SHB muốn tăng 35% vốn điều lệ lên hơn 36.000 tỷ đồng

TÀI CHÍNH Việt nAM
11:33 - 17/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng SHB dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% và chào bán hơn 533,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.500 đồng/cp, qua đó tăng vốn điều lệ lên hơn 36.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 sắp tới, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm nay. Theo đó, nhà băng này dự kiến tăng vốn điều lệ từ 26.673 tỷ đồng lên hơn 36.007 tỷ đồng, tương đương tăng 35%.

Ngân hàng đưa ra hai phương án tăng vốn gồm: chia cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 15%); chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ tăng vốn thêm 20%. Trước đó, trong năm 2021, vốn điều lệ của SHB cũng đã tăng mạnh hơn 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, SHB sẽ phát hành thêm hơn 400 triệu cổ phiếu để chia cổ tức. Cùng với đó, hơn 533 triệu cổ phiếu sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 100:20 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua thêm 20 cổ phiếu mới). Mức giá chào bán được Hội đồng quản trị ngân hàng đề xuất ở mức ưu đãi là 12.500 đồng/cp.

Các phương án phát hành trên dự kiến sẽ được thực hiện trong quý III/2022 sau khi được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Với số vốn điều lệ tăng thêm 9.334 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần dự kiến tăng thêm 1.333 tỷ đồng từ đợt tăng vốn điều lệ lần này là 10.667 tỷ đồng, ngân hàng sẽ dùng để đầu tư nâng cao năng lực và bổ sung vốn kinh doanh cho SHB trên nguyên tắc an toàn hiệu quả.

Trong đó, ngân hàng sẽ dùng khoảng 500 tỷ để đầu tư hiện đại hóa công nghệ thông tin, phát triển ngân hàng số, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ mở rộng mạng lưới trong năm 2002, nâng cấp sửa chữa các chi nhánh/phòng giao dịch… Phần lớn số vốn còn lại sẽ được dùng bổ sung cho các hoạt động kinh doanh của SHB bao gồm các hoạt động cho vay, đầu tư, cấp tín dụng.

Trong đó dự kiến dùng hơn 9.257 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp, gồm cho vay bổ sung vốn lưu động (4.000 tỷ), cho vay tài trợ tài sản cố định (200 tỷ), cho vay sản xuất kinh doanh, thực hiện dự án kinh doanh (5.057 tỷ đồng). Số vốn 1.060 tỷ sẽ được dùng để cho vay cá nhân như cho vay mua ô tô, cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà, cho vay sản xuất kinh doanh.

Năm 2022, SHB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến tối thiểu 11.686 tỷ đồng, tăng gần 87% so với năm 2021 và dự kiến chia cổ tức năm 2022 từ 18%. Tổng tài sản ngân hàng dự kiến tăng 12,4% lên 567.610 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng tăng 14,4% đạt 421,715 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,3%.

Trước đó, trong năm 2021, SHB là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất, với lợi nhuận tăng tới 91% so với năm 2020, đạt mức 6.260 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.