Nhập khẩu nông sản vào Việt Nam cao bất thường

XNK Việt nAM
11:17 - 25/12/2021
Nhập khẩu nông sản vào Việt Nam cao bất thường
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến tháng 11 năm 2021, lượng nhập khẩu nông sản của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Một số mặt hàng thế mạnh như hạt điều, hạt tiêu, gạo có lượng nhập khẩu tăng cao bất ngờ.

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nông sản tăng cao chưa từng có. Đáng nói, những con số về nhập khẩu gạo, hạt điều, tiêu,... còn gây choáng, lần đầu tiên ghi nhận trong lịch sử xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản 11 tháng năm 2021 ước khoảng 39,2 tỷ USD, tăng 39,0% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là năm có giá trị kim ngạch nhập khẩu cao nhất từ trước tới nay.

Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt 24,9 tỷ USD, tăng 54,2%. Nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,8 tỷ USD, tăng 11%, nhóm lâm sản chính khoảng 2,88 tỷ USD, tăng 18,6% và nhóm đầu vào sản xuất trên 6,6 tỷ USD, tăng 33,6%. Tuy nhiên, nhập khẩu nhóm sản phẩm chăn nuôi không tăng, đạt trên 3,1 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản năm nay tăng kỷ lục một phần do giá nguyên liệu các mặt hàng này trên thế giới tăng mạnh.

Trên thực tế, nhiều con số về nhập khẩu các mặt hàng nông sản được công bố trong năm 2021 gây bất ngờ.

Chi 4 tỷ USD, Việt Nam lần đầu nhập siêu hạt điều

Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 12, Việt Nam đã nhập khẩu 2,83 triệu tấn điều thô với mức chi khoảng 4,119 triệu USD. Đây là con số cao nhất trong lịch sử sau nhiều năm nước ta xuất nhập khẩu điều.

Đáng nói, tuy nhập khẩu điều thô lên tới hơn 4,1 tỷ USD, nhưng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 3,5 tỷ USD vì vậy 2021 trở thành năm nhập siêu mặt hàng này. Đây cũng là năm nhập siêu đầu tiên trong hơn 30 năm Việt Nam xuất khẩu điều nhân ra thế giới.

Chính số lượng nhập khẩu cao bất thường cũng đặt ra dấu hỏi về nguyên do và giải pháp phù hợp để ứng phó với thị trường cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng như Hiệp hội Điều Việt Nam.

Camphuchia: Lượng nhập tăng gấp 5 lần, kim ngạch tăng gấp 7 lần

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đạt gần 9 tỉ USD trong 11 tháng đầu năm.

Trong đó, nhiều mặt hàng được xuất khẩu sang Campuchia với kim ngạch trên 100 triệu USD. Cụ thể, sắt thép đạt 864,8 triệu USD, dệt may 647,6 triệu USD, xăng dầu 347,5 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 266,8 triệu USD…

Trong 11 tháng, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 4,35 tỉ USD, tăng 600 triệu USD (tương đương gần 17%) so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia trong năm nay lại tăng vọt lên 4,28 tỉ USD, tăng mạnh tới 337% (tăng gần 4,4 lần) so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt 980 triệu USD).

Có 2 nhóm hàng tăng đột biến, kim ngạch đạt hơn 1 tỉ USD trong 11 tháng. Cụ thể, với mặt hàng hạt điều, Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia lên đến 1,1 triệu tấn, tương đương 1,866 tỉ USD, tăng 423% về lượng và tăng 587,6% về kim ngạch (tăng gần 7 lần) so cùng kỳ năm ngoái.

Nhóm hàng thứ hai là cao su với lượng nhập khẩu 1,19 triệu tấn, kim ngạch 1,3 tỉ USD, tăng 250,7% về lượng và tăng xấp xỉ 300% về kim ngạch (tăng 4 lần).

Vì nhập khẩu 2 mặt hàng này tăng vọt nên Việt Nam từ xuất siêu 2,7 tỷ USD, xuống còn hơn 70 triệu USD vào tháng 11/2021

Tuy nhiên, do lượng nhập khẩu tăng cao bất thường nên, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã đưa vào tầm ngắm và có các biện pháp điều tra đối với các doanh nghiệp nhập khẩu điều.

Theo quy định, hạt điều nhập khẩu theo loại hình kinh doanh từ các nước trong ASEAN hưởng thuế nhập khẩu 0%, nhập từ các nước ngoài thị trường ASEAN có thuế nhập khẩu 5%. Theo đó, doanh nghiệp nhập hạt điều thô từ Campuchia vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%. Đây là cơ sở để có thể đặt nghi vấn doanh nghiệp “mượn” Campuchia để trốn thuế nhập khẩu mặt hàng này.

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cũng cho biết, nhập khẩu hạt điều từ Campuchia tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây. Năm 2019, sản lượng điều của nước này đạt 450.000 tấn, năm 2020 tăng lên 950.000 tấn.

Nhập khẩu tiêu từ Campuchia tăng 111%

Tuy không đạt tới 1 tỷ USD nhưng ghi nhận từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 11 tháng năm 2021 nhập khẩu hồ tiêu từ Campuchia tăng 111% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng hồ tiêu ở các tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam ước đạt 30.000 tấn/năm, chủ yếu bán sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch. Nhưng do ảnh hưởng dịch Covid-19, hai năm nay, một lượng hồ tiêu Campuchia chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu nhập hồ tiêu để chế biến xuất khẩu.

Theo báo cáo của Thương vụ Campuchia tại Việt Nam, hầu hết các loại nông sản của quốc gia này xuất khẩu sang nước ta đều tăng từ 20-400% so với cùng kỳ 2020.

Đơn cử, trong 11 tháng qua, Campuchia xuất khẩu 3,1 triệu tấn thóc sang Việt Nam, tăng hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái; hạt điều xuất sang khoảng 912.000 tấn; ngô hạt trên 134.000 tấn; đậu xanh khoảng 26.000 tấn; đậu tương 66.200 tấn...

Theo diễn biến này, Campuchia đã vượt xa Trung Quốc và trở thành nhà cung cấp nông sản lớn thứ hai cho Việt Nam, sau Mỹ, với kim ngạch đạt 3,3 tỷ USD, chiếm 8,5% thị phần (riêng mặt hàng điều chiếm gần 61,7%).

Lượng gạo Việt Nam nhập từ Ấn Độ tăng gấp 3.200 lần

Đây cũng là một thông tin gây bất ngờ, khi Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới.

Theo số liệu của Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, chỉ trong 3 tháng năm 2021, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam đã đạt gần 247 nghìn tấn, trị giá 74,8 triệu USD, tăng đột biến hơn 3.250 lần về lượng và tăng gần 554 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là lượng gạo nhiều nhất từ trước đến nay mà Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam.

Trong giai đoạn từ năm 2019 trở về trước, xuất khẩu gạo của Ấn Độ sang Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn từ 500 tấn cho đến vài nghìn tấn.

Trước thực trạng này, một số chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng do gạo của Ấn Độ đang có giá rẻ hơn của Việt Nam nên các doanh nghiệp tranh thủ nhập về để phục vụ nhu cầu chế biến và chăn nuôi. Vì vậy mới gây ra tình trạng nhập khẩu gạo tăng đột biến.

Một số chuyên gia trong ngành lúa gạo cho rằng, gạo của Ấn Độ có giá rẻ hơn gạo của Việt Nam. Các doanh nghiệp tranh thủ nhập về để phục vụ nhu cầu chế biến ra các sản phẩm từ gạo và phục vụ nhu cầu chăn nuôi. Thế nên, lượng gạo nhập khẩu mới tăng đột biến.

Dù vậy, trước con số nhập khẩu tăng bất thường này, Bộ Công Thương đã lập đoàn công tác, kiểm tra việc thi hành pháp luật về xuất nhập khẩu gạo tại 5 doanh nghiệp liên quan đến nhập khẩu gạo Ấn Độ.

Tin liên quan

Đọc tiếp