Xuất khẩu sang EU có thể tăng 36% nếu...không có Covid

Thương Mại Việt nAM
18:25 - 03/11/2021
Xuất khẩu sang EU có thể tăng 36% nếu...không có Covid
0:00 / 0:00
0:00
Hơn một năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đã có những chuyển biến tích cực bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhưng kết quả lẽ ra đã tích cực hơn nhiều...

10 năm đàm phán, 1 năm thực thi, xuất khẩu sang EU đạt 39,8 tỷ USD

Sau gần 10 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết vào tháng 06/2019 và chính thức có hiệu lực từ 01/08/2020. Việc tham gia EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích trực tiếp và gián tiếp đối với nền kinh tế Việt Nam như đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP và tỷ trọng thương mại, kích thích sức phát triển và năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy nỗ lực giảm nghèo, tác động thay đổi thể chế kinh tế...

Sau hơn một năm kể từ khi thực thi EVFTA, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU đã có những chuyển biến tích cực bất chấp những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Theo báo cáo do Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad - Adenauer - Stiftung (KAS) tại Việt Nam, nhìn lại một năm, EVFTA đã tác động đáng kể đến kim ngạch thương mại song phương cũng như chính sách, thể chế và toàn nền kinh tế Việt Nam.

Về kim ngạch nhập khẩu, tính tròn một năm EVFTA có hiệu lực, từ 01/08/2020 đến 31/07/2021, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 39,8 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng 6,2% trong 1 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực

Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU tăng 6,2% trong 1 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực

Đáng nói là trong khi hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU giảm so với cùng kỳ năm trước (điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,9%, hàng dệt may giảm 15,2% và giày dép các loại giảm 11,3%) thì mặt hàng sắt thép và một số vật liệu liên quan đến cao su đã chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sắt thép tăng gấp 5,6 lần cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá sắt thép toàn cầu tăng mạnh trong cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang EU tăng vọt hơn 6 lần, bù đắp phần nào mức giảm trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực

Kim ngạch xuất khẩu sắt thép sang EU tăng vọt hơn 6 lần, bù đắp phần nào mức giảm trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực

Về kim ngạch nhập khẩu, hàng hóa của Việt Nam nhập từ EU tính trong một năm kể từ khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu hàng hóa tính từ ngày 01/08/2020 đến 31/07/2021 đạt 16,51 tỷ USD
Nhập khẩu hàng hóa tính từ ngày 01/08/2020 đến 31/07/2021 đạt 16,51 tỷ USD

Các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam nhập khẩu từ EU bao gồm dược phẩm, máy móc, thiết bị và dụng cụ khác, sản phẩm hóa chất. Không phải các cường quốc công nghiệp như Đức, mà Ireland mới là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện.

Các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam nhập khẩu từ EU bao gồm dược phẩm, máy móc, thiết bị...

Các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam nhập khẩu từ EU bao gồm dược phẩm, máy móc, thiết bị...

Ảnh tác giả

“EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết sâu rộng, toàn diện cả về thương mại hàng hóa và dịch vụ. Điều thuận lợi lớn nhất là thị trường EU và Việt Nam mang tính chất bổ sung cho nhau rất chặt chẽ: EU có nhu cầu về sản phẩm giày dép, may mặc, thủy sản Việt Nam trong khi Việt Nam cần công nghệ cao từ EU. Thực tế số liệu thống kê đã cho thấy bất chấp sự bùng phát đại dịch, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm qua đã tăng đáng kể so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Đó là một tín hiệu đáng khích lệ”

Bà Phạm Thị Tố Hằng, Đại diện Viện KAS tại Việt Nam

Trong giả định quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU không chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cầu hàng hóa từ phía EU không đổi, trị giá xuất khẩu từ Việt Nam sang EU trong một năm sau khi EVFTA có hiệu lực (nếu chưa áp dụng các chính sách miễn giảm thuế quan) có thể đạt 45,46 tỷ USD, theo ước tính của VEPR.

Khi áp dụng các chính sách miễn giảm thuế quan theo EVFTA, trị giá xuất khẩu hàng hóa có thể lên tới 51,04 tỷ USD, tăng 12,27% so với trường hợp không có dịch Covid-19 và chưa áp dụng việc giảm thuế và tăng tới 36,28% so với cùng kỳ năm trước (01/8/2019 đến 01/8/2020).

Kết quả dự báo của bản nghiên cứu trên cho thấy giá trị tiềm năng của các chính sách miễn giảm thuế quan từ EU với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam trong năm 2021 trong điều kiện giả định không chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố bất khả kháng như dịch bệnh

Cơ hội của "người đi trước" và sự xuất hiện của những tay chơi mới

Kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi VEPR chỉ ra rằng bên cạnh những kết quả đạt được sau một năm EVFTA có hiệu lực, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả trong nội tại nền kinh tế cũng như những thách thức từ bên ngoài.

Thách thức đầu tiên, mặc dù Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong thương mại hai chiều với EU, có thể coi như một cửa ngõ của EU vào Đông Nam Á nhưng trong bối cảnh EU đang đàm phán FTA với 4 quốc gia khác trong khu vực là Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia, trong dài hạn, sức cạnh tranh và hấp dẫn của thị trường Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Vấn đề này từng được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU 2021 do Bộ Công Thương tổ chức hồi cuối tháng 10/2021. Giải pháp khắc phục là Việt Nam phải tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của người đi trước để có thể duy trì và phát huy được lợi thế như một “cửa ngõ” trong quan hệ thương mại với EU.

Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong khu vực về kim ngạch thương mại hai chiều với EU

Việt Nam đang là nước dẫn đầu trong khu vực về kim ngạch thương mại hai chiều với EU

Thách thức thứ hai, các biện pháp phi thuế quan và thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp và gây cản trở cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, từ đó làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong cùng khu vực.

Thách thức thứ ba, theo khảo sát của VEPR, chỉ có số ít doanh nghiệp ghi nhận trị giá xuất khẩu sang thị trường EU tăng trong năm vừa qua nhờ vào việc đơn hàng tăng.

Số còn lại đều ghi nhận mức giảm giá trị xuất khẩu EU do lượng đơn hàng giảm, chi phí sản xuất gia tăng, các điều kiện xuất khẩu thắt chặt hơn và chi phí logistics tăng cao do khan hiếm container và tắc nghẽn cảng biển kéo dài.

Ngoài ra, vấn đề liên quan đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trái cây, rau củ chính là một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường EU.

Nhìn chung, EVFTA được đánh giá là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại-đầu tư đầy tiềm năng với EU, một trong những đối tác lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dịch chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, tác động tích cực của một năm EVFTA có hiệu lực đã bị ảnh hưởng đáng kể. Một con số đáng lưu ý: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,75 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước EU đạt 16,51 tỷ USD, tăng hơn 24%.

VEPR khuyến nghị cần theo dõi chặt chẽ hiện tượng kim ngạch nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu sau khi EVFTA có hiệu lực, và cần có đánh giá đầy đủ nếu đó có phải xu hướng thay đổi phổ biến về mô thức thương mại giữa Việt Nam và EU trong dài hạn hay không.

Tin liên quan

Đọc tiếp