Thu hút FDI 10 tháng đầu năm đạt 23,74 tỷ USD: Cần kiểm soát dự án FDI không phù hợp

KINH TẾ Việt nAM
14:05 - 29/10/2021
Thu hút FDI 10 tháng đầu năm đạt 23,74 tỷ USD: Cần kiểm soát dự án FDI không phù hợp
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến ngày 20/10/2021, tổng vốn FDI vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2021.

Thu hút FDI vào Việt Nam 10 tháng đầu năm tăng 1,1% nhưng vốn thực hiện giảm 4,1%

Sáng 29/10, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 10 tháng đầu năm.

Về tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (FDI), tính đến ngày 20/10/2021, tổng thu hút FDI - bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài - đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong đó, 1.375 dự án được cấp phép vốn đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký đạt 13,02 tỷ USD, giảm 34,5% về số dự án và tăng 11,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

776 dự án được cấp phép điều chỉnh vốn đăng ký đầu tư, với mức điều chỉnh tăng thêm 7,09 tỷ USD, tức tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

3.063 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 3,63 tỷ USD, giảm 40,6% so với 10 tháng năm 2020. Trong đó bao gồm 1.229 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong nước làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 2,37 tỷ USD và 1.834 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,26 tỷ USD.

Xét theo giá trị vốn FDI tiếp nhận, Long An là địa phương tiếp nhận vốn FDI lớn nhất trong 10 tháng năm 2021 với 46 dự án, tổng số vốn đăng ký mới đạt 3,37 tỷ USD, tổng vốn đăng ký điều chỉnh đạt 240,5 triệu USD. Xếp thứ hai là Cần Thơ (1,32 tỷ USD vốn đăng ký mới và 9 triệu USD vốn điều chỉnh), thứ ba là Quảng Ninh (1,01 tỷ USD vốn đăng ký mới và 141 triệu USD vốn điều chỉnh).

Xét quốc gia và vùng lãnh thổ, Singapore là nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam với 174 dự án, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 5,17 tỷ USD, vốn đăng ký điều chỉnh đạt 795 triệu USD.

Xếp thứ hai là Nhật Bản với 150 dự án, vốn đăng ký cấp mới đạt 2,43 tỷ USD, vốn đăng ký điều chỉnh đạt 741 triệu USD.

Tuy nhiên, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong vòng 10 tháng năm 2021 ước đạt 15,15 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, trong 10 tháng năm 2021 đạt 646 triệu USD (bao gồm cả vốn cấp mới và tăng thêm), tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 48 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 218,3 triệu USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm trước và 18 dự án được cấp phép điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng thêm 427,7 triệu USD, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tính trong tháng 10/2021 ước đạt 41,72 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với tháng 9/2021 nhưng giảm 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 10 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 318,56 nghìn tỷ đồng, bằng 64,7% kế hoạch năm và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 66,6% kế hoạch năm và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước, vốn địa phương quản lý đạt 262,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

Còn thực trạng địa phương dễ dãi trong việc chấp nhận FDI

Bằng chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI. Tuy nhiên, vẫn còn thực trạng nhiều địa phương dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương hay chính sách ưu đãi đầu tư cũng còn nhiều bất cập, chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu trong khi chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.

Trong bối cảnh các biện pháp giãn cách dần được nới lỏng, Chính phủ chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả, dòng vốn FDI vào Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Theo đó, Tổng cục Thống kê đã đưa ra 5 giải pháp thu hút FDI vào Việt Nam hiệu quả và chất lượng như sau:

Thứ nhất, quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, tính nghiêm minh, thống nhất về chính sách và luật pháp, tính đơn giản về thủ tục hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Thứ hai, chú trọng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.

Thứ ba, nỗ lực nâng cao năng lực từ công nghệ đến trình độ của đội ngũ lao động, quản lý.

Thứ tư, rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

Cuối cùng, cần kiểm soát chặt chẽ những dự án FDI không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ.

Trước mắt, để tận dụng tối đa lợi thế từ dòng vốn FDI, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề lớn còn tồn đọng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền, thương quyền…, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI được cấp phép đầu tư thuận lợi.

Tin liên quan

Đọc tiếp