Thị trường chứng khoán phái sinh 'đã xuất hiện thao túng giá'

QUỐC HỘI CHỨNG KHOÁN
12:46 - 11/05/2022
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Thời gian qua, khi chứng khoán cơ bản giảm sâu thì dòng tiền trên thị trường phái sinh lại vô cùng nhộn nhịp bởi nhà đầu tư mang tâm lý "gỡ gạc". Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện đã có hiện tượng thao túng giá trên thị trường này.

Tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/5, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã nêu ý kiến về việc đánh giá kỹ hơn 16 vấn đề, trong đó có thị trường vốn; sau khi cơ quan này thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội những tháng đầu năm nay.

Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, thời gian qua, kênh huy động vốn này tăng trưởng nhanh nhưng nhiều rủi ro, do nhà đầu tư cá nhân khi chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư. Một số trường hợp có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đúng với thông tin công bố.

Ngoài ra, cơ cấu thị trường trái phiếu và trái phiếu doanh nghiệp còn tồn tại sự mất cân đối. Phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chiếm xấp xỉ 95% tổng giá trị trái phiếu phát hành, trong khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng chỉ chiếm 5% tổng giá trị phát hành và trái phiếu doanh nghiệp niêm yết và giao dịch tập trung chỉ chiếm 2% tổng dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khoảng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thuộc về các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản và các công ty chứng khoán.

Theo Ủy ban thẩm tra, việc phát hành của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế; hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu trong khi nhiều trái phiếu không có tài sản bảo đảm. Việc thiếu các thông tin về xếp hạng tín nhiệm trên thị trường phát hành nợ, minh bạch thông tin doanh nghiệp và thị trường còn hạn chế cũng dẫn đến rủi ro lớn trên thị trường vốn hiện nay.

Cơ quan thẩm tra đề nghị đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết.

Về thị trường cổ phiếu, Ủy ban Kinh tế cho biết thị trường chứng khoán phái sinh đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Số lượng lớn các nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định.

Thực tế từ 22/4 đến nay, thị trường phái sinh giao dịch sôi động, khối lượng hợp đồng tăng mạnh đạt trên 200.000 hợp đồng mỗi phiên. Cá biệt phiên 26/4 số lượng hợp đồng tăng lên 384.319 hợp đồng, ngày 27/4 đạt 306.534 hợp đồng. Khối lượng hợp đồng phái sinh từng phiên cuối tháng 4 tăng gấp đôi so với giai đoạn tháng 3 cho thấy sức hút của thị trường phái sinh giai đoạn này.

Dòng tiền sôi nổi tìm đến thị trường phái sinh do chứng khoán cơ sở giảm điểm mạnh, không ổn định khiến nhà đầu tư tìm sang kênh giao dịch ngắn hạn để "gỡ gạc", chờ đợi cơ hội. Tuy nhiên xét về rủi ro, chứng khoán phái sinh còn rủi ro hơn nhiều thị trường cơ sở, trong đó có hiện tượng thao túng như Ủy ban Kinh tế Quốc hội cảnh báo.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng phản ánh các ý kiến lo ngại việc xử lý các doanh nghiệp lớn vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đặc biệt là tâm lý e ngại đầu tư trên thị trường vốn.

Từ đó dẫn đến hạn chế huy động vốn cho nền kinh tế, trong khi đây là một thị trường quan trọng và cần khơi thông phát triển. Bởi vậy, Uỷ ban Kinh tế đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.