Tìm thấy cụm thành phố cổ đại 2.000 năm tuổi tại Ecuador

Khảo cổ Ecuador
12:27 - 12/01/2024
Bản đồ laser thành phố cổ đại được khám phá tại thung lũng Upano, Ecuador. Ảnh: Stéphen Rostain, Antoine Dorison
Bản đồ laser thành phố cổ đại được khám phá tại thung lũng Upano, Ecuador. Ảnh: Stéphen Rostain, Antoine Dorison
0:00 / 0:00
0:00
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science ngày 11/1, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra một cụm các thành phố cổ đại bị chôn vùi bên trong rừng nhiệt đới Amazon tại Ecuador – nơi từng là nhà của ít nhất 10.000 người vào khoảng 2.000 năm trước.

Cách đây hơn 2 thập kỷ, những tàn tích bao gồm các gò đất và các con đường bị chôn vùi bên trong khu vực rừng Amazon tại Ecuador đã được nhà khảo cổ học Stéphen Rostain - một trong những nhà nghiên cứu tham gia vào dự án - chú ý tới. Tuy nhiên vào thời điểm đó, ông Rostain cho biết ông không chắc chắn cách các tàn tích này có thể kết nối với nhau.

Tuy nhiên thông qua công nghệ lập bản đồ bằng cảm biến laser gần đây, các nhà nghiên cứu đã có thể đi đến kết luận rằng các địa điểm khảo cổ trên là một phần của mạng lưới các khu định cư và đường nối dày đặc, nằm sâu khu vực rừng Amazon ở thung lũng Upano của Ecuador. Nói cách khác, các tàn tích này thuộc về một cụm thành phố cổ đại đã biến mất trong dòng lịch sử.

Theo hãng tin AP trích dẫn nghiên cứu, các khu định cư này thuộc về người Upano trong khoảng thời gian năm 500 TCN và 300 đến 600 năm SCN – khoảng thời gian gần như cùng thời với Đế chế La Mã ở châu Âu. Các công trình dân cư và nghi lễ được xây dựng trên hơn 6.000 gò đất được bao quanh bởi các cánh đồng nông nghiệp có kênh thoát nước. Những con đường lớn nhất rộng 10m và kéo dài từ 10 đến 20 km.

Nhà khảo cổ học Antoine Dorison, đồng tác giả nghiên cứu này tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, cho biết địa điểm này ước tính là nơi sinh sống của ít nhất 10.000 cư dân. Ở thời kỳ đỉnh cao, nơi này có khả năng là nơi sinh sống của 15.000 hoặc 30.000 cư dân - con số có thể sánh ngang với dân số ước tính của London thời La Mã, thành phố lớn nhất nước Anh khi đó.

Nhận định về quy mô của thành phố cổ, nhà khảo cổ học Michael Heckenberger của Đại học Florida, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Điều này cho thấy mật độ dân số dày đặc và một xã hội cực kỳ phức tạp”. Sự phát triển của thành phố do đó được đánh giá là tương đối ấn tượng nếu xét đến việc nơi này tồn tại từ thời điểm khá sớm trong lịch sử.

Nhà khảo cổ học José Iriarte của Đại học Exeter cũng có thái độ tương đồng khi cho biết thành phố sẽ cần một hệ thống lao động có tổ chức và phức tạp để xây dựng những con đường và hàng nghìn gò đất. Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia này cho biết: “Người Inca và Maya xây dựng bằng đá, nhưng người dân ở Amazonia thường không có sẵn đá để xây dựng - họ xây dựng bằng bùn”. Do đó, số lượng lao động cần có để xây dựng các công trình này là rất lớn.

Nghiên cứu này cùng một số nghiên cứu được công bố trong khoảng thời gian gần đây, ví dụ như bằng chứng về các xã hội rừng nhiệt đới phức tạp tồn tại trước sự tiếp xúc với các nền văn minh châu Âu ở những nơi khác trong Amazon như Bolivia và Brazil, đã mang một cái nhìn hoàn toàn mới tới khu vực Amazon. Nơi này thường được coi là “vùng hoang dã nguyên sơ chỉ có những nhóm nhỏ người sinh sống”, tuy nhiên “quá khứ phức tạp hơn chúng ta kỳ vọng rất nhiều”, ông Iriarte cho biết.

Khu vực được cho là đường phố chính tại thành phố cổ ở thung lũng Upano, Ecuador. Ảnh: Stéphen Rostain, Antoine Dorison

Khu vực được cho là đường phố chính tại thành phố cổ ở thung lũng Upano, Ecuador. Ảnh: Stéphen Rostain, Antoine Dorison

Đọc tiếp