Tăng trưởng tín dụng vùng Đông Nam Bộ ảnh hưởng do bất động sản gặp khó

TÍN DỤNG Đông Nam Bộ
17:23 - 11/05/2023
Hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ" do Ngân hàng Nhà nước và UBND TP HCM tổ chức.
Hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ" do Ngân hàng Nhà nước và UBND TP HCM tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, ngành bất động sản rơi vào khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng khu vực Đông Nam Bộ thấp hơn cả nước.

Huy động vốn khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc

Phát biểu tại "Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ" ngày 11/5, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 27/4/2023, trên toàn quốc huy động vốn của các tổ chức tín dụng khá tốt, đạt 12,4 triệu tỷ đồng, bằng 101% tín dụng.

Thanh khoản hệ thống dồi dào và chưa bị giới hạn chạm trần tăng trưởng tín dụng. Các tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với khu vực Đông Nam Bộ, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhận định, đây là vùng kinh tế đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách và giải quyết việc làm của cả nước. Năm 2022, tổng GRDP của khu vực chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ trong những năm qua tăng nhanh. Đây là khu vực mà kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, chiếm 41,2%.

Một số kết quả nổi bật trong 4 tháng đầu năm 2023 tại vùng Đông Nam Bộ như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng một số tỉnh tăng (TP HCM 4 tháng tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022, Bình Dương tăng 13,2%...).

Thu hút vốn FDI tăng (TP HCM tăng 22,4% so cùng kỳ), chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 giảm sau 3 tháng tăng liên tục (TP HCM giảm 0,11% so với tháng trước, Bình Phước giảm 0,03%, Bình Dương giảm 0,2%, Đồng Nai giảm 0,4%), chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng (TP HCM tháng 4 tăng 3% so với tháng trước, Bình Dương tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,19%...)

Tuy nhiên, đến hết quý 1/2023, huy động vốn khu vực Đông Nam Bộ đạt trên 4,1 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 1/3 huy động toàn quốc, giảm 0,75% so với cuối năm 2022 và thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1/2023 là 1,24%. Tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1/2023 là 2,61%).

Về cơ cấu tín dụng theo ngành kinh tế, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản khu vực Đông Nam Bộ đạt trên 135.000 tỷ đồng, chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng, ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 26% và ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ đồng, chiếm 70,8%. Cơ cấu tín dụng ngành công nghiệp và xây dựng, dịch vụ của vùng khá tương đồng với cơ cấu tín dụng của toàn quốc.

Tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng đạt khoảng 633.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% dư nợ khu vực và doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1,04 triệu tỷ đồng, chiếm 25% dư nợ khu vực.

Ảnh hưởng từ thị trường bất động sản

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, thách thức mà vùng Đông Nam Bộ phải đối mặt liên quan đến tăng trưởng kinh tế khu vực đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước.

Một số tỉnh, thành phố có mức tăng GRDP quý 1/2023 ở mức thấp (như TP HCM tăng 0,7%%, Bình Dương tăng 1,15%, Tây Ninh tăng 2,2%, Đồng Nai tăng 3,3%), hoặc tăng trưởng âm (như Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 4,75%).

Sản xuất, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhiều doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao (xuất khẩu TP HCM tháng 4/2023 giảm 19,8% so với cùng kỳ, Bình Dương giảm 1,4%, Bình Phước giảm 5,66%, Đồng Nai giảm 8,44%)...

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng của khu vực Đông Nam Bộ những tháng đầu năm thấp do ngành bất động sản rơi vào khó khăn khi cung, cầu, giá đều giảm. Số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.

Mọi năm, tín dụng bất động sản thường tăng cao, kéo theo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn (chủ yếu liên quan đến vấn đề pháp lý dự án).

Tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp vừa qua ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư, người mua nhà, khiến tín dụng bất động sản tăng chậm, ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng chung.

Thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao, tình hình tài chính kém lành mạnh, dẫn tới việc các tổ chức tín dụng phải cân nhắc trong quá trình thẩm định, xem xét quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp này.

Kinh doanh bất động sản là ngành trọng yếu của khu vực, đặc biệt là tại TP HCM, tuy nhiên những khó khăn của thị trường, nhất là vấn đề về pháp lý dẫn tới các dự án mới chậm được triển khai… ảnh hưởng lan tỏa tới các ngành có liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng, sắt thép.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Vì vậy Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành chính sách, hướng tới tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế cả nước trong 2023 và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ, có vai trò quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đang tập trung đông đảo doanh nghiệp hoạt động.

Về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, và đảm bảo kế hoạch trả nợ. Nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao.

Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung/bất động sản không có nhu cầu thực/kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường.

Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của tổ chức tín dụng, cho vay chéo..., cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, việc sử dụng vốn nhất là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số doanh nghiệp trong hệ sinh thái hoặc doanh nghiệp “nội bộ” có nguy cơ rủi ro lớn.

Và kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN về những khó khăn vướng mắc trong công tác tín dụng và báo cáo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án bất động sản trong việc giải quyết các vướng mắc khó khăn về quy trình, thủ tục pháp lý, quy định pháp luật trong triển khai thực hiện dự án,..

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.