Triển vọng kinh tế ASEAN năm 2022: Ba động lực chính cho phục hồi mạnh mẽ

KINH TẾ asean
07:00 - 16/12/2021
Triển vọng kinh tế ASEAN năm 2022: Ba động lực chính cho phục hồi mạnh mẽ
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu, đầu tư và sự tăng tốc của kinh tế số được đánh giá sẽ là những động lực chính cho đà phục hồi kinh tế của khu vực ASEAN trong năm 2022.

ADB điều chỉnh tăng kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ASEAN năm 2022

Trải qua năm 2020 với bức tranh kinh tế khá sáng sủa nhờ kiểm soát tốt đại dịch, khối ASEAN bước vào năm 2021 đầy khó khăn. Làn sóng dịch COVID-19 do biến chủng Delta “càn quét” toàn khu vực, để lại những hậu quả nặng nề. Tính từ đầu đại dịch đến nay, toàn khu vực Đông Nam Á ghi nhận hơn 14,3 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 260 nghìn ca tử vong.

Trong ấn phẩm kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) cập nhật ngày 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP khu vực ASEAN từ 3,1% xuống 3,0% trong năm 2021 khi tăng trưởng GDP quý III của khu vực giảm tốc đáng kể bởi các biện pháp hạn chế kiểm dịch.

Cụ thể, ADB điều chỉnh hạ triển vọng tăng trưởng trong năm 2021 của 2 quốc gia là Việt Nam và Malaysia.

Với Việt Nam, ADB giảm sâu dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ mức 3,8% trong cập nhật tháng 9 xuống chỉ còn 2,0% trong cập nhật tháng 12. Theo ADB, thương mại của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bền vững với mức thặng dư 225 triệu USD trong 11 tháng đầu năm, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng phải đối diện với rủi ro lớn khi số ca nhiễm mới COVID-19 hàng ngày tiếp tục tăng cao, thị trường lao động chưa phục hồi hoàn toàn và khu vực đầu tư công giải ngân với tốc độ chậm chạp.

ADB duy trì dự báo tăng trưởng GDP 6,5% cho Việt Nam trong năm 2022.

Với Malaysia, các nhà kinh tế ADB nhận định động thái phong tỏa kiểm dịch chặt chẽ trong quý III đã gây ra tác động nhất định đến hoạt động kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp tại quốc gia này. Theo đó, tổ chức này điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 4,7% xuống 3,8% và năm 2022 từ 6,1% xuống 5,9%.

3 quốc gia mà ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 bao gồm Philippines, Singapore và Thái Lan.

Philippines được dự báo ​​sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay, tăng từ mức 4,5% trong bản cập nhật ADO hồi tháng 9 do bước sang quý IV, niềm tin tiêu dùng và đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện nhờ tỷ lệ tiêm chủng tăng vọt. ADB đồng thời nâng dự báo tăng trưởng Philippines năm 2022 từ 5,5% lên 6,0%, nhận định tiêu dùng và đầu tư là động lực tăng trưởng lớn của đất nước.

Singapore được dự báo sẽ kết thúc năm 2021 ở mức tăng trưởng 6,9%, tốt hơn dự báo trước đó là 6,5%. Là quốc gia đầu tiên trong khu vực chuyển sang “sống chung với COVID-19” theo một lộ trình được vạch ra hồi tháng 6, kinh tế Singapore được nhận định sẽ tiếp tục đà phục hồi vững chắc với sự mở rộng mạnh mẽ trong sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tiêu dùng tư nhân, đầu tư và xuất khẩu cũng tăng trưởng khả quan trong bức tranh phục hồi chung của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của đất nước. Về dự phóng tăng trưởng của Singapore trong năm 2022, ADB giữ nguyên mức 4,1%.

Với Thái Lan, dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 được ADB điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,8% lên 1% nhờ xuất khẩu hàng hóa là điểm sáng, trong khi tiêu dùng tư nhân phục hồi bù đắp phần nào mức sụt giảm lớn của tổng cầu. Trong khi đó, hoạt động du lịch tiếp tục ảm đạm. Tổ chức này nâng nâng dự báo GDP Thái Lan năm 2022 từ mức 3,9% lên 4,0%.

Cuối cùng, với Indonesia, ADB duy trì dự báo tăng trưởng GDP 3,5% trong năm nay, tuy nhiên nâng triển vọng tăng trưởng năm 2022 của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á từ 4,8% lên 5,0% với kỳ vọng xuất khẩu hàng hóa bứt phá.

Dù giảm nhẹ dự báo tăng trưởng GDP khu vực trong năm 2021, ADB điều chỉnh tăng dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 từ 5,0% lên 5,1%.

ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2021 và 2022 của một số nền kinh tế ASEAN (Nguồn: ADB)

ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2021 và 2022 của một số nền kinh tế ASEAN (Nguồn: ADB)

Tương tự ADB, một số tổ chức quốc tế khác cũng dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng của khối ASEAN trong năm 2022.

Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á Sian Fenner của Oxford Economics hôm 2/12 công bố dự báo ASEAN có khả năng là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2022 với mức tăng trưởng trong kịch bản lạc quan nhất đạt 6,1%.

Hôm 14/11, Morgan Stanley cũng nâng dự báo triển vọng tăng trưởng GDP khối ASEAN trong năm 2022 từ mức 5,4% trước đó lên 5,6%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của toàn châu Á.

Chung quan điểm lạc quan về triển vọng tăng trưởng của ASEAN trong năm 2022, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương Steve Cochrane tại Moody's Analytics cho rằng việc thúc đẩy mở cửa trở lại sẽ cho phép ASEAN bắt kịp tốc độ phục hồi của khu vực Bắc Á.

Ảnh tác giả

“Khu vực này có một tầng lớp trung lưu khá lớn và đang gia tăng nhanh. Tầng lớp này vẫn còn nắm giữ các khoản tiết kiệm. Ngay khi nền kinh tế mở cửa trở lại, chi tiêu của họ sẽ tạo động lực cho nền kinh tế. Tất nhiên ở một số quốc gia chịu tác động lớn của dịch bệnh, các doanh nghiệp nhỏ có thể phục hồi chậm hơn đôi chút”.

Kinh tế trưởng Steve Cochrane (Moody's Analytics)

3 "trụ đỡ" cho phục hồi kinh tế của khu vực ASEAN

Cũng theo ông Steve Cochrane, xuất khẩu, đầu tư và sự tăng tốc của kinh tế số sẽ là những động lực chính cho đà phục hồi kinh tế của khu vực ASEAN.

“Tôi đánh giá một trong những thế mạnh nổi bật của khu vực, vốn đã chứng minh độ bền vững trong suốt 18 tháng qua, là hoạt động xuất khẩu”, ông Steve Cochrane nhận định.

Ảnh tác giả

“Xuất khẩu là nền tảng giúp nền kinh tế ASEAN không lún quá sâu. Chuỗi cung ứng đang trên đà phục hồi tích cực, và tôi cho rằng điều đó sẽ tiếp tục thúc đẩy đà phục hồi của khu vực”.

Kinh tế trưởng Steve Cochrane (Moody's Analytics)
Tình hình thương mại tiếp tục khả quan ở cả 6 quốc gia trong nhóm ASEAN-6

Tình hình thương mại tiếp tục khả quan ở cả 6 quốc gia trong nhóm ASEAN-6

Đầu tư là điểm sáng tiếp theo trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục nhận định ASEAN là địa điểm đầu tư hấp dẫn.

Trong năm 2020, bất chấp dịch COVID-19, khối ASEAN đã thu hút tổng cộng 2,9 nghìn tỷ USD dòng vốn FDI vào khu vực, tăng 8,4% so với năm 2019. Con số này chiếm tới 7% tổng lượng vốn FDI trên toàn thế giới và 34% tổng lượng FDI vào châu Á.

Bước sang 2021, kỳ vọng dòng vốn FDI vẫn lạc quan. Một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện hồi tháng 7 với CEO 40 công ty đa quốc gia Mỹ có hoạt động tại khu vực ASEAN cho thấy các công ty duy trì kỳ vọng lạc quan vào tăng trưởng kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong 12 tháng tới. Cụ thể, 93% số người được hỏi kỳ vọng về sự gia tăng doanh thu và 86% tiếp tục dự kiến mở rộng sản xuất tại khu vực.

Điểm sáng thứ ba được nhận định sẽ góp phần đáng kể cho động lực phục hồi trong năm 2022 là sự bùng nổ của kinh tế số.

Đầu tháng 12 vừa qua, Dubai Chamber công bố một nghiên cứu mang tên "Why ASEAN", trong đó nhận định ASEAN sẽ trở thành một trong những trung tâm toàn cầu nổi bật nhất về quản lý và lưu trữ dữ liệu trong vòng 5 năm tới, vượt qua cả Bắc Mỹ và một số nước châu Á Thái Bình Dương nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong mọi lĩnh vực trên toàn khu vực, từ mua sắm trực tuyến đến làm việc từ xa. Với các Chính phủ ASEAN, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống, kiểm soát đại dịch. Với các doanh nghiệp, trong bối cảnh đại dịch, tiến trình số hóa trở thành yêu cầu bắt buộc nếu muốn tồn tại và phát triển.

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2021 được công bố hồi đầu tháng 11 của Google, Temasek và Bain & Co, kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, đã có khoảng 60 triệu người dân tại các quốc gia ASEAN-6 đã trở thành người tiêu dùng kỹ thuật số, qua đó nâng tổng lượng người dùng kỹ thuật số của khu vực này lên 350 triệu người.. Thói quen tiêu dùng có sự chuyển dịch sang việc sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến…

Ước tính có khoảng 350 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số tại 6 nền kinh tế lớn của ASEAN (ASEAN-6), trong đó số người dùng mới từ đầu đại dịch đến nay là 60 triệu người (Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2021)

Ước tính có khoảng 350 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số tại 6 nền kinh tế lớn của ASEAN (ASEAN-6), trong đó số người dùng mới từ đầu đại dịch đến nay là 60 triệu người (Nguồn: Báo cáo e-Conomy SEA 2021)

Phó Giám đốc Viện các vấn đề quốc tế (SIIA) tại Singapore Lee Chen Chen nhận định: “Một trong những điểm sáng thực sự là sự tăng tốc của nền kinh tế kỹ thuật số trong khu vực. Người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ kỹ thuật số, từ tài chính số đến thương mại điện tử”.

Trong xu hướng chung như vậy, các chính phủ trong khu vực cũng đưa ra những cam kết mạnh mẽ cho phát triển kinh tế số. Chẳng hạn, Việt Nam đã xây dựng Chương trình quốc gia về chuyển đổi số và Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số & xã hội số. Trong khi đó, Thái Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm kỹ thuật số của ASEAN với khả năng thách thức Singapore.

Đến nay, đa phần nhận định đều cho rằng ASEAN đã bước qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch nhờ tỷ lệ tiêm chủng vaccine tăng nhanh. Tốc độ phục hồi kinh tế giờ đây sẽ phụ thuộc chủ yếu vào chính sách phòng chống, kiểm soát dịch của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh một số biến chủng mới xuất hiện kéo theo rủi ro bất ổn cho kinh tế toàn cầu.

Một điểm tích cực là các nền kinh tế ASEAN được nhận định sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng nhu cầu toàn cầu khi kinh tế thế giới phục hồi. “ASEAN sẽ bắt đầu tiến tới bình thường mới và cùng tăng trưởng trở lại. Xu hướng này được hỗ trợ bởi nhu cầu quốc tế khi châu Âu và Mỹ đã mở cửa kinh tế còn Trung Quốc đến nay tương đối không chịu ảnh hưởng”, nhận định của PGS. Simon Tay, Chủ tịch Viện các vấn đề quốc tế (SIIA) tại Singapore.

Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng sẽ tạo thêm một số thuận lợi nhất định cho khu vực, theo đánh giá giới chuyên gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp