Nợ chính phủ toàn cầu có thể tăng kỷ lục 71.600 tỷ USD trong năm 2022

TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
07:05 - 07/04/2022
Trong năm 2022, phần lớn các quốc gia đều có xu hướng tăng vay nợ. Ảnh: Reuters
Trong năm 2022, phần lớn các quốc gia đều có xu hướng tăng vay nợ. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong năm 2022 nợ chính phủ toàn cầu được dự báo ​​sẽ tăng 9,5% lên mức kỷ lục 71.600 tỷ USD, trong khi các khoản vay mới cũng theo đà tăng lên.

Trong báo cáo Chỉ số Nợ Nhà nước hàng năm lần thứ hai (SDI) của công ty quản lý tài sản Vương quốc Anh Janus Henderson công bố ngày 6/4, nợ chính phủ toàn cầu ước tính sẽ tăng 9,5% trong năm nay, chủ yếu do 3 quốc gia là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc “đóng góp”. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia đều có xu hướng tăng vay nợ.

Con số vay nợ kỷ lục

Báo cáo cũng chỉ ra, nợ chính phủ toàn cầu năm 2021 tăng 7,8%, lên 65.400 tỷ USD khi mọi quốc gia đều tăng vay nợ, trong bối cảnh chi phí trả nợ giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.010 tỷ USD, với lãi suất thực tế chỉ 1,6%. Tuy nhiên, chi phí trả nợ được dự báo ​​sẽ tăng đáng kể vào năm 2022, tăng khoảng 14,5% lên 1.160 tỷ USD (trên cơ sở tỷ giá hối đoái không đổi).

Nước Anh sẽ cảm nhận được tác động mạnh nhất từ ​​việc tăng lãi suất và lạm phát phi mã đối với số lượng đáng kể các khoản nợ liên quan đến chỉ số của nước này, cùng với các chi phí liên quan đến việc thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Ngân hàng Trung ương Anh (ECB).

“Đại dịch Covid-19 đã có tác động rất lớn đến việc vay nợ của chính phủ và hậu quả sẽ để lại trong một thời gian dài”, bà Bethany Payne, Giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson, cho biết. Bà cũng đề cập đến tình hình bất ổn đang diễn ra ở Ukraine cũng có khả năng khiến các chính phủ phương Tây vay nhiều hơn để gia tăng chi tiêu quốc phòng.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát đang đè nặng lên nền tài chính của các quốc gia trên thế giới. Ảnh: Report.az

Cuộc xung đột Nga - Ukraine và lạm phát đang đè nặng lên nền tài chính của các quốc gia trên thế giới. Ảnh: Report.az

Ví dụ, Đức tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 2% GDP – đây là sự thay đổi chính sách “mạnh mẽ nhất” kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra. Chính phủ nước này cũng dành khoản chi phí 100 tỷ Euro (110 tỷ USD) để vũ trang trong nước.

Trong khi đó, theo báo cáo về tình hình vay nợ toàn cầu của Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings công bố hôm 5/4, tổng giá trị các khoản vay chính phủ mới dự kiến ​​sẽ đạt 10.400 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn gần 1/3 so với mức trung bình trước đại dịch Covid-19.

Nhà phân tích tín dụng Karen Vartapetov của S&P Global Ratings nhận định: “Việc vay nợ sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu đảo nợ cao, cũng như các thách thức bình thường hóa chính sách tài khóa do đại dịch, lạm phát cao và bối cảnh chính trị - xã hội phân cực”.

Báo cáo nhấn mạnh rằng các tác động kinh tế vĩ mô toàn cầu do cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine dự kiến ​​sẽ tạo thêm áp lực lên nhu cầu về tài trợ của chính phủ, trong khi các điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn sẽ làm tăng chi phí của các hoạt động này.

Điều này đặt ra một vấn đề “đau đầu” hơn nữa đối với nhiều quốc gia – vốn vẫn phải vật lộn để khôi phục đà tăng trưởng và cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài chính ngoại tệ và những nước phải gồng gánh các khoản lãi nợ khổng lồ.

Ở các nền kinh tế tiên tiến, chi phí đi vay dự kiến ​​sẽ tăng nhưng có khả năng vẫn ở mức ổn định - cho phép các chính phủ có thời gian củng cố ngân sách và tập trung vào các cải cách để kích thích tăng trưởng.

Cơ hội cho các nhà đầu tư

Sự hội tụ của chính sách tiền tệ nổi lên như một chủ đề trong thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, khi các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất xuống mức thấp lịch sử để hỗ trợ các nền kinh tế ốm yếu.

Tuy nhiên, công ty Janus Henderson lưu ý rằng, hiện tượng phân kỳ đang nổi lên như một chủ đề chính, khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Anh, châu Âu, Canada và Australia tìm cách thắt chặt các chính sách để kiềm chế lạm phát, trong khi Trung Quốc tiếp tục cố gắng kích thích nền kinh tế bằng các lập trường chính sách tương thích hơn.

Bà Bethany Payne cho biết, sự phân kỳ này mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư vào trái phiếu có thời hạn ngắn vì ít bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thị trường, đặc biệt tại Trung Quốc và Thụy Sỹ.

“Một là Trung Quốc, quốc gia đang tích cực tham gia vào xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Hai là Thụy Sỹ, quốc gia không chịu ảnh hưởng nhiều từ áp lực lạm phát khi năng lượng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong rổ lạm phát và chính sách của họ có độ trễ hơn ECB”, bà nhận xét.

Công ty Janus Henderson cũng tin rằng trái phiếu có thời hạn ngắn đang có vẻ hấp dẫn hơn so với những trái phiếu dài hạn.

“Khi lạm phát và lãi suất đang tăng lên, rất dễ dàng loại bỏ thu nhập cố định như một loại tài sản, đặc biệt là do định giá trái phiếu tương đối cao theo tiêu chuẩn lịch sử. Tuy nhiên, việc định giá nhiều loại tài sản khác thậm chí còn cao hơn và tỷ trọng của nhà đầu tư đối với trái phiếu chính phủ tương đối thấp, vì vậy có lợi trong việc đa dạng hóa”, bà Payne nhận định.

Hơn nữa, thị trường hầu hết đã định giá theo dự báo lạm phát cao hơn, vì vậy trái phiếu mua ngày hôm nay được hưởng lợi từ lợi suất cao hơn so với cách đây vài tháng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Nga duyệt binh quy mô lớn trong Ngày Chiến thắng

Ngày 9/5, hay còn được gọi là Ngày Chiến thắng, một trong những ngày lễ lớn nhất tại Nga, hàng nghìn binh sĩ đã tham gia vào lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow nhân dịp kỷ niệm 79 năm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ 2.