On Group mua lại TopShip để đẩy mạnh thương mại xã hội

On Group TopShip
16:54 - 24/08/2022
Ảnh: On Group.
Ảnh: On Group.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 23/8, On Group - công ty khởi nghiệp về thương mại xã hội có trụ sở tại Việt Nam thông báo trên trang của mình về việc đã mua lại nền tảng TopShip thuộc công ty công nghệ ETOP. Tuy nhiên, giá trị thương vụ không được hai bên tiết lộ.

Theo đó, ông Hoàng Giang, người sáng lập TopShip, nền tảng kết nối các nhà vận chuyển địa phương cho biết, thương vụ này xuất hiện ngay sau khi On Group huy động được 1,1 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống vào đầu năm nay, dẫn dắt bởi quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners cùng với sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm ThinkZone Ventures.

TopShip hiện có hơn 10 đối tác vận chuyển trên toàn quốc. Trong đó, các tên tuổi lớn được tích hợp trong hệ thống TopShip bao gồm: Giao hàng Nhanh (GHN), Giao hàng Tiết kiệm (GHTK), Viettel Post, Aha Move, J&T Express… Với 25.000 đơn hàng mỗi ngày được giao cho hơn 50.000 người bán trực tuyến.

Sau thương vụ, nền tảng TopShip sẽ đổi tên thành OnShip và hoạt động như một trong ba đơn vị trụ cột chính của hệ sinh thái On Group, bao gồm: logistic, nguồn cung ứng và tài chính. Đại diện On Group nói rằng việc bổ sung nền tảng logistics sẽ giúp nhà bán hàng trên ứng dụng ON giảm tới 50% chi phí vận chuyển.

ON là nền tảng bán hàng không cần vốn hàng đầu tại Việt Nam, được thành lập vào năm 2021 bởi các founder là Nguyễn Hoàng Giang, Lưu Tiến Dũng và Nguyễn Tiến Minh. Cụ thể, nền tảng sẽ phụ trách toàn bộ các vấn đề về nguồn hàng, đóng gói sản phẩm và vận chuyển và người bán chỉ cần giới thiệu và tư vấn bán hàng. Với mỗi đơn hàng thành công, đối tác bán hàng có thể nhận được hoa hồng lên đến 50% giá trị đơn hàng.

Công ty cũng tiết lộ rằng phương pháp tiếp cận tập trung vào các khu vực nông thôn đã thu hút hơn 1,4 triệu người dùng với 52.000 người bán và 20.000 sản phẩm được niêm yết.

Theo một báo cáo mới đây của Facebook và Bain & Company, Việt Nam sẽ là quốc gia có lĩnh vực thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa ước tính là 56 tỷ USD. Đây được xem là những con số ấn tượng đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Nền tảng bán hàng không cần vốn là nơi người bán hàng không cần có vốn mà vẫn được đăng bán sản phẩm trên đó. Điều này tạo điều kiện cho những nhà kinh doanh nhỏ lẻ, những người mới bắt đầu kinh doanh chưa có vốn hoặc vốn ít. Trong khi đó, nền tảng ON hướng đến tạo lập một cách thức kiếm tiền đơn giản, nơi mọi người tận dụng mạng lưới bạn bè có sẵn trên mạng xã hội để bán hàng, không cần bỏ vốn ban đầu hay phải lo các vấn đề về vận hành.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.