Thanh khoản bùng nổ, VN-Index bật tăng 35 điểm

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
16:39 - 25/05/2022
Thanh khoản bùng nổ, VN-Index bật tăng 35 điểm
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index ngày 25/5 có thêm một phiên bứt phá khi áp lực bán trên thị trường ngày càng giảm, trong khi lực cầu bắt đáy trên thị trường chứng khoán tăng dần đều, qua đó giúp đa số các cổ phiếu tăng giá.

Đóng cửa phiên giao dịch, thị trường chứng khoán hồi phục diện rộng với 415 mã ghi nhận sắc xanh trên sàn HoSE. VN-Index tăng 35,05 điểm (2,84%) lên 1.268,43 điểm.

Chỉ số HNX-Index cũng tăng 8,95 điểm (2,93%) lên 314,91 điểm. Toàn sàn có 172 mã tăng, 47 mã giảm và 36 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,66 điểm (1,78%) lên 94,78 điểm.

Cùng với đó, thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 19.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 3 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Nhóm "cổ phiếu vua" có phiên giao dịch khả quan khi BID tăng 3,41%, VPB tăng 5%, CTG tăng 3,46%, TCB tăng 3,55%, MBB tăng 4,47%, ACB tăng 4,17%, HDB tăng 4,27%, STB tăng 4,6%, SHB tăng 5,56%, LPB tăng 4,11%...

Cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực sau khi Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa thống nhất với Chính phủ kéo dài áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, trong bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga - Ukraine, dịch COVID - 19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” công bố 25/5 cũng chỉ ra rằng nhóm ngân hàng được kỳ vọng có lợi nhuận toàn ngành tăng trưởng bình quân khoảng 20-25% so với năm 2021, với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 14-15%. Đây được xem là những yếu tố tác động tích cực đến nhóm cổ phiếu ngân hàng thời gian tới.

Cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến tích cực với SSI tăng 2,49%, VND tăng 3,33%, VCI tăng 6,12%, HCM tăng 6,26%, VIX tăng kịch trần...

Ở nhóm bất động sản, VIC chỉ tăng 0,13%, VHM tăng 1,49%, NVL tăng 2,2%, VRE tăng 4,8%, DIG tăng 3,62%; ITA, HHV, SCR, TCD, TCH, PC1, SZC đồng loạt tăng kịch trần. Chỉ một số ít ghi nhận sắc đỏ như PDR, SJS, LGC, ROS.

Với nhóm sản xuất, HPG tiếp tục gây thất vọng khi giảm 1,29%. Tuy nhiên, phần lớn cổ phiếu ghi nhận màn trình diễn "mãn nhãn" như VNM tăng 4,35%, GVR tăng 4,97%; DPM, GEX, DCM, VHC, ANV, SAM, IDI, FMC... đều tăng kịch biên độ.

Cổ phiếu năng lượng, bán lẻ và hàng không cũng đều đi lên: GAS tăng 2,46%, PGV tăng 0,7%, POW tăng 4,28%, PLX tăng 3,5%; MWG tăng 4,51% còn PNJ và FRT đều tăng kịch trần; VJC và HVN lần lượt có thêm 0,32% và 2,3% giá trị.

Trước đó, nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) trong một talkshow gần đây cho rằng, Việt Nam đang phục hồi một cách mạnh mẽ sau đại dịch Covid 19. Về các cân đối vĩ mô như là lạm phát, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán thì hiện nay đều đang diễn biến ở mức độ tích cực. Những yếu tố vĩ mô này là bệ đỡ vững chắc cho thị trường chứng khoán thời gian tới.

Trong khi đó, TS.Cấn Văn Lực trong hội thảo Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” diễn ra sáng 25/5 cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này. Do đó, thị trường cổ phiếu dự báo sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đi vào ổn định hơn, lành mạnh hơn, với VN-Index có thể tăng nhẹ (+ 8% đạt 1.610 điểm, theo kịch bản tích cực) hoặc giảm nhẹ (-4% về mức 1.440 điểm, theo kịch bản tiêu cực).

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.