Thu hồi nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đang giảm

NGÂN HÀNG Việt nAM
09:39 - 18/12/2021
Thu hồi nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đang giảm
0:00 / 0:00
0:00
Trong 3 năm gần đây, kết quả xử lý thu hồi nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt có chiều hướng giảm, năm sau giảm so với năm trước khoảng 24%.

Công ty quản lý tài sản (VAMC) cho biết, cũng do tác động từ dịch bệnh, hoạt động xử lý nợ xấu từ các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt, dư nợ gốc xử lý được trong năm nay tính từ ngày 1/1 đến ngày 15/11 là 19.634 tỷ đồng, đạt 65,45% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phân bổ.

Theo VAMC, việc đôn đốc khách hàng chỉ thực hiện gián tiếp qua gọi điện và gửi email, không tiếp xúc trực tiếp nên kết quả thu hồi nợ bị hạn chế.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến tài sản đấu giá khó thu hồi tiền bán do khách hàng gặp khó khăn tài chính, bàn giao tài sản và hoàn tất thủ tục sau đấu giá bị đình trệ. Việc tổ chức đấu giá tài sản không thể thực hiện do giãn cách xã hội... Do nguồn thu bị ảnh hưởng nên khách hàng được VAMC cơ cấu lại nợ không có khả năng trả nợ theo phương án đã được phê duyệt.

Để thúc đẩy việc xử lý nợ, VAMC đề xuất xây dựng phương án đấu giá trực tuyến đối với một số tài sản phù hợp để đảm bảo hoạt động đấu giá không bị gián đoạn quá lâu trong trường hợp dịch bệnh phức tạp kéo dài.

Hiện nay, VAMC đã tăng cường tìm kiếm các khoản nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) ở khu vực phía bắc để đàm phán mua nợ từ nay đến cuối năm 2021. Rà soát danh sách các khoản nợ đang làm việc với TCTD nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã phải tạm thời dừng lại.

Ngoài ra, công ty cũng tập trung đấu giá tại trụ sở VAMC ở Hà Nội nhằm tận dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, đôn đốc nhắc nhở khách hàng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán sau đấu giá thành và hoàn tất bàn giao hồ sơ tài sản cho khách hàng.

VAMC cho rằng, cần vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ, tài sản bảo đảm, chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động của sàn trên nền tảng online và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu, đăng thông báo bán đấu giá tài sản, thu giữ tài sản bảo đảm...lên cổng thông tin điện tử VAMC.

Theo Thông tư 19 và Thông tư 20 được Ngân hàng Nhà nước ban hành năm 2013, một trái phiếu được phát hành tương ứng với một khoản nợ xấu được mua, bán và mệnh giá có giá trị bằng giá mua của các khoản nợ xấu. Các tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ nợ xấu từ 3% so với tổng dư nợ trở lên phải bán nợ cho VAMC.

Trường hợp không bán, NHNN xem xét áp dụng các biện pháp kiểm soát. Trên cơ sở thanh tra, định giá, kiểm toán, NHNN yêu cầu TCTD phải bán nợ cho VAMC. Sau khi mua nợ xấu, VAMC xem xét, điều chỉnh lãi suất đang áp dụng với khoản nợ xấu đã mua về mức lãi suất hợp lý, phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng vay phải có phương án trả nợ khả thi.

VAMC bán nợ xấu đã mua theo hình thức đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh với sự tham gia của ít nhất 3 bên mua không có liên quan với nhau. Trường hợp không thể đấu giá, chào giá cạnh tranh thì VAMC bán khoản nợ xấu trên cơ sở thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ.

Theo Thông tư này, VAMC cũng có thể bán nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt hoặc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu thành vốn điều lệ, vốn cổ phần tại các doanh nghiệp mua nợ. Tuy nhiên, thông tư quy định, tổng mức đầu tư, cung cấp tài chính và bảo lãnh của VAMC đối với một khách hàng không vượt quá 50% vốn điều lệ của VAMC (không quá 250 tỉ đồng).

Ngân hàng Nhà nước quy định, khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, tổ chức tín dụng trả hết nợ gốc và lãi cho Ngân hàng Nhà nước. Tổ chức tín dụng phải chuyển quyền sở hữu các giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch với Ngân hàng Nhà nước thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp không trả được nợ vay tái cấp vốn.

Số tiền dự phòng rủi ro đã trích lập cho trái phiếu đặc biệt không thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt này. Thời hạn trả nợ trong 5 ngày làm việc kể từ ngày trích lập dự phòng rủi ro cho trái phiếu đặc biệt, số tiền trả nợ là số tiền tái cấp vốn đã vay Ngân hàng Nhà nước trên cơ sở trái phiếu đặc biệt đó.

Trường hợp khoản vay tái cấp vốn đến hạn, tổ chức tín dụng không trả được nợ và không được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thì Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp chuyển khoản nợ của tổ chức tín dụng sang nợ quá hạn và áp dụng theo mức lãi suất tái cấp vốn quá hạn, kể từ ngày quá hạn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp thu hồi nợ như trích tài khoản tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước, yêu cầu VAMC sử dụng số tiền thu hồi mà tổ chức tín dụng được hưởng từ các khoản nợ xấu mua bằng trái phiếu đặc biệt để trả nợ vay tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng chuyển quyền sở hữu cho Ngân hàng Nhà nước đối với các giấy tờ có giá được sử dụng trong các giao dịch với Ngân hàng Nhà nước thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng và thực hiện các thủ tục để chuyển khoản tái cấp vốn thành khoản cho vay đặc biệt hoặc thành khoản góp vốn, mua cổ phần của Ngân hàng Nhà nước tại tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.