Ông Trương Đình Anh: 'FPT Telecom còn nhiều mỏ vàng trên Internet'

Doanh Nhân Việt nAM
07:44 - 27/03/2022
Hiện cựu CEO đang sinh sống cùng gia đình tại Mỹ. Ảnh: FBNV
Hiện cựu CEO đang sinh sống cùng gia đình tại Mỹ. Ảnh: FBNV
0:00 / 0:00
0:00
Tuy đã rời Tập đoàn FPT nhiều năm nhưng ông Trương Đình Anh vẫn là cái tên được nhắc đến trong các chương trình khởi nghiệp, bởi ông là một trong những người tham gia phát triển FPT Telecom từ buổi sơ khai; với tầm nhìn vượt trội và sự táo bạo đặc biệt.

Trong chương trình talkshow nhân kỷ niệm 25 năm xây dựng và phát triển của công ty FPT Telecom mới đây, ông Trương Đình Anh xuất hiện với vai trò là một trong những người đặt nền móng cho sự phát triển mạnh mẽ của công ty con trong Tập đoàn FPT này. Sau khi rời FPT, ông cũng đã có thời gian trải nghiệm ở thị trường Mỹ.

Muốn trẻ trung phải làm những điều mới lạ

Chia sẻ với các quản lý cấp cao của FPT Telecom, ông Trương Đình Anh, cựu CEO Tập đoàn FPT nhận định: “Nhiều mỏ vàng mà FPT Telecom có thể khai thác được từ chính các gói sản phẩm, dịch vụ mạng Internet. Cơ hội kinh doanh của FPT Telecom rất to lớn. Hãy tham khảo những mô hình kinh doanh tương tự ở các nước phát triển trên thế giới và đưa về Việt Nam”.

Nhớ lại thời điểm khi bắt đầu vận hành FPT Telecom nhiều năm trước, ông cho biết công ty thời điểm đó là một tổ chức đổi mới, tạo ra rất nhiều cơ hội cho các thành viên trẻ. Người giỏi thường bị thu hút bởi những cơ hội khá đặc biệt, đó cũng là lý do FPT Telecom hội tụ được nhân tài. Cơ hội thường đi kèm với lợi ích, nếu làm tốt, mỗi cá nhân sẽ đạt được thành quả nhất định.

“Từ cách đây 25 năm, tôi đã thấy viễn thông là ngành kinh doanh công nghệ, chúng ta chỉ có thể thành công khi liên tục kết nạp các công nghệ mới, đón đầu xu thế. Sau đó FPT Telecom đã đạt đến đỉnh cao từ cách đây 20 năm, trở thành một trong hai nhà cung cấp dịch vụ dial up nhiều thuê bao nhất Việt Nam. Nhưng ngày vui rất ngắn, chưa đến 1 năm sau công ty đã gặp khó khi VNPT ra sản phẩm mới”, ông Trương Đình Anh kể lại.

Theo vị cựu CEO Tập đoàn FPT, trong ngành viễn thông luôn tồn tại những thách thức như vậy. Đặc biệt là ở Việt Nam, dân số chỉ gần 100 triệu nhưng đã có tới 17-18 nhà cung cấp đầu thuê bao. Một hộ gia đình trung bình 4 người thì việc tìm kiếm khách hàng mới rất khó. Để giữ được nhịp tăng trưởng, ngành viễn thông phải dựa trên dữ liệu cũ, tức là phải “thâm canh” trên mảnh đất cũ.

Trong khi đó theo ông Trương Đình Anh, tại thị trường Mỹ, câu chuyện bão hòa như vậy đã đi trước Việt Nam từ 5 đến 10 năm. Thuê bao Internet không phát triển và mỗi năm có 30 triệu khách hàng rời bỏ truyền hình cáp. Do đó các công ty viễn thông Mỹ đều phải tìm kiếm chiến lược phát triển mới, chủ yếu là triển khai đa dịch vụ trên nền tảng có sẵn để gia tăng thu nhập.

Ví dụ như hiện nay, các nhà mạng Việt Nam đang cung cấp dịch vụ cào bằng theo đầu người. Trong khi ở Mỹ, họ đã phân định phân khúc khách hàng để kiểm soát nguồn thu. Điều này cũng giúp các công ty viễn thông phục vụ chính xác cho nhu cầu khách hàng, giúp khách hàng hài lòng hơn với dịch vụ được cung cấp.

Ông cũng nêu câu chuyện về xu hướng phát triển của mạng đi động. Trước đây, theo ông nhiều người dự đoán công nghệ cố định sẽ biến mất nhưng thực tế nó vẫn tồn tại, thậm chí ngày càng phát triển. Mạng 4G, 5G vẫn chưa thể thay thế được. Vì vậy, mạng cố định vẫn là mảnh đất có thể khai thác. Ví dụ như xây dựng mạng wifi công cộng tại một địa phương, khu vực nào đó. Do vậy FPT Telecom ngày nay vẫn còn nhiều mỏ vàng trên Internet.

“Muốn phát triển ổn định thì chỉ cần vận hành ổn định, nhưng muốn tăng trưởng được 30 đến 50% thì buộc chúng ta phải có động lực lớn để thúc đẩy tốc độ cao. Cuối cùng, muốn trẻ trung thì chúng ta phải làm những điều mới lạ”, cựu CEO FPT Trương Đình Anh đúc kết.

Ông Trương Đình Anh (áo xanh) trong sự kiện talkshow của FPT Telecom hôm 21/3. Ảnh: FOX News

Ông Trương Đình Anh (áo xanh) trong sự kiện talkshow của FPT Telecom hôm 21/3. Ảnh: FOX News

Luôn thoát ra khỏi sự ổn định

Trong sự nghiệp kinh doanh của mình tại Việt Nam trước đây, đam mê theo đuổi cái mới, bứt phá khỏi sự ổn định chính là quan điểm và chiến lược kinh doanh mà ông Trương Đình Anh từng vận dụng để đưa công ty FPT Telecom lên những tầm cao mới. Trong cuốn sách “FOX tự hào có anh” mà các đồng nghiệp dành tặng sau khi ông rời Tập đoàn FPT với những câu chuyện hậu trường trong quá trình khởi nghiệp đã cho thấy rõ điều này.

Theo đó, năm 1997, công ty FPT Online Exchange (viết tắt là FOX và là tiền thân của FPT Telecom ngày nay) khi mới được cấp phép cung cấp dịch vụ Internet đã lỗ khoảng 50.000 USD. Để cải thiện tình trạng này, không còn cách nào khác là phải đẩy nhanh số lượng khách hàng. Ông Đình Anh và 3 cộng sự thân cận đã gửi "hàng tấn thư" đến khắp các khách hàng dùng email, rải hàng chục ngàn tờ rơi… Đỉnh điểm của đợt khuyến mại là việc tặng modem cho khách hàng - sự kiện gây chấn động thị trường Internet thủa sơ khai năm 1998.

Sự năng nổ phát triển Internet cùng phát ngôn gây sốc: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành thủ tướng năm 40 tuổi” đã khiến Trương Đình Anh trở thành một nhân vật được báo chí quan tâm. Sau đó, ông được bầu chọn là một trong 10 thanh niên Việt Nam xuất sắc năm 1998, nhận bằng khen của Thủ tướng Phan Văn Khải, bằng khen của Trung ương Đoàn. Cuối năm 1998, FOX kết thúc năm đầu tiên thực sự kinh doanh với doanh thu 540.000 USD và quan trọng nhất là bắt đầu có lãi.

Từ vai trò lập trình viên và khẳng định tài năng của mình tại công ty tiền thân của FPT Telecom, ông Trương Đình Anh đã kinh qua nhiều chức vụ tại Tập đoàn FPT, trong đó cao nhất là Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT (2011-2012). Trong suốt quá trình này, ông luôn thể hiện là người lãnh đạo sáng tạo, quyết liệt và liều lĩnh.

Như thời điểm năm 2003, khi công ty tiền thân của FPT Telecom phải đối mặt với nhiều khó khăn, ông Trương Đình Anh chính là người duy nhất đưa ra phương án táo bạo: Vừa tự kéo cáp vừa tiến hành những thủ tục xin cấp phép của Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc, công ty cung cấp dịch vụ Internet này phải đối diện với nguy cơ thua lỗ lớn nếu bị xử phạt.

Khi đó, hơn 90% ý kiến đưa ra không đồng tình với quyết định này, nhưng ông Trương Đình Anh đã phải lấy quyền cao nhất của mình để triển khai bước đi táo bạo này. Nhờ quyết định trên, kết quả kinh doanh của FPT Telecom thời điểm đó đã được vực dậy và liên tục đạt mức tăng trưởng tốt.

Với những quyết định táo bạo, ông Trương Đình Anh đã giúp FPT Telecom đạt được những thành tựu lớn. Ảnh: FPT

Với những quyết định táo bạo, ông Trương Đình Anh đã giúp FPT Telecom đạt được những thành tựu lớn. Ảnh: FPT

Không chỉ quyết đoán và liều lĩnh trong kinh doanh, ông Trương Đình Anh còn gây ấn tượng bởi tính cách thẳng thắn, không sợ mất lòng ai. Trong phát biểu nhậm chức Tổng giám đốc Tập đoàn FPT năm 2011, ông từng thẳng thắn giải mã nguyên nhân tình hình kinh doanh của Tập đoàn FPT đang không khả quan.

Ông Trương Đình Anh khi đó đã "bắt bệnh" nội bộ FPT: “Việc FPT niêm yết thành công trên sàn chứng khoán đã đem lại thành công tài chính cho nhiều cá nhân nhưng cũng dẫn tới nhiều hệ lụy. Các cán bộ điều hành của chúng ta đã giàu lên nhanh chóng, đã trở thành những tỷ phú. Khi đó, những đồng lương, thưởng trước đây hấp dẫn thì nay chỉ còn là một con số nhỏ trong bảng tổng tài sản. Chúng ta nhìn nhận một thực tế là ở nhà to hơn, đi xe đẹp hơn, trong túi có nhiều tiền hơn nhưng chúng ta lại mang trong mình ít khát vọng hơn. Tinh thần chiến đấu của nhiều người FPT đã bị giảm sút”.

Bên cạnh đó, ông Trương Đình Anh còn nổi tiếng và gây sốc với chính các cán bộ quản lý FPT với những quan điểm kinh doanh như: “Nếu đặt chữ Tình lên cao nhất, hệ thống sẽ không hoạt động được”, “Không có kẻ thù nào vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn”, "Sẽ cách chức những ai trong 3 quý không hoàn thành kế hoạch”...

Nhưng đến tháng 9/2012, ông Trương Đình Anh đã phải sớm rời vị trí CEO Tập đoàn FPT chỉ sau một thời gian ngắn ngủi. Lý do ông nêu trong đơn xin từ nhiệm là vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và HĐQT. Nửa tháng sau, ông rời bỏ nốt “ghế” Chủ tịch FPT Telecom, công ty con của Tập đoàn FPT, dù ông vẫn là thành viên HĐQT của cả Tập đoàn FPT và Công ty FPT Telecom.

Tới tháng 7/2013, ông tiếp tục xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của FPT Online, một công ty con khác của Tập đoàn FPT, công ty vận hành công nghệ của báo điện tử VnExpress. Sau đó không lâu, doanh nhân này công bố bán thành công gần 1,2 triệu cổ phiếu FPT.

Từ tháng 7/2016, cựu CEO của Tập đoàn FPT thông tin chính thức về việc sang sống và làm việc dài hạn ở Mỹ.

Từ đó đến nay, ông Trương Đình Anh gần như biến mất khỏi giới kinh doanh trong nước. Lần tham gia sự kiện talkshow nội bộ tại FPT Telecom hôm 21/3 vừa qua là lần trở lại hiếm hoi của ông sau một thời gian dài "ẩn tích".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.
ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.