Nghiên cứu về việc không áp giá sàn vé máy bay

CHÍNH SÁCH Việt nAM
08:10 - 27/10/2021
Nghiên cứu về việc không áp giá sàn vé máy bay
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nội dung đề nghị của Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long về việc ngừng chủ trương áp giá sàn vé máy bay nội địa.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, việc áp giá sàn vé máy bay nội địa là trái quy định pháp luật, vi phạm nguyên tắc quản lý giá đối với thị trường hàng không nội địa, không phù hợp với thể chế về quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, đi ngược với xu hướng của hàng không thế giới.

Điều đó có thể gây hệ lụy rất lớn trong việc phục hồi kinh tế, phục hồi ngành du lịch, gây khó khăn cho công nhân trở lại nhà máy và tước bỏ quyền đi lại bằng đường hàng không với giá rẻ của hàng chục triệu người.

Trên cơ sở đó, ngày 3/10 vừa qua chuyên gia Ngô Trí Long kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho ngừng chủ trương áp giá sàn.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu nội dung đề nghị nêu trên để xem xét, xử lý theo quy định, có văn bản trả lời cho Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long biết.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã dự thảo thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/10/2022.

Tại dự thảo, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa. Giá vé máy bay tối thiểu sẽ bằng 20% mức giá tối đa quy định cho các chuyến bay từ 1/11/2021 đến hết tháng 10/2022. Các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 320.000 đồng/vé; các đường bay từ 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng…

Dự thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng, tranh luận trái chiều nhau. Đối với các hãng hàng không cũng chia làm 2 nhóm quan điểm.

Nhóm ủng hộ là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Bamboo Airways. 3 hãng này cho rằng chính sách quy định giá tối thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của hãng.

Vietravel Airlines và Vietjet thì ngược lại, 2 hãng này cho rằng chính sách quy định giá tốt thiểu đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của hãng.

Việc áp dụng giá sàn cho thị trường nội địa sẽ làm giảm mạnh nhu cầu đi lại của người dân do thu nhập bị thâm hụt nặng nề trong thời gian giãn cách. Hơn nữa, cũng không đảm bảo thúc đẩy sự phục hồi của thị trường vận chuyển hàng không, hỗ trợ và thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường khác.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.