Thủ tướng nêu 5 nhóm giải pháp phát triển tỉnh Bình Thuận bền vững

ĐẦU TƯ Bình Thuận
15:46 - 31/08/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Tại cuộc làm việc với Tỉnh Ủy Bình Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, 5 giải pháp phát triển gồm công tác chỉ đạo, điều hành; đào tạo nhân lực; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng chính sách; bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng.

Sáng 31/8, trong chương trình công tác tại Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, định hướng thời gian tới, trao đổi, giải quyết các kiến nghị của tỉnh.

Dự kiến năm 2023, tổ chức năm du lịch quốc gia tại Bình Thuận

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) tăng 6,44%; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 552 triệu USD, bằng 75,8% kế hoạch, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.

Các ngành dịch vụ, du lịch tiếp tục phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2022, số khách tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch đạt gần 4.500 tỷ đồng, tăng 17% so cùng kỳ năm trước.

Về những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của Bình Thuận, tỉnh có đầy đủ các loại hình giao thông thuận lợi với đường bộ, đường sắt, cảng biển và tuyến hàng hải quốc tế đi qua. Đặc biệt, sân bay Phan Thiết đang được xây dựng và khi hoàn thành sẽ trở thành công trình hạ tầng chiến lược tạo động lực phát triển mới cho tỉnh.

Tỉnh có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp năng lượng, nhất là nhiệt điện và năng lượng tái tạo (điện LNG, điện gió, điện mặt trời, đặc biệt điện gió ngoài khơi). Đồng thời, Bình Thuận có điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển với vùng lãnh hải rộng 52.000 km² và là một trong ba ngư trường lớn của Việt Nam, có nhiều loại hải sản.

Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, dự kiến năm 2023 sẽ tổ chức năm du lịch quốc gia tại Bình Thuận nhằm tạo đột phá mới cho du lịch Bình Thuận, thu hút các nhà đầu tư lớn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt khi tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch với bờ biển dài 192 km, khí hậu thuận lợi, nhiều di tích văn hóa – lịch sử, danh lam thắng cảnh hấp dẫn…

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP

Bình Thuận có lợi thế phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó cây thanh long với hơn 30.000 ha, sản lượng lớn nhất Việt Nam. Có hơn 702.000 ha diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp; hệ thống công trình thủy lợi khá đồng bộ.

Tỉnh có nhiều khoáng sản với trữ lượng lớn, trong đó, dầu khí là thế mạnh kinh tế mới, hình thành trung tâm dự trữ dầu mỏ nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và xuất khẩu.

Bình Thuận phải phát triển xanh, nhanh và bền vững

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, Bình Thuận phải phát triển xanh, nhanh, bền vững. Để làm được điều này, phải làm tốt 5 giải pháp: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hạ tầng chiến lược; xây dựng cơ chế, chính sách; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với bảo đảm điều kiện cần thiết, phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các tháng cuối năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng lưu ý cần quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển 3 "trụ cột" kinh tế của tỉnh gồm du lịch; công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo; nông nghiệp sạch, hiện đại, công nghệ cao.

Chuyển đổi từ tư duy "phát triển sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "phát triển kinh tế nông nghiệp", định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Thủ tướng gợi ý tỉnh nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền mở rộng thành phố Phan Thiết và điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp.

Thủ tướng trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An. Ảnh: VGP

Thủ tướng trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An. Ảnh: VGP

Thủ tướng lưu ý, phát triển bất động sản cũng là cần thiết, nhưng những địa điểm, vị trí đẹp nhất không quy hoạch phát triển bất động sản mà phải dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo việc làm, tạo sinh kế cho người dân.

Tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng.

Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ xây dựng sân bay Phan Thiết và cảng biển đón khách để mở cửa bầu trời, mở cửa vùng biển, mở ra không gian phát triển mới. Đồng thời nhắc lại yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch để xây dựng và hoàn thành nhà ga sân bay Phan Thiết trong thời gian sớm nhất, bảo đảm chất lượng.

Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như PCI, PAPI, SIPAS, PAR Index, DTI.

Đánh giá tỉnh đang đi đúng hướng và với tư duy, cách làm mới, đà phát triển mới, nhất là khi có sân bay Phan Thiết, Thủ tướng tin tưởng tỉnh sẽ cân đối được ngân sách vào năm 2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.