Thủ tướng yêu cầu không chia nhỏ gói thầu các dự án giao thông trọng điểm

giao thông Hạ Tầng
09:39 - 03/03/2023
Thủ tướng yêu cầu không chia nhỏ gói thầu các dự án giao thông trọng điểm
0:00 / 0:00
0:00
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 63/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp lần thứ 4 Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu

Thông báo kết luận công bố ngày 2/3 nêu rõ, theo Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, hiện có 21 dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (khoảng 70 dự án thành phần) thuộc danh mục theo dõi, chỉ đạo thực hiện của Ban Chỉ đạo gồm: Hệ thống đường cao tốc, trục dọc Bắc - Nam phía Đông, các trục ngang Đông - Tây khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và các tuyến cao tốc kết nối vùng Thủ đô, vùng Đông Nam Bộ và Tây Bắc, các dự án cảng hàng không quốc tế, các dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TP HCM.

Các dự án vẫn còn một số tồn tại cần sớm khắc phục chậm tiến độ; công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng chưa cao, còn yếu; chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, lập phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số công trình, dự án chưa kỹ càng...

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương phải rà soát, khắc phục những tồn tại hạn chế, vướng mắc. Trong quá trình triển khai phải luôn luôn thực hiện 6 yêu cầu sau:

Bảo đảm chất lượng; bảo đảm tiến độ; bảo đảm an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường, sinh thái; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí; bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý sai phạm; đi đôi chăm lo đời sống, an sinh người lao động, nhân dân.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án thành phần

Về các nhiệm vụ cụ thể, đối với nhóm chưa duyệt dự án đầu tư, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hưng Yên, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đồng Nai, An Giang và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án thành phần. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguồn lực để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng

Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn các địa phương được giao là cơ quan chủ quản triển khai các dự án.

Đối với nhóm đã duyệt dự án đầu tư (3 dự án thành phần của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Biên Hòa - Vũng Tàu), Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng bảo đảm hoàn thành 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với nhóm đang thi công, trong đó có 3 dự án cao tốc đưa vào khai thác dự kiến 4/2023 (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), Thủ tướng giao Bộ GTVT, các Ban quản lý dự án và nhà thầu tăng cường trang thiết bị nhân lực làm việc "3 ca, 4 kíp", làm liên tục bảo đảm đưa các dự án vào khai thác sử dụng trong tháng 4/2023.

Các dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và TP HCM đang triển khai rất chậm. Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP HCM trực tiếp chỉ đạo triển khai các dự án. Các bộ, ngành, địa phương rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính, tập trung giải quyết nhanh các vướng mắc, kiến nghị của địa phương theo thẩm quyền. Trường hợp còn vướng mắc giữa các Bộ thì Bộ trưởng phải chủ trì họp với các bộ liên quan để giải quyết dứt điểm.

Đối với dự án Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định sớm trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư đã được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao tại văn bản số 520/VPCP-QHQT ngày 31/1/2023. TP Hà Nội đưa đoạn trên cao vào khai thác trong quý 2/2023.

Đẩy nhanh đấu thầu nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành

Đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng Bộ GTVT đẩy nhanh công tác đấu thầu nhà ga hành khách và triển khai thi công đồng bộ các hạng mục của dự án; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai không bảo đảm tiến độ Quốc hội yêu cầu. Có các giải pháp phù hợp hiệu quả để bù vào thời gian không thực hiện đúng tiến độ vừa qua.

Thủ tướng giao Bộ GTVT tháo gỡ khó khăn vướng mắc đôn đốc các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu khẩn trương thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, bảo đảm đưa vào khai thác 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây trong tháng 4/2023.

Bộ GTVT chỉ đạo đơn vị, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công 12 dự án thành phần thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 vừa khởi công tháng 1/2023.

Phối hợp với các địa phương để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, dự án thành phần 1 của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đáp ứng tiến độ; phối hợp với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Bến Lức - Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Hoàn thành dứt điểm các tồn tại trong giải phóng mặt bằng

Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương hoàn thành dứt điểm các tồn tại trong giải phóng mặt bằng đối với các dự án đang triển khai thi công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 4 Vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP HCM để bảo đảm khởi công trước tháng 6/2023.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bố trí đủ vốn triển khai các dự án; rà soát việc bố trí vốn cho các dự án cao tốc bảo đảm đầu tư tối thiểu 4 làn xe cao tốc, có điểm dừng xe, làn dừng xe khẩn cấp, dứt khoát không đầu tư đường cao tốc 2 làn xe hạn chế gây lãng phí vốn đầu tư, khai thác không hiệu quả và mất thêm thời gian, thủ tục để nâng cấp…

Đẩy nhanh thủ tục thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án đường sắt đô thị của TP HCM và thành phố Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.