Phú Thọ lấy nội lực làm chiến lược lâu dài để tận dụng lợi thế riêng biệt của vùng

phú thọ CHÍNH SÁCH
10:31 - 04/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Khẳng định Phú Thọ là đại diện đầy đủ nhất cho Trung du miền núi phía Bắc với các lợi thế riêng biệt, Thủ tướng Chính phủ định hướng tỉnh cần phát triển toàn diện hơn nữa, xứng đáng tiềm năng vùng Đất Tổ.

Trong chương trình làm việc ngày 3/9 tại tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 và đưa ra các định hướng lớn cho tỉnh.

Đại diện đầy đủ nhất cho khu vực Trung du miền núi phía Bắc

Tại buổi làm việc, ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang

“Phú Thọ đã nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khá, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư FDI”.

Xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD, xếp thứ 10/63 cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 87,6%, đứng thứ 8/63 cả nước. Thu ngân sách Nhà nước đạt 9.029 tỷ đồng, tăng 52% so dự toán.

Cải cách hành chính được đẩy mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Chỉ số PCI xếp thứ 20/63, đứng đầu khu vực miền núi phía Bắc; Chỉ số PAPI xếp thứ 6/63, tăng 32 bậc; Chỉ số PAR Index xếp thứ 9/63, tăng 01 bậc; Chỉ số SIPAS xếp thứ 13/63, tăng 8 bậc.

Văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,5% theo chuẩn giai đoạn 2016- 2020. Giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%. Xây dựng nông thôn mới được chú trọng, 04/13 đơn vị cấp huyện, 122/225 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, tỉnh đang tiếp tục ưu tiên đầu tư mới, cải tạo 18 tuyến đường giao thông trọng điểm, mục tiêu tới năm 2025, mở thông các tuyến giao thông đối ngoại với các tỉnh xung quanh.

Trước những kết quả mà Phú Thọ đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Phú Thọ là đại diện đầy đủ nhất cho khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, có nhiều thế mạnh về nguồn lực tài nguyên, con người, vị trí địa lý. Đặc biệt, Phú Thọ là vùng Đất Tổ Vua Hùng, nơi có hai Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

“Đây là những lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh với các địa phương khác trong cả nước. Trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Phú Thọ đã có sự đầu tư phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực, đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước”, người đứng đầu Chính phủ đánh giá.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, ngày 3/9. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ, ngày 3/9. Ảnh: VGP.

Phú Thọ phải tự lực tự cường vươn lên mạnh mẽ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lớn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa có đột phá, tăng trưởng các ngành chưa đồng đều, chưa tự cân đối được chi thường xuyên.

Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch sang kinh tế nông nghiệp còn chậm. Tỉnh cũng chưa thu hút được nhiều dự án lớn và nhà đầu tư có năng lực. Phát triển du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chất lượng chưa cao, tỷ lệ đô thị hóa còn thấp.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cần cải thiện hơn. Doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh, nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ. Liên kết vùng và phát huy lợi thế so sánh còn hạn chế. Giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn cao.

Từ những tồn tại nêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra các định hướng lớn cho tỉnh trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành, theo đó, tỉnh phải tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

"Phú Thọ phải tự lực tự cường vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa để trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Nhất là phát triển nhanh, bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, xứng đáng với vùng Đất Tổ".

Thủ tướng định hướng, tỉnh cần chú trọng bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.

Phú Thọ cần lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ. Trong công việc, suy nghĩ phải kỹ, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tỉnh phải phát huy tối đa lợi thế về truyền thống văn hóa, nguồn lực con người, tinh thần đoàn kết, vượt khó, phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội. Tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Một định hướng quan trọng không thể thiếu là xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ và đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Khu Công nghiệp Thụy Vân (Việt Trì, Phú Thọ) là vùng thu hút FDI, phát triển mạnh mẽ của tỉnh và được Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư.

Khu Công nghiệp Thụy Vân (Việt Trì, Phú Thọ) là vùng thu hút FDI, phát triển mạnh mẽ của tỉnh và được Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư.

Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng lưu ý, tỉnh cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ định hướng cho Phú Thọ cơ cấu lại để công nghiệp thực sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển. Cùng với đó là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị.

Tỉnh cũng cần đẩy mạnh phát triển, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thương mại thế mạnh như du lịch, vận tải, logistics đi đôi tăng cường các dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin. Phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đặc trưng gắn với văn hóa vùng Đất Tổ, lợi thế thiên nhiên, con người và sản vật địa phương.

Việc tận dụng tối đa cơ hội, nguồn lực cho đầu tư, phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt vốn FDI và hình thức đối tác công tư). Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế; hạ tầng chuyển đổi số.

Tháo gỡ khó khăn cho các hạng mục trọng điểm

Cũng trong ngày 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho một số công trình trọng điểm của tỉnh. Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng đã đưa ra kết luận phương án chỉ đạo cho từng hạng mục.

Sau khi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Thủ tướng đề nghị cân đối, bố trí thêm kinh phí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, gồm cả vốn Trung ương và địa phương, triển khai ngay việc xây dựng 4 làn xe (hiện đang đầu tư giai đoạn 1 chỉ có 2 làn), thay vì đợi tới sau năm 2025 như dự kiến trước đây.

Đối với khó khăn về vốn của Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ là mô hình đầu tư xây dựng theo hướng xã hội hóa, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại các khoản vốn đầu tư cho các cơ sở y tế.

Cũng nhân dịp này, Thủ tướng giao Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng cũng tạo điều kiện để các địa phương, đơn vị phát huy tinh thần chủ động, năng động theo hướng "mua thiết bị y tế hợp lý nhất chứ không phải mua thiết bị rẻ nhất".

Trước đề nghị của Phú Thọ về việc Chính phủ phân cấp, giao HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa (từ 10 ha đất trồng lúa trở lên), đất rừng (từ 50 ha đất rừng sản xuất, 20 ha đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trở lên) và ủy quyền cho UBND tỉnh một số nhiệm vụ liên quan công tác quy hoạch.

Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện theo quy định hiện hành; giao các Bộ liên quan nghiên cứu kiến nghị của Phú Thọ và các địa phương khác về các nội dung này trong quá trình sửa đổi.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, cân đối nguồn vốn Trung ương và địa phương để triển khai một số dự án theo kiến nghị của Phú Thọ vào thời điểm phù hợp, nghiên cứu tiếp tục đầu tư cho Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Đền Hùng bằng nguồn vốn Trung ương, địa phương và nguồn lực xã hội hóa.

Tin liên quan

Đọc tiếp