt tay với các doanh nghiệp FDI một cách bình đẳng. Lúc đấy miếng bánh lợi nhuận chia cho doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng sẽ lớn hơn và bình đẳng hơn”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kỳ vọng.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. Tháng 11/2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP (trừ Ấn Độ - đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này).

Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Đến ngày 02/11/2021, đã có 6 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Theo đó, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với các nước này.

Tiếp sau đó, RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 1/2/2022, và có hiệu lực với Malaysia từ 18/3/2022.

Tin liên quan

Đọc tiếp