ADB giảm sâu dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, chuyên gia nói gì?

KINH TẾ Việt nAM
07:00 - 15/12/2021
ADB giảm sâu dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, chuyên gia nói gì?
0:00 / 0:00
0:00
Trong ấn phẩm kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) cập nhật ngày 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 xuống 2,0%.

ADB đã điều chỉnh giảm nhẹ dự báo tăng trưởng chung của các quốc gia đang phát triển châu Á từ mức 7,1% xuống 7,0% trong năm 2021 và từ 5,4% xuống 5,3% trong năm 2022. Với dự báo tăng trưởng chung của các quốc gia Đông Nam Á, ADB cũng điều chỉnh hạ từ 3,1% xuống 3,0% trong năm 2021, nhưng tăng dự báo tăng trưởng trong năm 2022 từ 5,0% lên 5,1%.

Cập nhật báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á của ADB:

“Sự xuất hiện của biến chủng Omicron gieo rắc tâm lý không chắc chắn. Biến chủng mới có khả năng dễ lây lan hơn so với các biến chủng trước đây, do đó tác động kinh tế của nó có thể rất đáng kể”.

Riêng với Việt Nam, dựa trên mức tăng trưởng GDP giảm sâu kỷ lục (-6,17%) hồi quý III khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của biến chủng Delta COVID, ADB đã điều chỉnh giảm sâu dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2021 từ 3,8% xuống 2,0%, nhưng giữ nguyên triển vọng tăng trưởng 6,5% trong năm 2022.

Mức hạ dự báo tăng trưởng GDP từ 3,8% xuống 2% cho năm 2021 của ADB thực chất không phải mức hạ dự báo thấp nhất cho triển vọng kinh tế Việt Nam đến thời điểm này.

Trước đó, trong một cập nhật gần nhất hôm 29/9, Fitch Solutions điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay từ 5,8% xuống 1,0% trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Fitch Solutions hôm 29/9 hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 từ 5,8% xuống 1% (Nguồn: Fitch Solutions)

Fitch Solutions hôm 29/9 hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 từ 5,8% xuống 1% (Nguồn: Fitch Solutions)

Maybank Kim Eng trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam ngày 29/9 cũng điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 từ 5,4% xuống 1% sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dữ liệu tăng trưởng kinh tế quý III thấp kỷ lục (-6,17%). Cho đến bản cập nhật báo cáo mới nhất vào ngày 29/11, Maybank Kim Eng vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 1% cho năm nay.

Dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam bình quân năm nay của các tổ chức khoảng 2,4%, cao hơn mức dự báo 2% của ADB (Nguồn: MAS)

Dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam bình quân năm nay của các tổ chức khoảng 2,4%, cao hơn mức dự báo 2% của ADB (Nguồn: MAS)

Sau động thái ADB giảm sâu dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021, MEKONG ASEAN đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương về triển vọng kinh tế trong quý IV/2021 cũng như năm 2022 và một số động lực, rủi ro cho đà phục hồi.

MEKONG ASEAN: Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông đánh giá thế nào về việc ADB giảm sâu dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay?

TS. Võ Trí Thành: Tôi đánh giá mức dự báo mới nhất của ADB khá đồng thuận với một số dự báo được đưa ra gần đây.

Các dự báo cập nhật theo thời gian. Chẳng hạn cách đây khoảng 2-3 tháng, đa số các đánh giá cho rằng mức tăng trưởng sẽ nằm ở đâu đó trong khoảng 2,5-3%, thậm chí cao hơn một chút. Từ tháng 11 đến nay, nhiều đánh giá tăng trưởng ở mức khoảng 2-2,5%, tương tự ADB.

Có một số lý do khiến các tổ chức nghiên cứu hạ dần tăng trưởng như vậy.

Như ta đã biết, tăng trưởng GDP đến hết 9 tháng đầu năm đạt 1,42%, do đó mức tăng trưởng 2%, 2,5% hay 3% hoàn toàn phụ thuộc vào GDP của quý IV hiện tại.

Tăng trưởng GDP đến hết 9 tháng đầu năm đạt 1,42% (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Tăng trưởng GDP đến hết 9 tháng đầu năm đạt 1,42% (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Trong khi đó, đà phục hồi của nền kinh tế trong quý IV hiện tại, đặc biệt là đà phục hồi tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TP. Hồ Chí Minh lại phụ thuộc lớn vào tình hình dịch bệnh, các phương án sống chung với dịch, nối lại chuỗi cung ứng gián đoạn hay sự quay trở lại của lao động.

Bên cạnh số liệu tích cực như doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh, hộ kinh doanh gia đình hoạt động trở lại… thì vẫn còn nhiều thách thức như lao động chưa trở lại hoàn toàn, một số doanh nghiệp mới chỉ hoạt động với 50-70%, thậm chí 30% công suất thông thường, tiêu dùng của người dân chưa phục hồi về mức bình thường…

Quý IV/2020 là thời điểm nền kinh tế phục hồi tương đối tốt, nên quý IV năm nay trên đà so sánh với quý IV/2020 thì mức tăng trưởng cao đương nhiên là khó.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 dù phục hồi so với tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn 12,2% so với mức ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái (Nguồn: Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021 - World Bank)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 dù phục hồi so với tháng 10 nhưng vẫn thấp hơn 12,2% so với mức ghi nhận vào cùng kỳ năm ngoái (Nguồn: Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 12/2021 - World Bank)

MEKONG ASEAN: Trên nền bức tranh chung khó khăn như vậy, ông đánh giá đâu là những điểm sáng của nền kinh tế trong quý IV/2021?

TS. Võ Trí Thành: Trong năm 2021, ngay cả thời điểm quý III nhiều thách thức như vậy, hai điểm tích cực nhất có thể thấy là xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu hàng hóa năm nay dự kiến lập kỷ lục mới. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký có tăng nhẹ, dù vốn giải ngân đôi chút còn giảm do yếu tố dịch bệnh.

Chính động lực tăng từ xuất khẩu và vốn FDI, cộng thêm phần nào phục hồi trong sản xuất công nghiệp - thể hiện ở chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất 2 tháng gần nhất đều trên mức trung tính 50 điểm - sẽ góp phần tạo đà phục hồi cho quý IV.

Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng tiến sát 300 tỷ USD, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 lập kỷ lục (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng tiến sát 300 tỷ USD, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 lập kỷ lục (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Vốn FDI vào Việt Nam 11 tháng tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Vốn FDI vào Việt Nam 11 tháng tăng nhẹ so với cùng kỳ 2020 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

MEKONG ASEAN: Bước sang năm 2022, theo đánh giá của ông, đâu sẽ là động lực chính cho phục hồi kinh tế?

TS. Võ Trí Thành: Nếu đi tìm động lực phục hồi, nhìn vào bên cầu thì điểm tích cực vẫn sẽ là xuất khẩu.

Có nhiều dự báo kinh tế thế giới tiếp đà phục hồi bất chấp các rủi ro như lạm phát, tài chính, tức các thị trường xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam sẽ tiếp tục rộng mở. Ngoài ra, việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do rộng lớn cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, qua đó kỳ vọng xuất khẩu tiếp tục là động lực cho phục hồi kinh tế trong năm sau.

Nhìn từ phía đầu tư, rõ ràng việc giải ngân đầu tư công sẽ là điểm sáng cho động lực tăng trưởng. Chương trình phục hồi kinh tế xã hội mà Chính phủ đang thảo luận có một phần lớn cho đầu tư công. Ngoài ra, đầu tư nước ngoài cũng có thể sẽ đóng góp tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.

Ảnh tác giả

"Nhìn chung 2 động lực phục hồi quan trọng nhất trong năm sau là xuất khẩu và đầu tư, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của đầu tư công."

TS. Võ Trí Thành

Về phía tiêu dùng cũng có một số kỳ vọng. Nếu kỳ vọng tăng trưởng tốt và rủi ro dịch bệnh bớt đi thì người dân sẽ mở hầu bao. Ngoài ra ở một số tầng lớp vẫn còn tiết kiệm, có tiềm năng chi tiêu mạnh hơn sau thời gian giãn cách nếu tình hình dịch được khống chế tốt. Một phần nào đó hỗ trợ của Nhà nước - dù chưa lớn - cũng hỗ trợ thêm cho tiêu dùng, ít nhất không làm sụt giảm chi tiêu ở những nhóm khó khăn.

Triển vọng trong năm tới phụ thuộc rất lớn vào câu chuyện đại dịch COVID-19, rủi ro vẫn còn, tuy nhiên ta kỳ vọng lạc quan rằng sẽ sống chung an toàn với dịch.

MEKONG ASEAN: Báo cáo của ADB nhấn mạnh sự xuất hiện của biến thể Omicron đang dẫn đến tình trạng bất định mới cho nền kinh tế. Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông có lưu ý hay đề xuất gì với chính sách phòng chống dịch của Việt Nam trong thời gian tới để tiếp tục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và giữ vững triển vọng phục hồi kinh tế?

TS. Võ Trí Thành: Với biến chủng Omicron, hiện tại đã ai khẳng định được mức độ nguy hiểm của nó so với các biến chủng khác đâu? Dự báo vẫn chỉ là dự báo, để ứng phó thì ta phải đặt ra các kịch bản khác nhau, trong đó đặc biệt lưu tâm đến quản trị rủi ro.

Ảnh tác giả

"Nếu nói về bất định, thì thật ra ta sống trong thế giới của sự bất định với rất nhiều cú sốc từ dịch bệnh, thiên tai cho đến các rủi ro tài chính, chứ đâu phải chỉ mỗi biến chủng Omicron."

TS. Võ Trí Thành

Kể cả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2023 với liều lượng khá lớn sắp tới, bên cạnh các tác động tích cực với tăng trưởng kinh tế và việc làm thì vẫn phải lưu ý đến quản trị rủi ro để ổn định các cân bằng vĩ mô. Hỗ trợ phải đủ lớn, phải đúng, phải trúng, phải hiệu quả, có như vậy mới tạo ra động lực tốt cho phục hồi kinh tế.

MEKONG ASEAN: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.