Lý do phương Tây dè chừng không loại Nga khỏi SWIFT

SWIFT NGA
17:05 - 26/02/2022
Lý do phương Tây dè chừng không loại Nga khỏi SWIFT
0:00 / 0:00
0:00
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính với Nga, tuy nhiên nhiên biện pháp mạnh tay bậc nhất là loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT vẫn khiến các nước dè chừng thực thi.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, Mỹ và châu Âu đã có những nỗ lực gây sức ép lên Moscow bằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một khía cạnh mà Mỹ và các đồng minh không thể đạt đồng thuận là trục xuất Nga khỏi hệ thống liên ngân hàng toàn cầu SWIFT.

Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) được thành lập năm 1973, nhằm thay thế điện tín và hiện được hơn 11.000 tổ chức tài chính sử dụng để gửi tin nhắn và lệnh thanh toán bảo mật. Không có giải pháp thanh toán nào khác được chấp nhận trên toàn cầu, nên SWIFT được coi là hệ thống trọng yếu của nền tài chính thế giới.

Hệ thống SWIFT từng được đánh giá là một biện pháp trừng phạt có thể mang đến hậu quả như "bom nguyên tử" đối với hệ thống tài chính của Nga. Tuy nhiên, nếu Nga phải "chịu trận" thì các ngân hàng trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu cũng đứng trước nguy cơ phá sản vì mua nợ của nước này.

Maria Shagina, thành viên Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, đánh giá: "Vũ khí này nếu được sử dụng sẽ chấm dứt toàn bộ giao dịch quốc tế của một nước, gây ra biến động tiền tệ và kích hoạt dòng vốn ra khổng lồ".

Nhưng rõ ràng, đây không phải phương án khả thi mà có thể đi kèm những hệ quả tốn kém cho các quốc gia khác, nhất là những nước chịu phụ thuộc vào Nga về năng lượng hay lương thực. Thực tế trên khiến một số quốc gia không muốn "bóp cò" loại Nga khỏi SWIFT.

Bởi lẽ, châu Âu đang phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu năng lượng của Nga nên một số lãnh đạo khu vực đồng euro (eurozone) còn ngần ngại thực hiện bước đi đó. Ngoài ra, việc trục xuất Nga khỏi SWIFT sẽ hạn chế khả năng thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế của nước này, buộc các nhà nhập khẩu, xuất khẩu và ngân hàng phải tìm cách khác để thanh toán.

Emily Kilcrease, thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ, cũng cho rằng nếu bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể đẩy mạnh phát triển một dịch vụ tin nhắn tài chính của riêng mình và xích lại gần hơn với Trung Quốc.

"Liệu loại Nga khỏi SWIFT có tạo cho họ nhiều động lực hơn không? Đây là câu hỏi trong dài hạn", Emily Kilcrease cho hay.

Xoay quanh tranh luận về việc trục xuất Nga ra khỏi SWIFT,

Tờ Financial Times hôm qua đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson đang thúc đẩy phương án loại Nga khỏi SWIFT, song Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng biện pháp này không nên nằm trong gói trừng phạt của EU.

Tổng thống Biden tuyên bố những lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên các tổ chức tài chính Nga sẽ có tác động tương đương việc loại Nga khỏi SWIFT. Ông lưu ý đây "vẫn là một lựa chọn" nhưng hầu hết các nước châu Âu hiện tại đều phản đối.

Các quốc gia thành viên EU khác hầu hết đều không muốn thực hiện động thái loại bỏ Nga khỏi Swift do lo ngại sẽ khiến các chủ nợ châu Âu khó lấy lại tiền của mình, bất chấp việc biện pháp trừng phạt này có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến các ngân hàng Nga.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.