Tiền vào nhóm vốn hóa lớn, cổ phiếu của VPBank tăng sát trần

VPBANK VN INDEX
16:12 - 13/03/2023
Các cổ phiếu ngân hàng giao dịch không đồng pha.
Các cổ phiếu ngân hàng giao dịch không đồng pha.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần trong tiêu cực nhưng nhanh chóng hồi phục nhờ lực cầu gia tăng tại nhóm vốn hóa lớn. VPB tăng sát trần sau thông tin VPBank sắp bán cổ phần cho Sumitomo Mitsui với giá trị lên tới 1,4 tỷ USD.

Kết phiên 13/3, VN-Index giảm nhẹ 0,2 điểm xuống mốc 1.052,8 điểm. HNX-Index giảm hơn 2 điểm, UPCoM cũng giảm 0,4 điểm. Thanh khoản cải thiện với tổng giá trị khớp lệnh đạt hơn 11.600 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại chiếm gần 2.700 tỷ đồng và mua ròng mạnh 844 tỷ đồng.

Hai mã được mua ròng mạnh nhất là HPG (98 tỷ đồng) và SSI (89 tỷ đồng). VHM và POW cùng được mua ròng trên 80 tỷ đồng. Danh sách mua ròng trên 50 tỷ đồng còn có HSG, VRE, VNM, MSN. Ngược lại, STB dẫn đầu chiều bán ròng với giá trị 53 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ E1VFVN30, FUESSVFL, NLG bị bán ròng gần 20 tỷ đồng.

VN-Index hôm nay thoát được đà rơi nhờ lực cầu mạnh tại nhóm vốn hóa lớn. Chỉ số VN30 tăng gần 3 điểm nhờ sự đóng góp của VHM (+4,4%), VPB (+6%), VRE (+3,9%), NVL (+3,3%). Các đại diện nhóm địa ốc tăng mạnh sau khi Chính phủ chính thức ban Nghị quyết 33 tháo gỡ khó cho thị trường bất động sản.

VPB của VPBank giao dịch tích cực với hơn 41 triệu cổ phiếu được trao tay, nhờ thông tin ngân hàng này đang chuẩn bị bán 15% cổ phần cho đối tác chiến lược. Cụ thể, theo Bloomberg, VPBank sẽ bán hơn 1 tỷ cổ phiếu cho SMBC, một đơn vị trực thuộc Sumitomo Mitsui, với giá 32.000 - 33.000 đồng/cổ phiếu. Thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD dự kiến ​được ký kết vào cuối tháng 3/2023.

SMBC từng là cổ đông chiến lược của ngân hàng Eximbank từ năm 2007. Tới tháng 2/2022, hai bên chính thức dừng hợp tác liên minh chiến lược. Giữa tháng 1/2023, SMBC thông báo thoái thành công 10,8% vốn Eximbank, giảm tỷ lệ sở hữu về còn 4,27%.

Chiều tăng trong nhóm bluechip còn có BVH, CTG, GAS, MSN, PDR, POW, SAB, TPB, VIC, VJC; tuy nhiên tỷ lệ thay đổi chỉ trên dưới 1%. Các cổ phiếu còn lại ở chiều giảm cũng không ghi nhận nhiều biến động về giá, giảm mạnh nhất là STB -3,8%.

Nhờ sự tích cực của các bluechip nên nhóm bất động sản dẫn đầu chiều tăng, tỷ lệ vốn hóa +1,5%. Tuy nhiên, do dòng tiền tập trung vào các mã lớn nên số mã kết phiên trong sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế.

Đáng chú ý là HQC của Địa ốc Hoàng Quân tăng trần lên mức giá 3.630 đồng/cp. Thời gian qua, cổ phiếu này giao dịch sôi động nhờ hiệu ứng từ việc đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội, có giai đoạn tăng trần nhiều phiên liên tiếp. Tuy nhiên đà tăng của HQC vẫn chưa thực sự vững chắc.

Nhóm ngân hàng có sự bứt phá của VPB nhưng vẫn không thể tăng điểm do bị STB và nhiều mã đầu ngành khác kéo lại: BID -1,9%, MBB -1,4%, TCB -1,5%, VCB -0,7%, VIB -1,2%.

Các nhóm còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó nhóm các cổ phiếu trong ngành dịch vụ du lịch đảo chiều giảm, sau tuần trước dẫn đầu chiều tăng. Đáng chú ý là HVN nằm sàn, ACV giảm 2,1%.

Các nhóm thủy sản, bán lẻ, xây dựng, nông nghiệp, dầu khí giảm trên dưới 1% vốn hóa.

Tuần trước, khi thị trường thế giới đảo chiều giảm điểm thì chứng khoán Việt Nam bất ngờ tăng điểm sau 3 tuần mất điểm liên tiếp. Chỉ số VN-Index nằm trên đường trung bình động MA20, đồng thời chỉ báo DI+ ở khung đồ thị tuần cũng hướng lên tích cực cho thấy chỉ số vẫn có xu hướng phân hóa tăng điểm hướng lên khu vực phía trên.

Tuy nhiên, diễn biến dòng tiền vẫn còn khá yếu với hầu hết các phiên đều dưới mức 10.000 tỷ đồng, cùng thị trường quay đầu điều chỉnh và VN-Index kết thúc tuần tạo mẫu hình nến doji, thể hiện rõ tâm lý lưỡng lự của nhà đầu tư ở vùng kháng cự 1.050 điểm.

Phiên hôm nay, VN-Index rung lắc do chịu áp lực chốt lời T+. Tuy nhiên lực cầu đã kịp thời giải vây giúp chỉ số thoát khỏi phiên giảm điểm sâu. Điều này sẽ giúp giải tỏa tâm lý lo lắng cho nhà đầu tư khi quốc tế đang có nhiều thông tin tiêu cực.

Tin liên quan

Đọc tiếp