Thị trường gốm sứ xây dựng có quy mô 64,52 tỷ USD vào năm 2025

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
11:59 - 16/11/2021
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo nghiên cứu từ Technavio, giai đoạn 2021 – 2025 quy mô thị trường gốm sứ xây dựng dự kiến đạt 64,52 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 5,72%.

Trong những năm tới, khi tình hình dịch Covid-19 kiểm soát tốt hoạt động kinh tế phục hồi trở lại, các tòa nhà thương mại, các khu vực nghỉ dưỡng và nhà ở hoạt động mạnh trở lại thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gốm sứ xây dựng tăng mạnh.

Nhu cầu về các sản phẩm gốm sứ ngày càng tăng do sự gia tăng các dự án khu dân cư và các tòa nhà. Thu nhập khả dụng tăng khiến người tiêu dùng tăng chi tiêu cho các sản phẩm gốm sứ là một trong những yếu tố chính làm tăng nhu cầu đối với gốm sứ xây dựng trong thời gian tới.

Nhu cầu nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng trên thị trường thế giới tăng trưởng khả quan trong 5 năm qua, nhờ thị trường bất động sản và xây dựng tại các thị trường nhập khẩu chính hoạt động mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng tăng trưởng đều trong giai đoạn 2016 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân 7,6%/năm.

Tính riêng, trong năm 2020, nhập khẩu mặt hàng này trên toàn cầu giảm 4,9% so với năm 2019, đạt 36,3 tỷ USD, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị gián đoạn tại thị trường tiêu thụ và thị trường cung cấp.

Trong cơ cấu thị trường nhập khẩu hàng gốm sứ xây dựng, EU là thị trường nhập khẩu lớn nhất trên thế giới giai đoạn 2016 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,1%/năm. Tỷ trọng nhập khẩu gốm sứ xây dựng tăng dần qua các năm, chiếm 27,3% trong năm 2016, tới năm 2020 chiếm 29% tổng trị giá nhập khẩu gốm sứ xây dựng trên toàn cầu. Tuy nhiên, EU cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19 nên nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2020 đạt 10,5 tỷ USD, giảm 0,9% so với năm 2019.

Năm 2020, nhập khẩu gốm sứ xây dựng của Ba Lan và Hà Lan tăng mạnh, tiếp theo đó là thị trường Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc trong khi nhu cầu tại Đức, Pháp, Bỉ lại giảm. Nếu tính trong giai đoạn 2016 – 2020, các thị trường có hoạt động mạnh trong lĩnh vực xây dựng đều tăng mạnh nhập khẩu hàng gốm sứ như Trung Quốc, Arab Saudi, Nga…

Xuất khẩu gốm sứ xây dựng toàn cầu tăng trưởng bình quân 4,0%/năm.

Xuất khẩu gốm sứ xây dựng Việt Nam hàng năm đạt khoảng 500 triệu USD

Việt Nam là thị trường xuất khẩu gốm sứ xây dựng lớn thứ 9 trên thị trường toàn cầu trong giai đoạn 2016 – 2020, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,2%/năm. Tỷ trọng xuất khẩu được mở rộng, chiếm 0,9% tổng trị giá xuất khẩu gốm sứ xây dựng toàn cầu trong năm 2020, tăng 0,1% so với năm 2019 và tăng 0,2%so với năm 2016.

Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam đánh giá, hiện gốm sứ xây dựng Việt Nam đang đứng thứ tư sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bra-xin, doanh số hàng năm của các doanh nghiệp Việt Nam đạt tới khoảng 3 tỷ đô la Mỹ, xuất khẩu hàng năm trung bình đạt khoảng 500 triệu USD.

Năm 2020, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu hàng gốm sứ xây dựng của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan đạt 375,5 triệu USD, tăng 9,9% so với năm 2019.

Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các thị trường xuất khẩu chính, so với ngay cả đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, vì vậy vẫn còn rất nhiều dư địa để ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng của Việt Nam khai thác.

Hiện tại, gạch ceramic và granite của Việt Nam đã có mặt trên thị trường một số nước và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Canađa, Nhật, Mỹ, các nước ASEAN và Đông Âu. Sản phẩm gốm sứ xây dựng của Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng và kiểu dáng.

Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng gốm xây dựng rất lớn, bởi nhu cầu vật liệu mới trong xây dựng đang tăng mạnh. Vật liệu gốm được dùng nhiều trong chi tiết kết cấu của công trình, từ khối xây, lát nền, ốp tường đến cốt liệu rỗng cho loại bê tông nhẹ.

Ngoài ra, các sản phẩm sứ vệ sinh là những vật liệu không thể thiếu trong xây dựng. Các sản phẩm gốm bền axit, bền nhiệt được dùng nhiều trong công nghiệp hóa học, luyện kim và các ngành công nghiệp khác.

Ưu điểm chính của vật liệu gốm là có độ bền và tuổi thọ cao, từ nguyên liệu địa phương có thể sản xuất ra các sản phẩm khác nhau thích hợp với các yêu cầu sử dụng, công nghệ sản xuất tương đối đơn giản, giá thành cạnh tranh.

Đây được coi là cơ hội cho ngành gốm xây dựng của Việt Nam và gốm xây dựng sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu giàu tiềm năng bởi hiện nay nhu cầu cao mặt hàng này trong lĩnh vực xây dựng.

Để đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng, cần xây dựng, hình thành các trung tâm xử lý và chuẩn hóa nguyên liệu ngành gốm đồng bộ đối với ngành gốm sứ.

Đây là động lực để ổn định sản xuất và là tiền đề để phát triển các sản phẩm gốm sứ có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, quy hoạch các vùng sản xuất gốm tập trung để bảo tồn các trung tâm sản xuất gốm sứ và giảm thiểu tác động của sản xuất gốm sứ đến môi trường. Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện điều kiện sản xuất để đáp ứng được các nhu cầu hợp chuẩn của thế giới.

Tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định đã ký kết để nhập khẩu các sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại từ các nước phát triển, sản xuất các sản phẩm gốm sứ xây dựng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao giá trị giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.

Đây là một ngành kinh tế lớn đem lại việc làm cho hàng ngàn lao động, đóng góp vào GDP của nền kinh tế đất nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.