Trình Quốc hội 5 đề xuất gỡ vướng chương trình mục tiêu quốc gia

KINH TẾ QUỐC HỘI
11:58 - 13/10/2023
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
UBTVQH cơ bản nhất trí đề xuất của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới và cho ý kiến về vấn đề quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Sáng 13/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.

Thời gian qua, các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.

Đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ.

Theo đó, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Công tác nghiên cứu, khảo sát, đánh giá trong xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng dẫn đến tình trạng còn có một số chính sách không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.

Bên cạnh đó, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại cả trung ương và các cấp tại địa phương còn chậm, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện...

Đề xuất cơ chế đặc thù tháo gỡ vướng mắc chương trình mục tiêu quốc gia

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị, cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan trung ương và địa phương để kịp thời đôn đốc, chỉ đạo tiến độ và nắm bắt, xử lý vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ trung ương tới địa phương

Đặc biệt, Bộ trưởng đề xuất cần có thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

5 đề xuất gỡ vướng Chương trình mục tiêu quốc gia

Theo đó, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội quyết định cho phép Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định việc phân cấp cho UBND cùng cấp quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, kế hoạch, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề xuất Quốc hội giao chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân tự thực hiện việc mua sắm, chủ trì liên kết, đại diện cộng đồng người dân được tự quyết định hình thức mua sắm. Đồng thời tài sản hình thành sau hỗ trợ (nếu có) được chuyển giao cho chủ trì liên kết, cộng đồng người dân quản lý, sử dụng trong suốt vòng đời dự án.

Chính phủ cũng đề xuất giao danh mục dự án, công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù trong giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và đề xuất giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương hằng năm của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Chính phủ đề xuất cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách Nhà nước của địa phương qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chính phủ cũng kiến nghị cho phép kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn ngân sách Nhà nước dành cho các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.

Thống nhất gỡ vướng Chương trình mục tiêu quốc gia

Thống nhất với nội dung báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh bày tỏ ủng hộ cần có biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy kết quả tích cực của các Chương trình đối với sự nghiệp giảm nghèo, bảo đảm đời sống người dân.

Nêu rõ, ủng hộ việc là sớm có giải pháp, cơ chế đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng việc là ban hành một nghị quyết của Quốc hội cũng có thể phù hợp.

Cho ý kiến về việc ủy thác nguồn vốn NSNN qua các hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là đối với các nguồn vốn tự cân đối ngân sách địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết thực tế cho thấy việc ủy thác các nguồn vốn NSNN qua hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã phát huy được rất nhiều khía cạnh tích cực, đặc biệt là tạo sự chủ động và linh hoạt cho địa phương, cho người dân trong việc thực hiện.

Mặc dù, Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công thì không quy định vấn đề này. Trong thời gian vừa qua đã thí điểm cho phép áp dụng tại TP HCM. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với việc nên cho phép ủy thác nguồn vốn ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là đối với nguồn vốn cân đối của các địa phương.

Về việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư và sự nghiệp của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết việc kéo dài thời gian vốn của năm 2022 sang năm 2024 là không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, qua báo cáo và các ý kiến, xem xét tình hình thực tiễn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách bày tỏ thống nhất với lại đề xuất của Đảng giám sát đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với lại nguồn vốn này để đến hết năm 2024.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng thống nhất với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Tờ trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là 3 chương trình rất quan trọng, nhưng quá trình triển khai chậm so với kế hoạch đề ra, trong đó có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Việc Chính phủ nhìn nhận rõ nguyên nhân của tình trạng chậm triển khai so với tiến độ và đề xuất 5 nội dung Quốc hội cho ý kiến là phù hợp, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong quá trình xây dựng chính sách, tính dự báo chưa đầy đủ nên trong lần này, cần báo cáo cụ thể với Quốc hội xem xét quyết định, nếu cho phép tháo gỡ 5 nội dung Chính phủ trình sẽ tháo gỡ được những điểm nghẽn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện; nếu không kịp thời tháo gỡ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc triển khai của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

Đọc tiếp