Rộn ràng mục tiêu lợi nhuận ngân hàng mùa đại hội cổ đông

Lợi nhuận NGÂN HÀNG
15:12 - 01/04/2024
Rộn ràng mục tiêu lợi nhuận ngân hàng mùa đại hội cổ đông
0:00 / 0:00
0:00
Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra, một số ngân hàng đã có những hé lộ về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024. Theo thông tin từ những ngân hàng đã công bố, đa số các nhà băng lớn đều đặt kế hoạch có phần thận trọng hơn so với năm trước.

Là ngân hàng "mở hàng" mùa Đại hội đồng cổ đông năm nay, ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và thông qua các tờ trình quan trọng về kế hoạch kinh doanh năm 2024, chia cổ tức.

Cụ thể, cổ đông Ngân hàng Nam Á đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2023.

Quy mô tài sản của Nam A Bank dự kiến đạt 232.000 tỷ đồng trong năm nay và 260.000 tỷ đồng trong năm 2025. Huy động vốn và dư nợ lần lượt đạt 178.000 tỷ đồng và 160.000 tỷ đồng, tăng 9% và 13%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát không quá 3%.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã công bố tài liệu đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 4/4 tới, với kế hoạch lợi nhuận đạt 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Năm 2024, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng. Tăng trưởng cho vay khách hàng là 14% đạt 555.866 tỷ đồng. ACB cho biết, đây là mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thị trường, đồng thời tuân thủ theo mức NHNN giao. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%.

Về kết quả kinh doanh năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm 2023 đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2022. Qua đó, hoàn thành 100% mục tiêu lợi nhuận được giao tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Đồng thời, tỷ lệ ROE đạt mức gần 25%, lọt nhóm những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất hiện nay.

Đà tăng trưởng lợi nhuận trên chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với năm 2022. Ngoài ra, mảng dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực.

Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiết lộ, ngân hàng đặt mục tiêu lãi năm nay gần 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023, lên hơn 44.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12%, trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Từ đầu năm, ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).

Về kết quả kinh doanh năm 2023, tổng thu nhập hoạt động năm 2023 không biến động nhiều so với năm trước, ghi nhận 67.724 tỷ đồng. Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 10% so với năm trước, đạt 41.243 tỷ đồng, vẫn vững vàng ngôi vương lợi nhuận ngành. So với mục tiêu lợi nhuận 43.000 tỷ đồng Vietcombank đề ra, ngân hàng này chỉ thực hiện được 96% kế hoạch đã đề ra cho cả năm 2023.

Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản ngân hàng chỉ nhích nhẹ 1% so với đầu năm ở mức gần 1,84 triệu tỷ đồng. Nợ xấu của nhà băng này tăng đến 59% so với đầu năm, lên 12.454 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,68% đầu năm lên 0,98%.

Tại Hội nghị Nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh và động lực tăng trưởng trong năm 2024 vừa tổ chức hôm 6/3, ông Lưu Hoài Sơn, Giám đốc Ban Kế hoạch & Marketing Ngân hàng Quân đội (MB), cho biết trong năm 2024, ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn mức 16% được NHNN giao.

Trên cơ sở này, lợi nhuận trước thuế ước đạt 28.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước và tương ứng với số lượng khách hàng là 30 triệu.

Chia sẻ về kế hoạch lợi nhuận có phần khiêm tốn này, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết những mục tiêu mà ngân hàng đề ra là phù hợp với tình hình kinh tế năm 2024 khi khó khăn vẫn còn hiện hữu, phản ánh những lo ngại về nợ xấu ngân hàng, khả năng tăng trưởng tín dụng,...

"Biên lợi nhuận của ngành trong năm 2023 đang suy giảm. Chúng tôi dự báo nếu giữ được phương án đi ngang trong năm nay là tốt rồi. Chúng tôi dự định phương án kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% và nếu điều kiện kinh tế tốt hơn vào giữa năm và cuối năm thì mục tiêu này có thể mở rộng thêm," Chủ tịch MB chia sẻ.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) ngày 28/3 vừa qua cũng đã công bố tài liệu để tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 17/04 tới.

Trong đó, LPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện năm 2023. Tổng tài sản dự kiến tăng 12% lên mức 427.260 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng thị trường 1 và huy động vốn thị trường 1 dự kiến tăng lần lượt 16% và 11%, lên mức 319.140 tỷ đồng và 317,380 tỷ đồng.

Ngân hàng cũng lưu ý kế hoạch tăng trưởng tín dụng thực tế có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Trong Hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023 đầu tháng 2/2024, Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank) đã công bố mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó lợi nhuận năm 2025 dự kiến sẽ đạt trên 20.000 tỷ đồng. Riêng với năm 2024, ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trên 20%.

Tín dụng năm nay được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 20%, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do NHNN. NIM được dự báo sẽ ổn định trong khoảng từ 5 đến 5,2% nhờ lãi suất cho vay giảm mạnh trong khi tăng trưởng tín dụng được duy trì tốt.

Mục tiêu kinh doanh có phần tham vọng hơn các ngân hàng khác, Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 5.180 tỷ đồng, tăng 90,5% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Tổng tài sản được kỳ vọng tăng thêm 11%, lên mức 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tiến thêm 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Eximbank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu được giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.