Nhà máy container 2.400 tỷ đồng của Hòa Phát được cấp phép đầu tư

logistics Việt nAM
22:26 - 20/12/2021
Nhà máy container 2.400 tỷ đồng của Hòa Phát được cấp phép đầu tư
0:00 / 0:00
0:00
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất container của tập đoàn Hòa Phát.

Tổng vốn đầu tư dự án nhà máy sản xuất container của Công ty cổ phần sản xuất container Hòa Phát (công ty con của Tập đoàn Hòa Phát) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 2.400 tỷ đồng, tương đương 80% vốn điều lệ.

Đây là dự án nhà máy sản xuất container rỗng với quy mô công suất 500.000 TEU/năm đã được ban lãnh đạo doanh nghiệp này đưa ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 hồi đầu năm. Trong đó, nhà máy sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20-40 feet.

Giai đoạn 1 nhà máy sản xuất container của Hòa Phát sẽ sản xuất 180.000-200.000 TEU/năm.

Theo lãnh đạo công ty, với sản lượng 500.000 TEU/năm, nhà máy này sẽ giúp tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm do chính Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và Dự án Dung Quất giai đoạn 2 của Hòa Phát thực hiện.

Sản xuất container cạnh tranh với Trung Quốc

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cho biết nhu cầu về mặt hàng container trên thế giới đang rất lớn và Trung Quốc chiếm 90% thị phần cung cấp sản phẩm này. Trong khi đó, Hòa Phát đang sở hữu những yếu tố cơ bản nhất để sản xuất container và có thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất Trung Quốc.

Đặc biệt Hòa Phát chủ động được nguồn nguyên liệu thép giúp tối ưu được chi phí đầu vào. Trên 60% giá thành sản xuất container là thép, trong khi đây là thép đặc biệt chứ không phải thép cuộn cán nóng bình thường. Tập đoàn đã có nhà máy sản xuất thép HRC và đã thử nghiệm thành công trong việc sản xuất container. Đây là thế mạnh của Hòa Phát trong 30 năm

Thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, nguyên liệu sản xuất vỏ container rỗng

Thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, nguyên liệu sản xuất vỏ container rỗng

“Chi phí thép để sản xuất container hơn 60 USD/tấn so với thép bình thường. Chúng tôi sử dụng thép Hòa Phát để sản xuất container giúp chi phí rẻ hơn so với các đối thủ Trung Quốc phải nhập nguyên liệu từ các nhà máy thép nội địa. Thậm chí, sau này chúng tôi sẽ xuất khẩu thép làm container của nhà máy Dung Quất 2 sang nhiều nước trong đó có cả Trung Quốc", ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ về lý do Hòa Phát đầu tư nhà máy sản xuất container.

Trên thực tế năm 2020, Hòa Phát đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phôi thép vào thị trường Trung Quốc. Chi phí sản xuất của Hòa Phát nói riêng cũng như nhiều hàng hóa Việt Nam khác đã rất cạnh tranh và ngày càng cạnh tranh so với Trung Quốc.

Thành phần còn lại để sản xuất container là ván gỗ và sơn. Nguồn ván gỗ ở Việt Nam rất dồi dào và giá rẻ. Hòa Phát cũng đã đàm phán với nhà cung cấp sơn cho các nhà máy sản xuất container ở Trung Quốc với giá tốt tương đương với đối thủ. Theo ước tính của Container-Xchange, ván gỗ chiếm khoảng 15%, sơn 10%, nhân công 5% chi phí sản xuất container.

Hơn nữa, Việt Nam hiện nay đang có ưu thế hơn Trung Quốc về chi phí nhân công. Ngoài ra, chi phí về giá điện hiện tại của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và thế giới.

90% container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất

90% container trên thế giới do Trung Quốc sản xuất

Theo Ngân hàng Credit Suisse, biên lợi nhuận gộp của sản xuất container khoảng 11 - 18%, do đó, việc chi phí sản xuất container của Hòa Phát rẻ hơn 5-7% so với Trung Quốc được xem là đáng kể.

Trên cơ sở tổng hợp các yếu tố trên, Hòa Phát tin rằng bài toán sản xuất container của doanh nghiệp sẽ có kết quả tốt với chất lượng tương đương nhưng chi phí thấp hơn và không ngại cạnh tranh về giá với các hãng trên thế giới.

Nếu việc tiêu thụ thành công, trong kế hoạch dài hạn công suất sản xuất dự kiến của Hòa Phát là 500.000 teus (đơn vị tính cho một container tiêu chuẩn dài 20 feet)/năm và là đầu ra của 1 triệu tấn thép.

Ngành sản xuất container tại Việt Nam còn sơ khai

Việt Nam hiện có một số doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container nhưng hầu hết là sửa chữa, cải tạo. Các doanh nghiệp này mua vỏ container do các hãng tàu hoặc doanh nghiệp vận tải thanh lý sau 10-15 năm sử dụng, rồi cải tạo, sơn sửa thành các container văn phòng, container kho (không dùng để vận chuyển), nhà container.

Một số container sau cải tạo được đưa vào vận chuyển, nhưng chỉ dùng cho đường bộ, không đáp ứng được các yêu cầu để vận chuyển đường biển.

Container do Vinashin sản xuất

Container do Vinashin sản xuất

Hòa Phát không phải là nhà máy sản xuất container đầu tiên của Việt Nam. Cuối năm 2007, Nhà máy sản xuất container Vinashin-TGC chính thức được khánh thành với công suất thiết kế giai đoạn I là 45.000 teus/năm. Tuy nhiên, do lãnh đạo Vinashin vướng vòng lao lý nên nhà máy sau đó cũng ngừng hoạt động.

Ngoài ra, nguyên nhân thất bại của những công ty đã từng làm container trước đó là do không chủ động được nguyên liệu mà phải nhập khẩu của Trung Quốc từ nguyên liệu thép đến máy móc, thiết bị.

Tháng 4/2021, Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát để phụ trách hoạt động kinh doanh này với vốn điều lệ 3.000 tỷ.

Tin liên quan

Đọc tiếp