Nguồn FDI 9 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Nam đạt 15 triệu USD

KINH TẾ Việt nAM
23:06 - 10/10/2021
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Quảng Nam có 06 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép. Ảnh: Phước Nguyên.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Quảng Nam có 06 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép. Ảnh: Phước Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
9 tháng đầu năm 2021, Quảng Nam có 06 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép với tổng số vốn gần 15 triệu USD.

Số liệu tại Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam thể hiện, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 06 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (quý III/2021 có 01 dự án) được cấp phép với tổng số vốn gần 15 triệu USD. Các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và nền kinh tế như: Đức, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông...

Trong số dự án cấp mới, có 04 dự án ngành công nghiệp và 02 dự án ngành dịch vụ.

Một số dự án có quy mô lớn như: Dự án sản xuất nhựa dẻo, nhựa gia cố sợi thuỷ tinh, nhựa gia cố sợi carbon và công cụ phục vụ trong ngành công nghiệp ô tô và nội thất tại Khu công nghiệp Tam Thăng 2 với tổng vốn 7 triệu USD; dự án Nhà máy sản xuất đèn led trang trí, đèn tiết kiệm năng lượng tại Khu Công nghiệp Thuận Yên với tổng vốn là 2 triệu USD,...

Trong năm 2020, đã có 06 dự án thu hồi, chấm dứt hoạt động với số vốn gần 13 triệu USD bao gồm: Nhà máy sản xuất, gia công lều, dụng cụ cắm trại, đồ chơi, túi xách và các sản phẩm dệt may khác (4 triệu USD); dự án tồn trữ đóng bình và phân phối khí hoá lỏng (3,5 triệu USD); dự án nhà máy sản xuất áo cưới, thời trang và bao bì nilon (3,3 triệu USD),...

Nguyên nhân chủ yếu là một số nhà đầu tư không có nhu cầu tiếp tục hoạt động nên quyết định chấm dứt dự án và một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tình hình tài chính, hoạt động không hiệu quả...

Tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tính đến nay là 195 dự án với tổng vốn đăng ký 5,8 tỷ USD. Trong đó khu công nghiệp và khu kinh tế mở Chu Lai có 103 dự án; Ban Quản lý khu Kinh tế mở Chu Lai (52 dự án); Ban Quản lý các khu Công nghiệp (40 dự án). Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu tập trung ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch.

Đối với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, do đầu ra đứt gãy, chi phí hoạt động tăng cao, thiếu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, khó khăn về tài chính và các vấn đề khác liên quan, trong 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp giải thể 125 doanh nghiệp (-50%) so với cùng kỳ năm trước; 630 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động (+44,5%); 368 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Theo số liệu từ phòng Đăng ký kinh doanh (tính đến ngày 16/09/2021), trong tháng 09/2021 đã cấp mới 31 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 228 tỷ đồng, giảm gần 28% về số lượng doanh nghiệp đăng ký và giảm 23,7% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp đăng ký giải thể là 04; doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động là 19. Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 02 chi nhánh. Cộng dồn 9 tháng năm 2021, thành lập mới 885 doanh nghiệp; tổng vốn đăng ký trên 6,4 nghìn tỷ đồng, giảm 7,2% số doanh nghiệp và vốn đăng ký giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước; 630 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động (+44,5%); cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 47 chi nhánh và 19 văn phòng đại diện (bằng 77,7% so với cùng kỳ).

“Dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động và nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nên số doanh nghiệp đăng ký mới giảm và số doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ.” Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam đánh giá.

Theo kết quả khảo sát dự báo xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong quý III/2021, xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn hơn so với quý trước do tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại.

Cụ thể, quý III/2021 có trên 12% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tình hình sản xuất tốt hơn (quý II/2021: 22%); có 32,5 % giữ ổn định (quý II/2021: 42,7%) và có 55,4% số doanh nghiệp cho là khó khăn hơn (quý II/2021: 35,4%).

Một số ngành dự báo hoạt động sản xuất khó khăn hơn so quý trước như: Sản xuất đồ uống (100%); sản xuất kim loại (100%); ngành dệt (66,7%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan (66,7%); sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (60%). Tuy nhiên có một số ngành dự báo tình hình sản xuất tốt hơn như: Sản xuất trang phục; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất giường, tủ, bàn ghế.

Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam đưa ra dự báo, quý IV/2021, hầu hết các doanh nghiệp tin rằng, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ khả quan hơn và theo chiều hướng tích cực: Có 38,6% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tình hình tốt hơn quý III/2021; 32,5% giữ nguyên và 28,9% số doanh nghiệp cho là khó khăn hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cụ thể như: doanh nghiệp khảo sát cho rằng nhu cầu thị trường trong nước thấp (62,7%); tính cạnh tranh của hàng trong nước cao (55,4%); lãi suất vay vốn cao (34,9%); khó khăn về tài chính (32,5%); nhu cầu thị trường quốc tế thấp và thiếu nguyên, nhiên, vật liệu (26,5%); không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu ( 13,3%); lý do khác là ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (43,4%)./.

Tin liên quan

Đọc tiếp