Trung Quốc dễ bị tổn thương như thế nào vì biến chủng mới

KINH TẾ TRUNG QUỐC
15:44 - 20/12/2021
Trung Quốc dễ bị tổn thương như thế nào vì biến chủng mới
0:00 / 0:00
0:00
Chính sách zero-Covid mà chính phủ Trung Quốc kiên trì theo đuổi đã giúp nước này kiểm soát dịch bệnh tốt, tuy nhiên biến thể mới Omicron với khả năng lây lan nhanh đang đem đến nhiều thách thức hơn với nền kinh tế nước này.

Di chuyển đóng vai trò kết nối và đổi mới kì diệu. Jack Ma, người sáng lập nền tảng thương mại điện tử khổng lồ Alibaba của Trung Quốc, đã thành lập công ty web đầu tiên của mình sau chuyến thăm Mỹ vào năm 1995. Cao Dewang, ông chủ của Fuyao Glass, một công ty Trung Quốc nổi tiếng nhờ bộ phim tài liệu “American Factory”, bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất sau chuyến đi thăm Bảo tàng Ford Motor tại bang Michigan.

Nhưng thật không may, những gì đúng với kinh doanh cũng đúng với virus. Trong hành trình vòng quanh thế giới của mình, virus covid-19 cũng đã tự làm mới lại bản thân nhiều lần. Biến thể Omicron gần đây nhất sẽ vẫn tiếp tục kéo theo những hạn chế chi chuyển chặt chẽ của Trung Quốc đối với việc đi công tác. Nó có thể gây ra nhiều gián đoạn cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng việc này không phải vì virus sẽ lây lan rộng rãi hơn ở nước này mà ngược lại, vì chính phủ đang cố gắng hết sức để ngăn chặn nó.

Kể từ cuối tháng 5, Trung Quốc ghi nhận hơn 7.700 ca nhiễm covid-19 trong khi con số này tại Mỹ là 15,2 triệu. Vậy mà Trung Quốc vẫn tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế di chuyển và tụ tập. Chính sách zero-Covid cũng dẫn đến việc hạn chế du lich quốc tế. Để nhập cảnh vào Trung Quốc, du khách được yêu cầu cách ly ít nhất 14 ngày trong một khách sạn được chỉ định. Theo nhà cung cấp dữ liệu Wind, số người đại lục di chuyển xuyên biên giới đã giảm tới 99%.

Các kịch bản kinh tế cho tương lai

Đối với những biến thể trước đó, những chính sách hạn chế đã ngăn không cho dịch lan rộng. Tuy nhiên, việc phong tỏa các địa phương cũng đã làm suy yếu tiêu dùng, đặc biệt là với các dịch vụ như ăn uống. Những hạn chế về du lịch xuyên biên giới sẽ còn gây ra những thiệt hại không thể nhìn thấy đối với sự đổi mới.

Theo một nghiên cứu của Đại học Cattolica del Sacro Cuore tại Milan, Mariacristina Piva và các tác giả khác cho biết cắt giảm một nửa chi tiêu cho việc đi công tác cũng ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất của một quốc gia giống như như cắt giảm một phần tư chi tiêu vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

Nếu biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng khác, nó sẽ làm tăng khả năng bùng phát dịch covid-19 ở Trung Quốc. Từ đó, việc phong tỏa cũng bắt buộc xảy ra thường xuyên hơn. Nếu những chính sách hạn chế nghiêm ngặt như những gì mà Trung Quốc đã áp dụng vào giữa tháng 8 khi thành phố Nam Kinh bùng dịch thì thiệt hại về tăng trưởng có thể rất đáng kể. Dựa trên mô hình phong tỏa của Goldman Sachs, GDP của Trung Quốc có thể chịu thiệt hại tới 130 tỉ, tương đương với khoảng 3% sản lượng hàng quý.

Thêm vào đó, Omicron không phải là mối đe dọa duy nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. Ngay cả trước khi biến thể này xuất hiện, hầu hết các nhà dự báo đều cho rằng tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 4,5% đến 5,5% trong năm tới. Nguyên nhân là do sự trì trệ của hoạt động khu vực kinh tế tư nhân và sự suy giảm của lĩnh vực bất động sản.

Các kịch bản tồi tệ hơn là hoàn toàn có thể xảy ra. Theo công ty tư vấn Oxford Economics, nếu ngành bất động sản Trung Quốc gặp phải tình trạng khủng hoảng tồi tệ như năm 2014 - 2015 thì tăng trưởng GDP hoàn toàn có thể tụt xuống 3% trong quý IV năm 2022 so với cùng kì năm 2021. Kết quả là tăng trưởng cả năm có thể bị kéo xuống mức 3,8%.

Nếu tình trạng đầu tư vào thị trường nhà ở Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng như ở Mỹ hoặc Tây Ban Nha vào nửa cuối những năm 2000 thì mức tăng trưởng của quốc gia này có thể giảm xuống 1% trong quý cuối cùng của năm 2022. Mức tăng trưởng cả năm sẽ theo đó giảm xuống còn 2,1%. Công ty tư vấn này cũng cho biết những khoản lỗ sẽ khiến “vô số” các ngân hàng nhỏ phải vận hành với số vốn ít hơn mức quy định tối thiểu là 10,5%.

Tuy nhiên, Oxford Economics đánh giá xác suất lặp lại những gì đã xảy ra năm 2014 -2015 là "trung bình". Khả năng lặp lại những kịch bản kinh tế đã xảy ra tại Mỹ hay Tây Ban Nha cũng thấp. Do đối với cả hai kịch bản này, các chuyên gia đều giả định rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ chỉ phản ứng lại bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhưng có vẻ phía Trung Quốc sẽ có những phản ứng mạnh mẽ hơn vậy. Dù các cơ quan chức năng đã không can thiệp nhanh chóng để thúc đẩy tăng trưởng trở lại, nhưng họ vẫn đặt ra các giới hạn riêng.

Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những năm tới. Ảnh: The Economist

Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những năm tới. Ảnh: The Economist

Dự báo các chính sách ứng phó của Trung Quốc

Cho đến nay, sự ảm đạm trong ngành bất động sản đã được bù đắp phần nào bởi các khu vực khác của nền kinh tế. Theo Ting Lu của ngân hàng Nomura, xuất khẩu đã đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay. Sự tăng trưởng này xảy ra do Trung Quốc đã cung cấp các mặt hàng cho những hoạt động trong nhà – những mặt hàng có nhu cầu gia tăng trong năm qua.

Nếu biến thể mới bắt buộc mọi người tiếp tục ở trong nhà, các nhà xuất khẩu của Trung Quốc có thể được hưởng lợi từ một làn gió thứ hai. Tuy nhiên, ông Lu cho rằng có nhiều khả năng tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong năm tới và không đóng góp gì vào tăng trưởng của Trung Quốc. Do đó, nền kinh tế sẽ cần các nguồn trợ giúp khác.

Các chính sách kích thích kinh tế đáng chú ý nhất đều bỏ qua lĩnh vực bất động sản vốn đã chiếm tỷ trọng quá lớn trong GDP của Trung Quốc. Ví dụ, chính phủ có thể cắt giảm thuế đối với các hộ gia đình, cải thiện mạng lưới an sinh xã hội và thậm chí phát hành phiếu tiêu dùng. Vấn đề là nếu nhà của người tiêu dùng đang mất giá, họ sẽ phản ứng chậm với các chính sách này và chính phủ thì không thể bắt ép người dân chi tiêu.

Một lựa chọn ổn định hơn là đầu tư công vào các cơ sở hạ tầng cắt giảm carbon và các cơ sở hạ tầng “mới” – ví dụ như trạm sạc cho xe điện và mạng 5G. Tuy nhiên, Goldman Sachs đã chỉ ra rằng những lĩnh vực này quá nhỏ để có thể bù đắp cho sự suy thoái nghiêm trọng của thị trường bất động sản.

Do đó, chính phủ sẽ cố gắng ngăn chặn tình trạng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản trước khi trở nên quá nghiêm trọng. Các nhà phân tích tại ngân hàng Citigroup kỳ vọng rằng các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ ngăn mức đầu tư bất động sản giảm vào năm 2022. Điều này sẽ cho phép GDP mở rộng thêm 4,7%.

Để đạt được điều này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phải cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng xuống 0,5 điểm phần trăm và mức lãi suất xuống 0,25 điểm phần trăm vào đầu năm 2022. Chính phủ cũng sẽ cần phải nới lỏng lập trường tài khóa của mình và cho phép chính quyền tại các địa phương phát hành thêm trái phiếu “đặc biệt” được hoàn trả thông qua doanh thu của các dự án.

Rất có thể, chính phủ Trung Quốc sẽ phải đề xuất các chính sách nhằm “ổn định” và thậm chí “kích thích” thị trường bất động sản. Các biện pháp trực tiếp hơn có thể kể đến là tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà trong việc thế chấp và nới lỏng giới hạn tỷ lệ cho vay tại các ngân hàng. Các chuyên gia kinh tế của Citi Bank cho rằng chính phủ còn thể tạm thời nới lỏng “ba giới hạn đỏ” của mình – các chính sách nhằm giới hạn các khoản vay của các nhà phát triển bất động sản.

Một trong những hạn chế duy nhất mà Trung Quốc dường như không muốn nới lỏng vào lúc này là các hạn chế đi lại quốc tế. Rất có thể các hạn chế này vẫn sẽ được duy trì cho đến sau Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2/2022 và Đại hội Đảng vào cuối năm 2022. Các chính sách hạn chế còn có khả năng sẽ tiếp tục tồn tại đến khi dân số Trung Quốc được tiêm vaccine hiệu quả hơn. Chính phủ cũng có thể sẽ cho xây dựng nhiều bệnh viện hơn để đối phó với những ca bệnh nặng.

Các hạn chế đi lại được cho là sẽ còn tồn tại đến năm 2024. Virus corona có thể biến đổi, tuy nhiên chính sách đối phó của Trung Quốc với dịch bệnh phần lớn vẫn là bất biến.

Đọc tiếp