Nghiên cứu cho thấy lượng rác thải nhựa trên biển ít hơn dự đoán

Đại dương THẾ GIỚI
08:43 - 08/08/2023
Rác thải nhựa trong đại dương. Ảnh: AFP
Rác thải nhựa trong đại dương. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Trong một nghiên cứu công bố ngày 7/8 trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà khoa học cho biết lượng nhựa được thải ra đại dương ít hơn so với dự đoán trước đây, nhưng chúng vẫn đang gia tăng mỗi năm và gây hại cho môi trường.

Trên bề mặt đại dương, phần lớn các mảnh nhựa trôi nổi đều có kích thước tương đối nhỏ. Tuy nhiên theo hãng tin AFP, nghiên cứu lập mô hình này ước tính rằng tổng khối lượng của những hạt vi nhựa dưới 5 mm là tương đối thấp. Trong khi đó, số lượng các mảnh nhựa lớn hơn 25 mm chiếm hơn 95% lượng nhựa đang trôi nổi trên đại dương.

Sự vượt trội về số lượng của các mảnh nhựa lớn hơn đang trôi nổi cho thấy tổng lượng nhựa trong đại dương “thấp hơn nhiều” so với suy nghĩ trước đây, nghiên cứu này nhận định. Ngoài ra, các ước tính chính thức trước đây cho thấy ô nhiễm nhựa trong đại dương ở ngưỡng hơn 25 triệu tấn, với 250.000 tấn trôi nổi trên bề mặt. Nghiên cứu này lại nhận định lượng nhựa trên bề mặt đại dương cao hơn nhiều và ở ngưỡng 3 triệu tấn.

Việc nhựa trôi nổi thành mảng lớn trên bề mặt có thể giúp cho các nỗ lực dọn dẹp rác thải trên đại dương trở nên dễ dàng hơn. AFP trích dẫn ông Erik van Sebille, đồng tác giả của nghiên cứu tại Đại học Utrecht ở Hà Lan, cho biết: “Các mảnh lớn, nổi trên bề mặt dễ làm sạch hơn các hạt vi nhựa”.

Mô hình này cũng cho thấy rằng lượng nhựa mới đổ ra đại dương mỗi năm ít hơn so với dự đoán trước đây. Cụ thể, con số này là khoảng nửa triệu tấn thay vì 4 đến 12 triệu tấn và chủ yếu xuất phát từ các bờ biển cũng như từ các hoạt động đánh bắt cá.

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rác có khả năng tồn tại trong đại dương lâu hơn nhiều so với các dự đoán trước đây. Thêm vào đó, dù lượng rác thải ra ít hơn dự đoán, tổng lượng rác thải vẫn đang gia tăng mỗi năm. Trưởng nhóm nghiên cứu Mikael Kaandorp cho biết: “Điều này đồng nghĩa với ảnh hưởng thực tế của các biện pháp phòng chống rác thải nhựa sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi nhìn thấy được kết quả. Nhưng “nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, các tác động sẽ còn lâu hơn nữa”, ông cảnh báo.

Các tác giả của nghiên cứu khẳng định nếu con người không giảm thiểu và nhanh chóng thực hiện công tác dọn dẹp, lượng rác thải nhựa còn sót lại hoàn toàn có khả năng tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ tới. Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, các mảnh vụn nhựa ước tính giết chết hơn một triệu con chim biển và 100.000 động vật có vú sống ở biển mỗi năm.

Kết quả của nghiên cứu này dựa trên mô hình 3D của đại dương sử dụng một lượng lớn dữ liệu quan sát và phép đo được lấy từ nước mặt, bãi biển và đại dương sâu từ năm 1980 đến 2020. Nó được công bố trong bối cảnh thế giới đang chờ đợi bản dự thảo đầu tiên của một hiệp ước quốc tế rất được mong đợi của Liên Hợp Quốc về chống ô nhiễm nhựa, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.

Đọc tiếp