Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh, nguồn cung trong nước dần ổn định

Xăng Dầu Trong nước
12:22 - 25/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong tháng 4/2022 giảm mạnh tới 39,6% về lượng và giảm 36,6% về kim ngạch so với tháng trước, đạt 789.335 tấn, trị giá 860,3 triệu USD. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết cung ứng 1,8 triệu m3 xăng dầu trong quý II/2022.

Nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 4, nhập khẩu xăng dầu đạt 789 nghìn tấn, tương đương 860 triệu USD, giảm 40% về lượng và giảm 37% về giá trị so với tháng 3.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Việt Nam nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất từ Hàn Quốc, chiếm 40,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, đạt 1.384.859 tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 108,6% về lượng và tăng 271,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó riêng tháng 4/2022 kim ngạch nhập khẩu giảm 54,2% về lượng và giảm 51,0% về kim ngạch so với tháng 3/2022, đạt 325.322 tấn, trị giá 359,1 triệu USD.

Tiếp đến là thị trường Malaysia, chiếm tỷ trọng 17,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu, giảm 39,4% về lượng và tăng 6,8% về kim ngạch, đạt 660.642 tấn, trị giá 568,3 triệu USD. Riêng tháng 4/2022 nhập khẩu từ thị trường này giảm 33,1% về lượng và giảm 29,4% về kim ngạch.

Tiếp sau là thị trường Singapore, chiếm hơn 13% trong tổng lượng và kim ngạch nhập khẩu, đạt 450.260 tấn, trị giá 442,9 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 103,3% về kim ngạch. Tính riêng trong tháng 4/2022 nhập khẩu đạt 116.498 tấn, trị giá 122,9 triệu USD, giảm 41,0% về lượng và giảm 43,7% về trị giá, giá trung bình 1.055 USD/tấn.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 3,4 triệu tấn, tương đương 3,2 tỷ USD, tăng 20% về lượng và tăng 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Căng thẳng Nga - Ukraine xảy ra khiến giá xăng dầu nhập khẩu tháng 4 leo thang lên mức trên 1.090 USD/m3, tăng gấp đôi so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng, giá xăng dầu nhập khẩu trung bình cũng tăng 80%, ở mức 927 USD/m3.

Sau khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã giao 10 doanh nghiệp nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn xăng dầu cho quý II.

Tuy nhiên, đầu tháng 5, Bộ Công Thương thông tin nguồn cung xăng dầu cả trong nước và nhập khẩu trong quý II dự kiến khoảng 6,7 triệu m3, trong đó nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến cung cấp 1,8 triệu m3, chiếm gần 27% tổng cung.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã làm việc với Chi nhánh phân phối sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (PVNDP) về khối lượng hàng cam kết bán trong quý II/2022 theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm xăng dầu (FPOA). Theo đó, sản lượng NSRP cam kết cung cấp cả quý II/2022 là 1,83 triệu m3 (tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3)

Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, PVNDP đã và đang tiến hành triển khai kế hoạch chi tiết giao nhận hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước theo các hợp đồng đã ký trong tháng 4/2022 và lịch giao hàng cho tháng 5/2022. Đối với việc giao hàng cho tháng 6/2022, PVNDP đang phối hợp chặt chẽ với NSRP và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để tiếp tục cập nhật kế hoạch sớm nhất.

Dự kiến nhu cầu xăng dầu quý II/2022 khoảng 5,2 triệu m3. Trong khi đó, nguồn cung xăng dầu dự kiến quý II/2022 khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm: Nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3; Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3); nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 (chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800 nghìn m3/tháng tương đương cả quý II là 2,4 triệu m3) và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3).

Theo đó, với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3. Như vậy, việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết cung ứng xăng dầu đã góp phần ổn định nguồn cung trong nước, giảm lượng xăng dầu nhập khẩu, qua đó phần nào giúp giá xăng dầu trong nước bớt phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Dùng công cụ thuế để kiểm soát giá xăng dầu

Từ đầu năm đến nay, giá xăng bán lẻ đã 9 lần tăng, ba lần giảm. Mặc dù từ ngày 1/4, chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chính thức có hiệu lực, tuy nhiên, đà giảm của giá xăng dầu vẫn khá "nhỏ giọt".

Trước đó, chiều 23/5, tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát. Nguồn: Báo Chính phủ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng giá xăng dầu điều chỉnh tăng có tác động rất lớn đến mọi mặt, đặc biệt là đến vấn đề lạm phát. Nguồn: Báo Chính phủ.

Đại biểu cũng phân tích, lạm phát của chúng ta hiện vẫn đang kiểm soát tốt nhưng vẫn có thể lên cao. Hiện nay tại Mỹ, lạm phát đã lên tới 8,5% (cao gấp 4 lần lạm phát mục tiêu), lạm phát tại châu Âu cao nhất trong nhiều thập kỷ qua. Do vậy, chúng ta phải sử dụng các công cụ nếu không giá xăng dầu điều chỉnh tăng sẽ tác động đến giá hàng hóa. Khi đó rất khó kiểm soát, kiềm chế lạm phát.

"Để giảm được giá xăng dầu thì phải trình giải pháp để giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu giảm nên chúng ta cần công cụ thuế để kiểm soát giá", đại biểu Hoàng Ngân cho hay.

Bên cạnh đó, vừa qua, Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh thuế suất thuế tối huệ quốc (MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN). Bộ Tài chính cho rằng, phương án trên có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước, do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc.

Theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc, doanh nghiệp được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu ưu đãi đặc biệt là 10%, thấp hơn mức thuế tối huệ quốc và mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của các Hiệp định khác như ATIGA, ACFTA.

4 tháng đầu năm, giá xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc đang ở mức 1.000 USD/m3, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, việc giảm thuế MFN sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.

Ngoài ra, mức chênh lệch 4% giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA đối với xăng cũng là hợp lý để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu mới khi các thị trường truyền thống bị thiếu hụt, đồng thời vẫn đảm bảo được dư địa đám phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Tin liên quan

Đọc tiếp