Ra mắt Sách Trắng EuroCham 2021

Hợp Tác Eurocham
17:37 - 25/11/2021
Lễ ky kết biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và EuroCham sáng 25/11
Lễ ky kết biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và EuroCham sáng 25/11
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 25/11, tại Hà Nội, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Ngoại giao tổ chức diễn đàn “Gặp gỡ châu Âu 2021: Đối tác Việt Nam - EU sau đại dịch và ra mắt Sách Trắng 2021”.

Diễn đàn được tổ chức nhằm làm rõ thách thức, cơ hội kinh doanh sau đại dịch và tìm ra cách tốt nhất để tận dụng EVFTA, khai thác đầy đủ tiềm năng thương mại của cả hai phía.

Phát biểu khai mạc, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết, chúng ta đang bước vào giai đoạn “bình thường mới”, cần tập trung vào các triển vọng thương mại đầu tư giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu.

"Các hoạt động sản xuất ở Việt Nam đang dần được phục hồi trở lại, Việt Nam và EU cần tận dụng tốt hơn nữa các cơ hội từ AVFTA . Trong thập kỷ tới, chúng ta sẽ chứng kiến việc mở cửa thị trường, giảm thuế quan, điều này sẽ mở ra làn sóng thương mại mới cho cộng đồng doanh nghiệp".

Đánh giá về hiệu quả EVFTA, ông Alain Cany phân tích, "xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 11% trong 12 tháng đầu tiên thực thi hiệp định trong khi con số này của EU là 12%. Đây là một khởi đầu vô cùng đáng khích lệ tuy nhiên đó chưa phải là tất cả."

Ông Alain Cany cho rằng, cần tăng cường hợp tác và chia sẻ, cùng giải quyết nhiều vấn đề và đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch. Đây là lý do vì sao EuroCham xuất bản Sách Trắng 2021, là tập hợp những hiểu biết sâu sắc của 1200 doanh nghiệp thành viên thông qua 18 tiểu ban ngành nghề của EuroCham.

"Trong ấn phẩm lần thứ 13 này, các thành viên của chúng tôi đưa ra các khuyến nghị thực tiễn nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nếu được thực hiện, các đề xuất từ ​​18 Tiểu ban Ngành nghề của chúng tôi sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng, góp phần thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nhiều hơn từ châu Âu”, ông Alain Cany nhận định.

“Các khuyến nghị, kinh nghiệm từ phía các doanh nghiệp thành viên sẽ giúp cải thiện những khó khăn trong đại dịch như vốn, thúc đẩy thương mại, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững và giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên cạnh tranh và hấp dẫn hơn”, ông Alain Cany nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều tiềm ẩn rủi ro, đây là dịp để chúng ta thể hiện bản lĩnh, sự sáng tạo và năng lực thích ứng cùng hợp tác, phát triển.

Bên cạnh việc thể hiện sự biết ơn đến các nước thành viên EU và EuroCham đã hỗ trợ Việt Nam 15 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng bày tỏ sự vui mừng về chặng đường 30 năm hợp tác của Việt Nam – EU có những bước tiến sâu rộng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, EU là một trong những đối tác hàng đầu về hợp tác phát triển, là đối tác thương mại lớn thứ 5, nhà đầu tư lớn thứ 6 của Việt Nam và dấu mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế giữa hai bên chính là Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên. Bất chấp những khó khăn bởi đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng năm 2020 đạt hơn 56 tỷ USD.

“Hiệp định EVFTA chính là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp hai bên. Qua hơn một năm triển khai EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và EU đã tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020”, bà Hồng nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

"Chúng tôi tin tưởng rằng Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu khi được thông qua sẽ làm sâu sắc hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai bên. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện để EuroCham và các thành viên đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên và có nhiều ưu đãi như công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, công nghệ thông tin, công nghệ phụ trợ, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo…"

Theo ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, hơn 60% doanh nghiệp cho rằng EVFTA đã mang lại lợi ích rất lớn về ưu đãi thuế quan và kỳ vọng lớn vào lộ trình đưa thuế quan về 0% trong tương lai.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng đánh giá cao những cải cách để thực hiện EVFTA của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt là các vấn đề liên quan truy xuất xuất xứ, chỉ dẫn địa lý…

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

"Để thu hút hơn nữa nguồn FDI vào Việt Nam, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến những tiêu chuẩn quốc tế, không có sự phân biệt doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Khai thác hết tiềm năng khung pháp lý. Do đó, Việt Nam và EU cần kết hợp với nhau, triển khai những cải cách mới về pháp lý để hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu".

Đánh giá cao tính tiên phong của Eurocham về phát hành Sách Trắng từ năm 2008 đến nay, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, nhờ có một môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới giai đoạn 2016 – 2020.

“Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 22 thế giới về quy mô xuất khẩu và đứng thứ 26 thế giới về quy mô thương mại quốc tế và dự trữ ngoại hối với gần 100 tỷ USD theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)”, ông Công chia sẻ thông tin.

Theo Chủ tịch VCCI, từ tháng 10/2021, Việt Nam chuyển chiến lược từ zero COVID-19 sang chung sống lâu dài với đại dịch, Chính phủ các cơ quan chức năng đang xúc tiến các chương trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.

"Việt Nam coi EU là đối tác chất lượng và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hậu đại dịch đang chờ đón các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam".

Tại hội nghị, lễ ra mắt Sách Trắng - ấn phẩm thường niên về các vấn đề thương mại đầu tư, khuyến nghị của EuroCham cùng biên bản ghi nhớ giữa hai bên đã được ký kết.

Ra mắt Sách Trắng 2021 của EuroCham

Ra mắt Sách Trắng 2021 của EuroCham

Trong phiên bản Sách Trắng năm nay, 18 Tiểu ban Ngành nghề của Eurocham tổng hợp những kinh nghiệm hoạt động và chuyên môn quốc tế của họ nhằm đưa ra các khuyến nghị thiết thực đối với môi trường thương mại và đầu tư tại Việt Nam. Eurocham cho rằng, nếu được thực hiện, những khuyến nghị này có thể giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng sau đại dịch và sẽ giúp Việt Nam trở thành một thị trường rộng mở, cạnh tranh và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Các vấn đề này đã được thảo luận thông qua các phiên đối thoại chuyên đề: Chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Các kiến nghị về thương mại và dịch vụ; và phiên đối thoại về Phát triển bền vững & phục hồi kinh tế. Mỗi phiên họp đều bao gồm ý kiến của đại diện của các doanh nghiệp lớn của châu Âu cùng với phản hồi của các Bộ, Ban ngành về những khuyến nghị đã được nêu ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp