'Phấn đấu để lương khu vực Nhà nước tiệm cận doanh nghiệp'

KINH TẾ QUỐC HỘI
14:28 - 08/11/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ cho biết, bên cạnh cải cách tiền lương khu vực Nhà nước, cần cải cách tiền lương trong khu vực ngoài Nhà nước để hai mức này tiệm cận với nhau.

Trong phiên chất vấn ngày 7/11, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP HCM gửi câu hỏi đến Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chính phủ đã trình Quốc hội về việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào".

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP HCM
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH TP HCM

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiền lương là vấn đề luôn được cử tri và đại biểu quan tâm. Tiền lương vừa là nguồn mang lại tái tạo sức lao động nhưng cũng là động lực để cán bộ, công chức, người lao động tham gia cống hiến, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thủ tướng cho biết Nghị quyết 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đã được ban hành nhưng chưa thể thực hiện được vì nguồn lực còn khó khăn, vừa qua là đại dịch Covid-19 và tác động từ tình hình quốc tế.

Mặc dù vậy, Chính phủ đã cố gắng trích lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, đến nay có khoảng 560.000 tỷ đồng tiết kiệm chi cho cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 đến hết năm 2026.

"Song song cải cách tiền lương trong khu vực Nhà nước, chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp để tiệm cận với nhau", Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm; tinh giản biên chế gắn với hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương cho người lao động.

Như vậy, Thủ tướng cho rằng vừa phải thực hiện chế độ lương cho cán bộ, công chức, song Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu để xây dựng chính sách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước cho phù hợp, tiệm cận với nhau.

Mạnh dạn thí điểm nhưng không nóng vội

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đặt vấn đề liên quan đến việc thực hiện yêu cầu về hoàn thiện thể chế nêu tại Nghị quyết số 134 của Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu cho biết nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội nói vui rằng nhiệm kỳ này là nhiệm kỳ của thí điểm. Việc thực hiện thí điểm tuy có mặt tích cực là giúp kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật, song cũng tạo ra sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật. Từ đây, gây ra tâm lý bất ổn định, không bình đẳng trong thực thi pháp luật giữa các địa phương, chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật.

"Việc trình Quốc hội thông qua các nghị quyết về thực hiện thí điểm quá nhiều cơ chế, chính sách pháp luật như vừa qua có phải là biểu hiện bất cập, thiếu chủ động trong tầm nhìn và về năng lực đề xuất xây dựng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan hay không?", nữ đại biểu chất vấn.

Đại biểu cũng hỏi Thủ tướng: "Với các chính sách đang thực hiện thí điểm, nếu thấy có tác dụng hiệu quả tốt, tại sao Chính phủ không khẩn trương xây dựng trình Quốc hội sửa đổi luật để áp dụng thống nhất mà vẫn tiếp tục đề xuất chỉ mở rộng phạm vi thực hiện thí điểm trong một số dự án hay địa phương cụ thể. Như vậy liệu có tạo kẽ hở cho tham nhũng về chính sách hình thành cơ chế xin - cho hay không?".

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Trả lời đại biểu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, vừa qua đã có một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, một số ngành, đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan.

Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, có xuất phát điểm thấp, khả năng chống chịu với tác động bên ngoài còn hạn chế, tình hình thế giới cũng thay đổi nhanh nên các văn bản pháp luật có nhiều lúc chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Thủ tướng cho biết, việc ra cơ chế đặc thù có cơ sở chính trị vững chắc. Nghị quyết 18 của Trung ương khóa XII, Nghị quyết 19 của Trung ương khóa XIII đều mang tinh thần "những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì quyết tâm luật hóa".

"Cùng với đó, những gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này", Thủ tướng cho biết thêm.

Về cơ sở thực tiễn, Thủ tướng nhấn mạnh, việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, cũng cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp.

Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu sâu hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có điều chỉnh cho phù hợp, tiến tới hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.