Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

NĂNG LƯỢNG Việt nAM
18:28 - 14/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng nói chung cần thiết phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Ngày 14/7, tại Đà Nẵng, Bộ Công Thương tổ chức "Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022", nhằm định hướng và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (VNEEP3) và rà soát sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội.

Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: EVN.

Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: EVN.

Cũng theo ông Phương Hoàng Kim, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam về lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Tuy nhiên, theo kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020 - 2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025 không xét năng lượng tái tạo, chỉ khoảng 18%.

Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Như vậy trong giai đoạn 2023-2025, miền Bắc hầu như không có công suất dự phòng và phải nhận hỗ trợ từ miền Trung trong cao điểm mùa khô hoặc trường hợp sửa chữa bảo dưỡng các nhà máy điện. Đáng chú ý, theo báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt có thể lên tới 27,7 tỷ kWh vào năm 2025.

Chính vì vậy, để đối phó với thách thức về an ninh cung cấp điện và an ninh năng lượng nói chung, việc xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, chế tài đủ mạnh và khả thi để khuyến khích đầu tư và sử dụng các công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng là rất cấp thiết.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan, cũng như phát động triển khai những hoạt động cụ thể để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn xã hội. Trong đó, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Chương trình VNEEP3) đặt mục tiêu tiết kiệm từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 - 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE).

Để triển khai Chương trình VNEEP3 hiệu quả, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, 63 tỉnh thành trong cả nước đã và đang xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, trong đó nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trên địa bàn.

Tại hội nghị, Bộ Công Thương đã trình bày kế hoạch triển khai các hoạt động thuộc Chương trình VNEEP3 cũng như công tác rà soát sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Nguồn: EVN.

Đại biểu tham quan các gian hàng giới thiệu các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Nguồn: EVN.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một số sở, ban ngành địa phương và các doanh nghiệp cùng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến công tác triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, triển khai Chương trình VNEEP tại địa phương, thúc đẩy mạng lưới hoạt động tiết kiệm năng lượng, công tác phát triển nguồn nhân lực.

Tin liên quan

Đọc tiếp