Nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long muốn bền vững thì phải 'thuận thiên'

ĐBSCL QUỐC HỘI
10:35 - 08/06/2022
Nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là suy thoái đất. Ảnh: ĐCS
Nông nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là suy thoái đất. Ảnh: ĐCS
0:00 / 0:00
0:00
Định hướng nông nghiệp tuần hoàn, sử dụng phân bón vô cơ, coi chất thải nông nghiệp là tài nguyên là những giải pháp mà Bộ trưởng NN&PTNT và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đưa ra để phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của thế giới.

Đồng bằng Sông Cửu Long đang đứng trước những thách thức cho sự phát triển như thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thay đổi dòng sông Mekong, tình trạng chặt phá rừng gây tác hại ngày càng nặng nề; đầu tư cho vùng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, còn dàn trải.

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chiều 7/6, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) đã nêu câu hỏi về Chỉ thị số 23 năm 2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, và đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện các dự án thay đổi tập quán sản xuất, chống suy thoái đất, đa dạng sinh kế và phát triển bền vững.

Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cũng cho rằng, thời gian qua, bà con nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long chưa hoặc ít chủ động sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. “Với vai trò là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng sẽ làm gì khi giải pháp theo khuyến cáo chưa được ứng dụng thực sự đạt hiệu quả, trong đó có việc thay đổi tập quán canh tác của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long”?, ông Thái đề nghị.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về vấn đề đất đai Đồng bằng Sông Cửu Long suy thoái, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết đó là thực trạng đang được các ngành, các cấp từng bước khắc phục và có được một số kết quả khả quan. Theo đó, những mô hình hữu cơ hóa đang phát huy tác dụng, làm đất đai đỡ chai cằn ở nhiều địa phương.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhìn nhận các mô hình đã phát huy hiệu quả trong thực tế cần được mở rộng, nhân rộng, cần xây dựng những mô hình tổ chức khuyến nông để bà con chuyển từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hiện đại, sử dụng lại vật tư đầu vào, chuyển đổi tăng giá trị, giảm chi phí.

Bên cạnh đó, về việc phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với hoàn cảnh biến đổi khí hậu, Bộ NN&PTNT đã xây dựng quy hoạch sản xuất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, trong đó chia ba vùng sinh thái ngọt, lợ, lợ mặn để có phương án sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên, từ đó giúp thay đổi sinh kế, tăng thu nhập đáng kể cho người nông dân.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Khó khăn nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay là hạ tầng trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài khó khăn về hạ tầng giao thông, đường cao tốc khu vực của vùng còn gặp khó về hạ tầng logistics, kho bảo quản, khu chế biến. Quốc hội đã phê chuẩn cho thành phố Cần Thơ thí điểm cơ chế đặc thù là trung tâm logistic, từ đó kết nối với hạ tầng logistic dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu. Với giải pháp này sẽ tạo ra một lợi thế mới cho hạ tầng nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long”.

Bộ NN&PTNT đang làm việc với các tập đoàn của Mỹ, châu Âu đầu tư chuỗi các kho bảo quản ở cấp độ hợp tác xã dọc sông Tiền, sông Hậu để kết nối về trung tâm ở thành phố Cần Thơ. Mô hình đầu tiên là kho lạnh sử dụng năng lượng mặt trời ở Trà Vinh đang được triển khai thí điểm để rút kinh nghiệm.

“Chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên”

Cùng đưa ra giải trình trước Quốc hội về vấn đề suy thoái đất Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, có nhiều nguyên nhân từ việc lựa chọn mô hình canh tác không đúng, thâm canh, quảng canh, dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học. Một vấn đề khách quan khiến đất bị suy thoái là biến đổi khí hậu, khiến xâm nhập mặn, nhiễm phèn, khô hạn, ngập lụt… gia tăng.

Theo Bộ trưởng Hà, cần có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Từ bài học thành công của Nghị quyết số 120/NQ-CP về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Trần Hồng Hà khẳng định nguyên tắc chung là phải chung sống thân thiện với tự nhiên và thuận theo tự nhiên, kinh phí phải phát triển dựa theo hệ sinh thái.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

“Chúng ta phải chuyển đổi, phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ khâu thiết kế quy hoạch và bố trí cây trồng, vật nuôi, sản xuất tiêu dùng và xử lý môi trường phải đi với nhau thành một vòng khép kín. Bởi Việt Nam là đất nước nông nghiệp, chất thải nông nghiệp chính là tài nguyên. Đồng thời, thay đổi nhận thức, thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh và cơ cấu kinh tế, trong đó khoa học công nghệ là yếu tố quyết định”.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, việc sử dụng phân bón tiết kiệm và hiệu quả, tăng sử dụng phân bón hữu cơ cũng là một trong những giải pháp để chống suy thoái đất của Đồng bằng Sông Cửu Long và tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Bộ trưởng Hoan cho biết hiện trên cả nước vẫn còn tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không tuân thủ nguyên tắc “bốn đúng” gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe con người và chất lượng nông sản, tình trạng này diễn ra nhiều nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang cao.

Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Lê Minh Hoan nêu rõ, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các phương pháp thử cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm, hiệu quả, an toàn và có trách nhiệm.

“Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác công tư sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm nhằm hướng đến một nền nông nghiệp xanh, an toàn và nâng cao giá trị nông sản; nhân rộng các mô hình, đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt các mô hình canh tác giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn bảo đảm năng suất, chất lượng nông sản phẩm. Đồng thời, cần nhấn mạnh vai trò tổ chức lại các ngành hàng trong sản xuất nông nghiệp”, Bộ trưởng NN&PTNT nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.