Quỹ bình ổn xăng dầu như 'hồ điều hoà', phần tiết kiệm lúc cần thì bỏ ra

Xăng Dầu BỘ CÔNG THƯƠNG
21:29 - 16/06/2022
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã nhận định như vậy trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (16/6), khi được hỏi về khả năng bỏ quỹ bình ổn xăng dầu nhằm giúp kiềm chế đà tăng nóng của giá xăng dầu.

Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (13/6), giá xăng dầu lại lập đỉnh lịch sử mới với giá xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng/lít; RON 95 là 32.370 đồng/lít; dầu diesel 29.020 đồng/lít, dầu hỏa 27.830 đồng/lít. Một số doanh nghiệp đưa ra dự báo, kỳ điều chỉnh sắp tới (21/6), giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, giá xăng dầu Việt Nam tại thời điểm ngày 13/6 đứng thứ 85 trên bảng xếp hạng giá 170 nước. Thứ trưởng Hải cho rằng: đây là mức trung bình. Nếu nói giá cao hay thấp, phải đánh giá toàn diện, rất kỹ, như phân tích từ nhu cầu, thu nhập người dân, đối tượng nào... Một yếu tố nữa cần lưu ý là so sánh với các nước xung quanh, như Lào, giá xăng cao hơn Việt Nam, thậm chí không có bán.

Thực tế, giá bình quân mặt hàng xăng dầu thế giới để tính giá cơ sở điều hành từ đầu năm tăng cao nhất lên tới trên 84%, nhưng giá trong nước chỉ tăng ở mức cao nhất là trên 62%, tức là đã sử dụng các biện pháp để "giảm sốc" giá xăng dầu tại thị trường trong nước.

Ông Hải cho rằng, vấn đề xăng dầu hiện nay quan trọng nhất là nguồn cung. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đảm bảo đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân, mặc dù tình hình trong nước gặp khó khăn khi Nghi Sơn có sự cố, việc nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài cũng không dễ. Bộ Công Thương khẳng định thời gian tới luôn ưu tiên nguồn xăng dầu trong nước nhưng doanh nghiệp phải có cam kết rõ ràng và phải công bố. Phần còn lại sẽ bổ sung từ nguồn nhập khẩu.

Còn về việc bình ổn giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết có 3 giải pháp. Một là giảm thuế. Ngay từ khi giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương đã có đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường và đầu tháng 4, sắc thuế này đã giảm 50%. Thời gian tới chắc chắn sẽ giảm thêm thuế, Bộ đã họp bàn và đề xuất, không chỉ thuế bảo vệ môi trường mà còn các loại thuế phí khác như thuế nhập khẩu. Tuy nhiên theo ông Hải, việc giảm ở mức nào phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Trả lời về khả năng nhập khẩu xăng dầu giá rẻ hơn từ Malaysia, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay tất cả các quốc gia đều tiếp cận giá xăng dầu như nhau trên thị trường thế giới. Việt Nam hiện nay đang chọn Singapore Plug – cơ quan thông tin đưa ra thông tin chính thống về giá cả xăng dầu hằng ngày. Đây cũng là cơ sở để tính giá xăng dầu trong nước. Đối với thị trường Malaysia cũng không có gì khác biệt. Các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường châu Á khác.

Giải pháp thứ hai chính là bỏ quỹ bình ổn xăng dầu (BOG). Người phát ngôn Bộ Công Thương cho rằng cần phải tính toán nếu bỏ quỹ này thì phải có biện pháp khác thay thế. Thời gian qua, quỹ này đã đóng góp rất lớn cho việc ổn định giá xăng dầu trong nước và tránh ảnh hưởng quá lớn đến việc tăng giá các loại hàng hoá khác, trong bối cảnh xăng dầu là đầu vào cho rất nhiều mặt hàng.

Ví quỹ bình ổn giá xăng dầu như "hồ điều hòa", phần "tiết kiệm" để lúc cần thì bỏ ra, ông Hải đặt vấn đề nếu bỏ quỹ này thì khi giá xăng sốc, giật cục khoảng 4.000 đồng – 5.000 đồng thì sẽ xử lý thế nào?

Giải pháp thứ ba chính là an sinh, giải pháp này tuy không làm trực tiếp làm giảm giá xăng dầu nhưng giảm tác động của việc tăng giá. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng các giải pháp hỗ trợ người yếu thế, doanh nghiệp chịu tác động có ý nghĩa lớn. Bởi tuỳ đối tượng mà tác động của việc giá xăng dầu tăng sẽ khác nhau. Như các doanh nghiệp vận tải, xe ôm, tài xế công nghệ…là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất.

Chưa phải dùng đến nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia

Về vấn đề dự trữ xăng dầu, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết hiện nay dự trữ xăng dầu của Việt Nam có 3 nguồn: Dự trữ thương mại tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối (20 ngày) và thương nhân phân phối 5 ngày; dự trữ sản xuất tại hai nhà máy lọc dầu và dự trữ quốc gia. Hiện nguồn dự trữ quốc gia Việt Nam tương đối mỏng, khoảng 5-7 ngày sử dụng.

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương đã xây dựng đề án để nâng mức dự trữ quốc gia xăng dầu lên 30 ngày, tức gấp khoảng 4 lần hiện nay. Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư về đề án này.

Bộ Công Thương cho biết, nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia đang được Nhà nước ký hợp đồng thuê kho bảo quản tại doanh nghiệp và họ phải cam kết đảm bảo hàng bất kể khi nào cần xuất cấp. Tuy nhiên, từ khi có quy định dự trữ quốc gia xăng dầu vẫn chưa phải dùng tới nguồn này.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, cách đây 3 tuần, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng cơ sở dữ liệu về điều hành xăng dầu bằng công nghệ số. Việc áp dụng công nghệ số được thực hiện nhằm nắm bắt nguồn cung cũng như phân phối loại hàng hoá đặc biệt này tại thị trường trong nước để đảm bảo luôn luôn cân đối được cung - cầu cũng như an ninh năng lượng.

Tin liên quan

Đọc tiếp