Thủ tướng New Zealand: 'Việt Nam phát triển vượt bậc như rồng'

Việt nAM New Zealand
12:15 - 11/03/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon tại họp báo, ngày 11/3. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon tại họp báo, ngày 11/3. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Đây là đánh giá của Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon tại họp báo chung với Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau khi hai nhà lãnh đạo kết thúc thành công cuộc hội đàm.   

Sáng 11/3, tại Thủ đô Wellington, New Zealand, sau khi hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đã gặp gỡ báo chí thông báo kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm.

3 cặp từ khóa của Thủ tướng về quan hệ Việt Nam - New Zealand

Tại họp báo chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông và người đồng cấp New Zealand vừa có cuộc hội đàm rất đặc biệt, rất thành công.

Trên tinh thần xây dựng và hợp tác, hai bên đã thảo luận toàn diện về các lĩnh vực hợp tác và đề ra phương hướng để đưa quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại họp báo. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát bằng 3 cặp từ khóa là "ổn định và củng cố", "tăng cường và mở rộng", "tăng tốc và bứt phá".

Thứ nhất, Việt Nam và New Zealand sẽ "ổn định và củng cố" tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mời và mong sớm đón Thủ tướng Christopher Luxon cùng Phu nhân thăm chính thức Việt Nam.

Thứ hai, hai bên sẽ "tăng cường và mở rộng hợp" tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa và giao lưu nhân dân, kết nối địa phương.

Trong đó, Việt Nam - New Zealand tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2024 và sớm tăng gấp đôi đầu tư hai chiều thông qua các biện pháp phù hợp, trong đó có mở cửa thị trường và giảm rào cản thương mại hai chiều.

Việt Nam hoan nghênh đầu tư từ New Zealand trong các lĩnh vực, nhất là giáo dục - đào tạo, năng lượng tái tạo, mở rộng thị trường cho các sản phẩm hàng hóa của nhau, nhất là nông sản như nhãn, vãi, chuối, hoa cắt cành, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao, nhân giống cây trồng, quản lý an toàn thực phẩm.

Hai nước tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đang ngày càng gia tăng tại khu vực, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, an ninh hàng hải, trao đổi thông tin tình báo, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai Thủ tướng tại cuộc họp báo chung. Ảnh: VGP

Hai Thủ tướng tại cuộc họp báo chung. Ảnh: VGP

Việt Nam mong muốn New Zealand tăng học bổng cho sinh viên Việt Nam và các trường đại học của New Zealand tăng cường liên kết với các trường đại học của Việt Nam, đồng thời tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp New Zealand làm việc, học tập, kinh doanh tại Việt Nam. Việc sớm mở lại đường bay thẳng sẽ là động lực quan trọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực này.

Thứ ba, hai nước có 3 lĩnh vực cần tăng tốc và bứt phá. Đó là tăng tốc bứt phá trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, phát triển nông nghiệp, các ngành công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn...

Tăng tốc bứt phá trong hợp tác kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, nhất là về chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách, chuyển giao công nghệ.

Cuối cùng là tăng tốc bứt phá trong hợp tác lao động, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand; xây dựng khuôn khổ pháp lý và có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy và quản lý tốt lĩnh vực này.

"Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết hình thành một cơ chế tổ công tác để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng nêu trên với tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả, sản phẩm, mang lại lợi ích cho hai dân tộc, hai đất nước, nhân dân hai nước," Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm; nhất trí phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau, nhất là tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn quốc tế đa phương do ASEAN dẫn dắt, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM); tăng cường đối thoại và hợp tác cùng có lợi, cùng nhau ứng phó hiệu quả các thách thức chung tại khu vực; phối hợp thúc đẩy hợp tác tại Tiểu vùng Mekong.

Hai bên đã trao đổi về việc chung tay cùng các nước giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân như chiến tranh, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu với tinh thần đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; nhất trí cao trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác biển, cùng phấn đấu đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Hai bên mong muốn những nơi có xung đột sớm được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tăng cường viện trợ nhân đạo, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Việt Nam - New Zealand còn nhiều lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn

Về phần mình, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tổng kết rõ ràng và cụ thể các nội dung hội đàm.

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. Ảnh: VGP

Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon. Ảnh: VGP

Ông đánh giá Việt Nam là đối tác quan trọng, một trong những quốc gia tạo đà phát triển rất mạnh mẽ. "Xin chúc mừng Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đạt được những thành tựu lớn trong những hoạt động kinh tế, Việt Nam đã trở thành một con rồng với sự phát triển vượt bậc, tăng trưởng cao mỗi năm," ông nói.

Khẳng định hai nước còn nhiều lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn, hai bên cam kết xây dựng kế hoạch hợp tác để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Thủ tướng Luxon cho biết New Zealand sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ môi trường và vừa qua đã có những bước tiến cụ thể để hiện thực hóa các cam kết của hai Chính phủ.

Theo Thủ tướng New Zealand, năm 2025 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Chính phủ New Zealand cam kết thực hiện các kế hoạch để hai nước thắt chặt thêm tình hữu nghị, nâng cao hợp tác, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai quốc gia mang tầm vóc mới.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam và New Zealand đã ký kết 3 văn kiện hợp tác quan trọng về giáo dục - đào tạo, thương mại và tài chính.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng và Giám đốc điều hành Bộ Ngân khố New Zealand Caralee McLiesh ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố New Zealand. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng và Giám đốc điều hành Bộ Ngân khố New Zealand Caralee McLiesh ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngân khố New Zealand. Ảnh: VGP

Nhân dịp này, Thủ tướng New Zealand trân trọng cảm ơn và mong được sớm tới thăm Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.