Phương Tây nhất trí sẽ sớm loại Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT

TÀI CHÍNH SWIFT
11:14 - 27/02/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/2, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu thống nhất quan điểm sẽ loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, đáp trả việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Động thái này sẽ nằm trong gói giải pháp trừng phạt thứ ba của phương Tây nhằm vào Nga. 

The Guardian trích tuyên bố chung từ các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu (EC) cùng Anh, Canada và Mỹ cho biết đây là "biện pháp cứng rắn để Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính quốc tế và các nền kinh tế khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp này trong những ngày tới”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Ursula von der Leyen cho biết: “Chúng tôi cam kết đảm bảo rằng những ngân hàng Nga nhất định sẽ bị xóa khỏi hệ thống SWIFT. Khi đó, mọi hoạt động kết nối của các ngân hàng này sẽ bị ngắt và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động và thanh khoản của họ trên toàn cầu".

Dự kiến trong vài ngày tới, SWIFT sẽ loại được một phần hoạt động của các tổ chức và ngân hàng Nga trên hệ thống thanh toán toàn cầu. Hiện tại, danh sách cuối cùng về các bên bị chặn quyền truy cập vẫn đang được tạo lập.

Nhiều người biểu tình ủng hộ Ukraine giơ biểu ngữ đòi loại Nga khỏi SWIFT. Ảnh: AFP
Nhiều người biểu tình ủng hộ Ukraine giơ biểu ngữ đòi loại Nga khỏi SWIFT. Ảnh: AFP

Một phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết thêm ngày 26/2, sắp tới Nga sẽ “bị cộng đồng quốc tế cũng như các tổ chức khác trừng phạt". Nhà Trắng cũng khẳng định "quyết tâm tiếp tục buộc Nga phải trả giá và bị cô lập hơn nữa trong hệ thống tài chính toàn cầu cũng như các nền kinh tế các quốc gia".

Bên cạnh đó, tuyên bố chung của các nước phương Tây cũng thể hiện nhất trí áp dụng các biện pháp hạn chế để ngăn Ngân hàng Trung ương Nga triển khai dự trữ ngoại hối để làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, các này cho biết họ sẽ thực hiện các biện pháp để hạn chế “hộ chiếu vàng”, cách cho phép những người Nga giàu có có quan hệ với chính phủ lấy quốc tịch các nước châu Âu có quyền truy cập vào hệ thống tài chính.

Mỹ và Liên minh châu Âu cũng công bố kế hoạch lập "lực lượng đặc nhiệm xuyên Đại Tây Dương" nhằm mục đích "đảm bảo thực thi các biện pháp trừng phạt tài chính nhanh chóng và đóng băng tài sản các cá nhân, công ty chịu lệnh trừng phạt trong khu vực pháp lý” nhằm vào Nga.

Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) được thành lập năm 1973, nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.

Hệ thống SWIFT từng được đánh giá là một biện pháp trừng phạt có thể mang đến hậu quả như "bom nguyên tử" đối với hệ thống tài chính của Nga. Tuy nhiên, nếu Nga phải "chịu trận" thì các ngân hàng trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu cũng đứng trước nguy cơ phá sản vì mua nợ của nước này. Biện pháp này cũng có thể dẫn đến những hậu quả tài chính cho các quốc gia đang phụ thuộc vào năng lượng và lương thực của Nga.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine hôm 24/2, nhiều nước phương Tây đã lên tiếng đề nghị loại Nga khỏi SWIFT. Trước đây, ý tưởng loại Nga khỏi SWIFT từng được đưa ra sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014, nhưng không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng nước ngoài đã giảm đáng kể liên kết với Nga, trong khi một số ngân hàng phương Tây đã tham gia vào các thương vụ và có liên kết kiểu khác.

Lần gần đây nhất là vào năm 2018, Mỹ và châu Âu bất đồng khi chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump muốn loại bỏ Iran khỏi SWIFT. Cuối cùng, hệ thống tài chính quốc tế này đã cắt quan hệ với các ngân hàng Iran do lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt tại nước này.

Theo các chuyên gia, SWIFT đang bị các quốc gia đánh giá quá cao. Điều này có nguy cơ phản tác dụng khi khiến Nga phải dồn lực tìm ra những cách thức thay thế để kết nối với kinh tế toàn cầu, đồng thời củng cố hơn mối quan hệ với Trung Quốc và có thể sẽ phát triển một loại tiền điện tử riêng.

Đêm 26/2 đã chứng kiến một số động thái bước ngoặt của phương Tây trong cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó có việc Đức tuyên bố sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho Ukraine. Berlin đã thay đổi chính sách từ cấm xuất khẩu vũ khí sang các khu vực xung đột, và cam kết chuyển 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa đất đối không Stinger cho Ukraine.

Trong lĩnh vực hàng không, cho đến nay, có 9 quốc gia châu Âu, bao gồm Cộng hòa Czech, Ba Lan và Anh cũng đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn hoặc một phần đối với các chuyến bay đến từ Nga.

Tin liên quan

Đọc tiếp