Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán sau 10 tháng đầu năm

NGÂN SÁCH Việt nAM
11:22 - 31/10/2022
Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán sau 10 tháng đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Sau 10 tháng, ngân sách Nhà nước (NSNN) bội thu hơn 245.100 tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) trong báo cáo cập nhật về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm cho thấy, hoạt động thu chi ngân sách Nhà nước (NSNN) đang đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Về thu NSNN, theo GSO, tổng thu NSNN tháng 10/2022 ước đạt 130,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu NSNN 10 tháng năm 2022 đạt khoảng 1,46 triệu tỷ đồng, bằng 103,7% dự toán năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về một số khoản thu chính, thu nội địa tháng 10/2022 ước đạt 110,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng năm 2022 đạt khoảng 1,15 triệu tỷ đồng, bằng 98,4% dự toán năm và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thu từ dầu thô tháng 10/2022 ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2022 đạt 65,5 nghìn tỷ đồng, bằng 232,4% dự toán năm và tăng 95% so với cùng kỳ năm trước.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 10/2022 ước đạt 14 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2022 đạt 236,1 nghìn tỷ đồng, bằng 118,6% dự toán năm và tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước.

Về chi NSNN, tổng chi NSNN tháng 10/2022 ước đạt 136,9 nghìn tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2022 ước đạt khoảng 1,21 triệu tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán năm và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chi thường xuyên 10 tháng năm 2022 đạt 841,3 nghìn tỷ đồng, bằng 75,7% dự toán năm và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Chi đầu tư phát triển đạt 297,8 nghìn tỷ đồng, bằng 56,6% và tăng 16,8%. Chi trả nợ lãi 78,3 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% và giảm 9,1% so với cùng kỳ.

Như vậy, tới hết tháng 10, ước tính NSNN bội thu hơn 245.100 tỷ đồng, tăng thêm hơn 4.000 tỷ đồng so với thống kê của tháng trước đó, bằng 103,7% dự toán năm và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về kết quả này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 ngày 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Có người nói dự toán chưa sát. Nhưng trong bối cảnh xây dựng dự toán hiện nay, tình hình rất khó khăn, mình phải xây dựng dự toán chi thận trọng, chắc chắn, hiệu quả để bảo đảm an ninh tiền tệ, an ninh tài chính và phải bảo đảm giảm bội chi. Còn thu ngân sách tăng là điều đáng quý bởi sản xuất kinh doanh có phát triển thì mới có nguồn thu", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện NSNN năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng số thu cân đối NSNN ước vượt dự toán khá cao, tăng 14,3% so với dự toán, tăng 2,9% so với ước thực hiện năm 2021. Trong đó, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt dự toán.

Cũng trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về việc trong cơ cấu NSNN, tỷ trọng thu từ đất, từ thuế thu nhập cá nhân vẫn còn lớn.

Bộ Tài chính sau đó đã có văn bản giải trình, cho biết tỷ trọng các khoản thu nhà đất trong tổng thu ngân sách 2-3 năm trở lại đây có tăng, bình quân khoảng 14%. Song tăng chủ yếu vì tổng thu ngân sách, nhất là khi thu nội địa khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, và thực hiện miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, tiền thuê đất… Thực tế, tốc độ tăng các khoản thu từ đất bình quân 3 năm (2020-2022) ở mức 6,3% một năm.

Số tăng thu ngân sách năm 2022 ước vượt dự toán khoảng 202.400 tỷ đồng, Bộ Tài chính nhìn nhận, tăng ở tất cả các lĩnh vực thu, ở các khu vực kinh tế.

Nhìn cả giai đoạn, Bộ Tài chính cho rằng cơ cấu thu đã bền vững hơn. Cụ thể, quy mô thu NSNN 5 năm 2016-2020 đạt bình quân 25,2%GDP, tăng so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (23,6%GDP); tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt 85,6% tổng thu NSNN so với bình quân giai đoạn 2006-2010 (59,5%) và giai đoạn 2011-2015 (68,7%).

Về dự toán ngân sách 2023, Chính phủ trình Quốc hội thu hơn 1,62 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa hơn 1,33 triệu tỷ (82,3% tổng thu ngân sách); thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng (2,6%); thu cân đối xuất nhập khẩu 239.000 tỷ đồng (14,7%) và thu viện trợ 5.500 tỷ đồng.

Tin liên quan

Đọc tiếp