'Trò chơi tiểu ngạch' khiến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc luôn rủi ro

XUẤT KHẨU TRUNG QUỐC
10:11 - 25/12/2021
Cận cảnh các xe container đang ùn ứ ở biên giới Trung Quốc. Ảnh: Vov.vn
Cận cảnh các xe container đang ùn ứ ở biên giới Trung Quốc. Ảnh: Vov.vn
0:00 / 0:00
0:00
Trước tình hình nông sản ùn ứ ở biên giới Trung Quốc, trao đổi với Mekong Asean, đại diện Hiệp hội rau quả VN và các doanh nghiệp cho rằng cần có một ban điều tiết chung để gỡ rối, đồng thời sớm chuyển sang xuất khẩu chính ngạch để tránh rủi ro.

Tính đến ngày 24/12, ước tính vẫn có tới hơn 5.829 xe hàng bị dồn ứ tại các cửa khẩu chờ xuất sang Trung Quốc. Ở bên kia biên giới, lượng phương tiện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn tồn là khoảng hơn 3.000 xe. Trong khi đó, số cửa khẩu mở cho hàng hóa thông quan ở biên giới phía bắc hiện chỉ còn 6/71 cửa khẩu, lối mở. Năng lực thông quan của các cửa khẩu còn đang mở cũng giảm đáng kể.

Lượng xe thông quan tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) giảm 4,5 lần chỉ còn khoảng 100 xe/ngày so với mức thông thường 450 xe/ngày. Tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), thậm chí năng lực thông quan gần như bằng 0 do thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) tạm thời đóng cửa, xét nghiệm COVID-19 toàn thành phố để truy vết F0.

Đề xuất một số giải pháp mà Hiệp hội rau quả Việt Nam đang hướng tới, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ với MEKONG ASEAN rằng, đối với các xe hàng đang ùn ứ ở cửa khẩu Trung Quốc, cần có một cuộc phân loại, xe nào có hoa quả còn tốt, chất lượng đảm bảo để xuất khẩu thì ở lại, xe nào hàng hóa có dấu hiệu hư hỏng, không thể bảo quản được nên cho quay đầu “nội tiêu”.

Ảnh tác giả

“Căn cứ tình hình hải quan Trung Quốc ở cửa khẩu biên giới, Nhà nước nên có giải pháp để ngăn ngừa việc dồn tiếp xe từ các địa phương lên đó. Thà mình chấp nhận chờ ở địa phương còn hơn dồn các xe hàng lên biên giới rồi ùn ứ, gây ra tình trạng tập trung đông người không thể kiểm soát được dịch bệnh, chưa kể việc các tài xế phải ăn ở, nổ máy xe ngày đêm sẽ làm ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam

Do vậy, phương án hiện tại mà Hiệp hội rau quả Việt Nam đang hướng đến là Nhà nước cần lập ra một ban điều hành chung trên cả nước để điều phối, phân luồng xe đúng với số lượng container được thông quan mà Trung Quốc đang áp dụng (100 xe/ngày). Số xe sẽ được chia đều cho các tỉnh, căn cứ theo số lượng nông sản mỗi tỉnh đang cần xuất khẩu.

Theo ông Nguyên, các doanh nghiệp nên khoan đóng hàng thời điểm này mà tiếp tục chờ ở địa phương. Nếu loại quả nào có thể kéo dài thời gian để được trên cây thì khoan thu hoạch, còn loại quả nào bắt buộc thu hoạch thì bảo quản trong kho lạnh.

“Cần có sự phối hợp của các sở ban ngành cùng liên kết vào cuộc, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, thiết lập hệ thống phân luồng xe, có công lệnh quy định rõ ràng để điều phối phù hợp với khả năng thông quan. Một ban điều hành chung quản lý các đầu mối thông tin từ hải quan Trung Quốc và tình hình các địa phương là rất cần thiết ngay lúc này”, ông Nguyên nhấn mạnh.

Như vậy sẽ tránh được tình trạng tỉnh nào cũng dồn xe lên biên giới gây ùn tắc, lãng phí xăng dầu, nguy cơ phải mất trắng hàng vì không thể bảo quản.

Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng đánh giá việc thông quan biên giới sẽ càng ngày càng khắt khe nhất là dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, việc kiểm soát dịch của Trung Quốc sẽ càng ngặt nghèo. Việc đàm phán với Trung Quốc thời điểm này cũng là khó khả thi, không thể có hy vọng nới lỏng trừ khi Trung Quốc sớm đạt được mong muốn “zero covid” mà họ đang theo đuổi.

Mít thái đang được "giải cứu" với giá 20.000 đồng/quả tại các cửa khẩu Trung Quốc.

Bàn về giải pháp tạm thời là thêm quỹ đất thành lập các bãi đỗ xe mà Thứ trưởng Trần Thành Nam đưa ra trong họp báo tháo gỡ nông sản ùn ứ, ông Nguyên bày tỏ quan ngại sẽ khó thể thực thi vì không thể xây kịp các bãi đỗ xe với đầy đủ hệ thống điện để đảm bảo giữ lạnh cho các container.

Tuy nhiên, ông Nguyên cho rằng, biện pháp này cần được tiến hành sớm để rút kinh nghiệm cho các năm sau nếu tình trạng ùn ứ nông sản ở biên giới còn diễn ra.

Nhận định dứt khoát sẽ có một cuộc giải cứu nông sản diễn ra trong thời gian tới trùng với dịp gần Tết Nguyên Đán, ông Nguyên nhìn nhận nhu cầu về nông sản của người dân trong nước thời điểm này tăng cao sẽ tăng khả năng tiêu thụ tốt.

Ngoài ra, ông Nguyên kiến nghị Nhà nước cần nới lỏng, tạo điều kiện hoạt động cho các chợ đầu mối, các siêu thị, sàn thương mại, tuyên truyền người dân tăng cường sử dụng trái cây nội để tiêu thụ hàng nông sản ứ đọng.

Nhắc đến giải pháp dài hạn, ông Nguyên cũng cho rằng, một trong những bài học mà bà con cũng như các doanh nghiệp cần cải thiện ngay từ bây giờ là tìm cách tăng chất lượng nông sản, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

“Nông sản trồng theo tiêu chuẩn Trung Quốc chỉ có thể xuất sang Trung Quốc nhưng nông sản trồng theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, EU hay các thị trường khác sẽ có thể tìm đường sang nhiều nước”, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam nói.

Nông sản trồng theo tiêu chuẩn Trung Quốc chỉ có thể xuất sang Trung Quốc.

Nông sản trồng theo tiêu chuẩn Trung Quốc chỉ có thể xuất sang Trung Quốc.

“Khách hàng yêu cầu sao thì phục vụ vậy”

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng nông sản Việt xuất khẩu Trung Quốc hằng năm cứ đến kỳ lại “tắc” là do hầu hết các xe hàng này đi theo vé tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro.

Chia sẻ với MEKONG ASEAN, ông Trần Lãm, đại diện Công ty Cổ phần ECP - người từng nhiều năm xuất khẩu hoa quả sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch cho biết, hơn 20 năm nay luôn diễn ra tình trạng ùn ứ hàng nông sản ít nhất là một lần vào gần những dịp cuối năm. Ông cho rằng ngoài các lý do khách quan khác, thì đây còn là lý do bị lợi dụng để xù nợ mua chịu hàng (không có thanh toán trước) của khách mua bên phía Trung Quốc với thông đồng tiêu cực của các nhân viên công vụ.

“Các khoản chi phí không có chứng từ cho một chuyến xe hàng nông sản xuất khẩu tiểu ngạch rất nhiều. Khi xuất khẩu (khoảng trên 10 triệu đồng/chuyến) cần có phí làm luật cho xe đến cửa khẩu, phí khai báo hải quan, phí khai nhầm thuế suất, phí đậu xe, phí sang xe, phí thay đổi bao bì, phí khảo sát lượng hàng, phí kiểm dịch, phí ăn ở tài xế, phí dầu chạy lạnh, phí khử trùng, phí biết trước thông tin chính sách, phí chuyển tiền không qua ngân hàng....”, ông Lãm liệt kê.

Nhắc lại các lần xuất khẩu trước, ông Lãm cho hay, mỗi ngày có hơn 500 xe ở mỗi cửa khẩu, khoảng 10 cửa khẩu ở các tỉnh giáp Trung Quốc đã tạo ra tổng số tiền chi phí không chứng từ khổng lồ. Ông ước tính tổng các chi phí không chính thức, không có số liệu thu chi theo các đường dây khác nhau để biết thông tin chính sách của Trung Quốc thay đổi hàng ngày mà các doanh nghiệp Việt phải chi trả có thể lên đến hơn 50 tỷ đồng/ngày hoặc 1.500 tỷ đồng/tháng hay 18.000 tỷ đồng/năm.

“Tôi cũng từng là nạn nhân trong trò chơi này khi lỗ vốn vào các dịp ùn ứ hàng hóa nông sản cuối năm. Chỉ có nông dân là người chịu thiệt thòi nhiều nhất hàng năm vì bị cấn trừ nợ, mua chịu phân thuốc... Hy vọng với đợt ùn ứ nông sản lần này không quá lớn nhưng đủ thức tỉnh chúng ta từ bỏ trò chơi mạo hiểm này”, ông Lãm trăn trở.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyên bày tỏ sự thông cảm với cái khó của các doanh nghiệp Việt Nam vì nguyên tắc căn bản “khách hàng yêu cầu sao thì phục vụ vậy”. Vì các doanh nghiệp nhập khẩu Trung Quốc thường yêu cầu Việt Nam xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch để tránh thuế VAT.

Ảnh tác giả

“Cần sớm tìm ra giải pháp tạo thế cân bằng trong giao thương giúp nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu Việt chuyển hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính...”.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam

Là một trong những hệ thống siêu thị từng có cam kết sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Việt, khi được hỏi về phương án giúp nông sản đang ùn ứ ở biên giới, ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Khu vực miền Bắc của Saigon Co.op chia sẻ với MEKONG ASEAN mong muốn hỗ trợ cho bà con.

“Tuy nhiên, Saigon Co.op cần có thông tin về chủng loại hàng hóa, danh mục và tình trạng các sản phẩm để lên phương án đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Việt trong thời gian tới”, ông Liêm nói thêm.

“Với quan điểm không giải cứu nông sản mà thay vào đó Saigon Co.op hướng đến hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản, nên chúng tôi đặt chất lượng sản phẩm lên tiêu chí hàng đầu. Để hỗ trợ được bà con tiêu thụ, Saigon Co.op phải đảm bảo được tình trạng nông sản quay đầu như thế nào. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự liên hệ của đầu mối nào”, ông Lê Văn Liêm nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp