Nhóm ngân hàng kéo chỉ số đi lên, cổ phiếu của VPBank bứt phá

VPBANK VN INDEX
15:37 - 15/12/2022
VPB của Ngân hàng VPBank bứt phá trong phiên 15/12.
VPB của Ngân hàng VPBank bứt phá trong phiên 15/12.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù Fed đã công bố thông tin tăng lãi suất với mức đúng như dự đoán (0,5%) nhưng tâm lý nhà đầu tư hôm nay vẫn khá thận trọng. Dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp VN30 tăng mạnh.

Trong khi VN-Index chỉ tăng gần 5 điểm (lên mốc 1.055,32 điểm) thì VN30 tăng gần 12 điểm, lên mốc 1.068,08 điểm. Nguyên nhân bởi dòng tiền tập trung tìm đến các bluechip. Trong đó, vượt trội nhất là các mã ngân hàng. VPB tăng trần, MBB tăng 4,4%, TCB tăng 2,4%, VIB, HDB tăng gần 2%. Hôm nay, vốn hóa nhóm này tăng 1,6%.

HNX-Index giảm 0,3 điểm, còn UPCoM tăng 0,48 điểm. Thanh khoản giảm sút so với các phiên giao dịch gần đây, với tổng giá trị khớp lệnh đạt gần 13.000 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn là điểm sáng khi mua ròng hơn 300 tỷ đồng trên sàn HoSE (trên tổng số gần 2.000 tỷ đồng giao dịch).

VND được nhà đầu tư mua vào mạnh nhất, với 88 tỷ đồng. DXG cũng được mua ròng 45 tỷ đồng. Tiếp sau là HPG, CTG, HCM, VCI, FRT, DGC… Chiều bán ròng đứng đầu là VNM 79 tỷ đồng, sau đó là GAS 27 tỷ đồng, EIB 20 tỷ đồng, HDB 17 tỷ đồng, STB 13 tỷ đồng… 3 phiên trở lại đây, VNM đều đứng đầu danh sách bị khối ngoại bán ròng.

Ngoài nhóm ngân hàng, các nhóm công nghệ thông tin, chứng khoán, vận tải kho bãi, vật liệu xây dựng, bán lẻ, hóa chất, bảo hiểm cũng kết phiên trong sắc xanh, tuy nhiên mức dao động không nhiều. Điểm số được kéo chủ yếu do dòng tiền vào mạnh tại các mã đầu ngành. Như ngành bán lẻ: MSN +2,3%, MWG +1,2%; ngành công nghệ thông tin: FPT +1,8%; ngành chứng khoán: VND +1,9%, VCI +2,8%, SSI +0,7%; ngành vận tải: HVN tăng trần, VJC +0,6%.

Ở chiều ngược lại, nhóm thủy sản giảm mạnh nhất với 1,7% giá trị vốn hóa “bốc hơi”. Tất cả các mã trong nhóm đều giảm giá, trong đó ANV, IDI giảm mạnh -3,5%.

Tuy nhiên, gánh nặng nhất cho chỉ số là nhóm bất động sản. VHM giảm 4,3%. VIC, BCM, VRE, REE, THD, PDR, KSF đều ở chiều giảm. NVL sau nhiều phiên hồi phục cũng đảo chiều -3,2%, giao dịch kém sôi động hơn nhưng vẫn nằm trong top các cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất, với hơn 21 triệu đơn vị được trao tay.

Giao dịch trầm lặng của VN-Index có thể do ảnh hưởng của phiên đáo hạn phái sinh hôm nay. Tuy nhiên sự hồi phục của nhóm ngân hàng có thể là tín hiệu tốt để thị trường tiếp tục đi lên những phiên tới, bởi đây là nhóm đang được kỳ vọng sẽ dẫn sóng do định giá rẻ, thời gian qua chưa có nhiều bứt phá; trong khi các nhóm trụ cột khác như bất động sản, thép, chứng khoán đã tăng mạnh mà chưa có nhiều động lực thúc đẩy.

Theo báo cáo chiến lược mới đây, Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục khả quan trong quý 3/2022. Lợi nhuận quý 3 của các ngân hàng trong VN-Index tăng trưởng 55,7% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng lợi nhuận đến từ thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt, lần lượt tăng 31,4% và 17,4% so với cùng kỳ và chi phí dự phòng giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ do áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu không còn đáng kể.

Chất lượng tài sản các ngân hàng nhìn chung vẫn ở mức tốt, tuy nhiên đã có dấu hiệu suy giảm nhẹ. Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 3/2022 đi ngang so với quý trước, ở mức 1,48%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ nhóm 2 tăng 22 điểm cơ bản so với quý trước lên 1,42%. Dư nợ tái cơ cấu do Covid-19 tiếp tục xu hướng giảm so với quý trước.

Theo ACBS, NHNN nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5-2% và nâng mục tiêu cả năm lên 15,5-16%. Lãi suất huy động đã tăng tổng cộng 2% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng tương ứng. Điều này giúp NIM của các ngân hàng sẽ được giữ ở mức tương đương năm 2021. Tuy nhiên, chi phí dự phòng sẽ bắt đầu gia tăng kể từ quý 4/2022 nên lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng sẽ khó duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm nay..

Tin liên quan

Đọc tiếp