Thế khó của ngành dệt may trong cơn bão thị trường

Dệt May Việt nAM
13:16 - 22/06/2023
Thế khó của ngành dệt may trong cơn bão thị trường
0:00 / 0:00
0:00
Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, mức độ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa bao giờ các doanh nghiệp may có quy mô vài nghìn lao động lại phải chấp nhận đơn hàng nhỏ lẻ như bây giờ.

Cầu dệt may thế giới giảm khoảng 8% trong năm 2023

Trong những tháng đầu năm 2023, các ngành hàng đã bắt đầu ngấm hơi nóng của sự trì trệ trên thị trường khi nhu cầu về các đơn đặt hàng đều có dấu hiệu sụt giảm. Tại Việt Nam, một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành dệt may.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tình trạng thiếu đơn hàng, giá giảm tác động mạnh tới các doanh nghiệp. Thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,422 tỷ USD, giảm 21,42% so với cùng kỳ năm 2022.

Tính riêng tháng 5/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 2,780 tỷ USD, giảm 8,73% so với tháng trước và giảm 27,16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may 5 tháng năm 2023 chỉ đạt 8,782 tỷ USD, giảm 21,6% so với cùng kỳ 2022.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu nhận định, mức độ khó khăn của ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hiện nay, ảnh hưởng từ những suy thoái của nền kinh tế, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu mua sắm quần áo của người tiêu dùng trên toàn thế giới đều giảm dần, nhường chỗ cho những ưu tiên thiết yếu như sức khoẻ, lương thực.

"So với thời điểm giữa năm 2022 đổ lại, cầu dệt may thế giới đạt khoảng 750 - 760 tỷ USD. Tuy nhiên dự kiến năm 2023, khi nhu cầu mua sắm giảm dần, cầu dệt may cũng sẽ giảm khoảng 8%, ở mức 680 -700 tỷ USD", ông Hiếu ước tính.

Trao đổi thêm tại buổi gặp mặt báo chí ngày 20/6, lãnh đạo Vinatex cho biết, tại Việt Nam, với lĩnh vực may, từ quý 4/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đơn hàng chủ yếu đều là nhỏ lẻ. “Chưa bao giờ các doanh nghiệp may quy mô vài nghìn lao động lại phải nhận đơn hàng từ 500-1.000 chiếc áo như bây giờ. Doanh nghiệp phải làm vì không làm thì khách không biết đến, không có đơn hàng”.

Tình hình cũng tương tự với doanh nghiệp sản xuất hàng dệt kim, từ tháng 4/2022 đến nay gần như không có đơn hàng. Do mặt hàng dệt kim của tất cả các nhãn hàng trên thế giới tồn kho số lượng lớn.

Không chỉ về số lượng, đơn giá cũng được cho biết là giảm khủng khiếp. Thực tế nhiều đơn vị hiện nay giá gia công của ngành may có mã hàng giảm tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cho đến thời điểm này vẫn chưa có một dự báo nào của các tổ chức uy tín nói về thời điểm phục hồi mạnh của thị trường dệt may thời trang. Với xu hướng lạm phát toàn cầu gia tăng, chuyện đơn hàng giảm không phải của riêng Việt Nam mà đây là vấn đề chung của tất cả các nhà sản xuất hàng dệt may.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu

Việt Nam có đang mất dần sự ưu tiên về đơn hàng?

So với các thị trường cùng cạnh tranh, ước tính 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã có sự sụt giảm sâu nhất về các đơn đặt hàng. Ngoài nguyên nhân về cầu thế giới giảm, Tổng giám đốc Vinatex còn chỉ ra thêm, trong những tháng đầu năm nay, khách hàng đang dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác như Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ, sau đó mới tới Việt Nam do nhân lực các quốc gia này dồi dào hơn, trong khi giá nhân công lại rẻ kéo theo giá đơn hàng cũng rẻ hơn.

Về cơ chế chính sách của Chính phủ, hiện nay các nước khác đều có các chiến lược quốc gia về phát triển ngành dệt may cụ thể, trong khi Việt Nam hiện tại vẫn chưa có, đặc biệt là về cơ chế tài chính.

Ông Hiếu lấy ví dụ, tại Bangladesh, đối với các doanh nghiệp đang áp dụng các công nghệ tự động hoá cao đều được Chính phủ hỗ trợ, miễn thuế xuất nhập khẩu. Thậm chí còn có sự hỗ trợ của ngân hàng khi đứng ra cho vay mua, đơn vị đưa vào khai thác sau 2 - 3 năm Chính phủ mới thu tiền.

Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam cũng cần hỗ trợ một phần tài chính và có các chuyên gia trong việc thực hiện các dự án xanh hoá như giảm nước thải, chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm sử dụng hoá chất (ESG), chuyển đổi số trong ngành dệt may để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dưới góc độ Tập đoàn, ông Hiếu cũng cho rằng, dệt may Việt Nam vẫn được đánh giá cao về tay nghề, lao động cần cù chịu khó, môi trường đầu tư ổn định nên các doanh nghiệp vẫn mong muốn đến Việt Nam.

Tuy nhiên trước tình hình hiện nay, Tổng giám đốc Vinatex khuyến nghị, các đơn vị cần linh hoạt hơn trong sản xuất. "Trước kia quen làm với các đơn hàng lớn thì giờ phải làm cả những đơn hàng nhỏ. Đặc biệt cần tính toán trả lời nhanh để giữ chân khách hàng".

Ngoài ra, cần bảo toàn lực lượng lao động, giữ chân người lao động để sau khi thị trường ổn định thì vẫn có người lao động làm. Đối với Vinatex, trong thời điểm sản xuất kinh doanh khó khăn, thiếu đơn hàng, các doanh nghiệp trong hệ thống vẫn duy trì việc làm cho gần 62.000 lao động, đảm bảo thu nhập bình quân ở mức 9,3 triệu đồng/người/tháng.

Khó khăn là nhất thời, chúng ta luôn phải trong tâm thế chuẩn bị để khi qua đợt khó khăn này, nhiều nhà đầu tư không chỉ giữ những đơn hàng đang đặt mà còn tăng thêm các đơn đặt hàng khi nhu cầu về may mặc chắc chắn vẫn còn phát triển, chỉ là tạm thời đang hụt hơi so với các ngành nghề khác.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu

Tin liên quan

Đọc tiếp