Trungnam Group miệt mài gọi vốn qua kênh trái phiếu

TRÁI PHIẾU Trungnam Group
13:43 - 09/07/2022
Nhà máy Điện gió số 5 Ninh Thuận do thành viên Trungnam Group thực hiện. Ảnh: Trungnam Group
Nhà máy Điện gió số 5 Ninh Thuận do thành viên Trungnam Group thực hiện. Ảnh: Trungnam Group
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi đẩy mạnh lĩnh vực năng lượng tái tạo, Trungnam Group liên tục phát hành trái phiếu, trong đó chỉ tính từ 2021 đến nay đã có hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu đổ về các công ty nằm trong hệ sinh thái tập đoàn này.

CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đang tham gia vào hàng loạt dự án năng lượng tái tạo với tổng mức đầu tư lớn. Vì vậy, tập đoàn này và các công ty trong hệ sinh thái này đều rất tích cực trong việc huy động vốn qua kênh trái phiếu. Mới đây nhất là CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam - thành viên vừa được thành lập 2 năm, hiện có vốn điều lệ lên tới trên 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, công ty này vừa thông báo đã phát hành xong 1.500 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 30/6 với kỳ hạn một năm. Ngày đáo hạn tương ứng là 30/6/2023. Các thông tin về lãi suất, mục đích phát hành, tài sản đảo bảo hay bên đứng ra tư vấn, bảo lãnh không được công bố. Dữ liệu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy đây là lần đầu tiên Công ty Năng lượng tái tạo Trung Nam huy động vốn qua kênh trái phiếu.

Trước đó, Trungnam Group và các thành viên trong hệ sinh thái đã nhiều lần huy động vốn từ kênh này. Đối với Xây dựng Trung Nam, lần công bố kết quả gần đây nhất là lô trái phiếu 300 tỷ đồng, phát hành ngày 22/3/2022 và hoàn tất ngày 16/6/2022. Kỳ hạn 12 tháng tương ứng ngày đáo hạn là 22/3/2023. Còn trong tháng 4 và tháng 5, doanh nghiệp này đã hoàn tất phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu, với 1 lô 400 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm và 1 lô 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm. Như vậy chỉ trong 6 tháng đầu năm, Xây dựng Trung Nam đã huy động được 2.700 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.

Trước đó trong năm 2021, đơn vị này phát hành 2 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị 2.600 tỷ đồng. Trong đó, lô phát hành trị giá 2.000 tỷ đồng có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định năm đầu là 9,5%. Với tài sản đảm bảo là 100 triệu cổ phần tại Trungnam Group và một số quyền sử dụng đất, tài sản, có 2 nhà đầu tư tổ chức trong nước mua vào, một là công ty chứng khoán.

Thành viên tích cực huy động trái phiếu nhất trong hệ sinh thái Trung Nam là CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam ở Đắk Lắk. Theo số liệu thống kê từ HNX, riêng trong năm 2021, công ty này đã phát hành 12 đợt trái phiếu với lượng vốn huy động gần 11.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều lô có kỳ hạn dài với ngày đáo hạn tận 2035. Lãi suất trung bình là 9,5%/năm.

Ngoài ra, một số thành viên khác như CTCP điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh – đơn vị thực hiện dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh cũng hoàn tất phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu vào tháng 2/2022. Lô trái phiếu phát hành ngày 27/12/2021 có kỳ hạn 2 năm. Công ty TNHH điện mặt trời Trung nam Thuận Nam – đơn vị thực hiện dự án nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 450 MW trong năm 2021 phát hành 2.400 tỷ đồng trái phiếu.

Như vậy chỉ tính từ năm 2021 đến nay, hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu đã đổ về Trungnam Group.

Nhà máy Điện Mặt Trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW kết hợp Trạm biến áp 500KV. Ảnh: Trungnam Group

Nhà máy Điện Mặt Trời Trung Nam – Thuận Nam 450MW kết hợp Trạm biến áp 500KV.

Ảnh: Trungnam Group

Thành lập từ năm 2004, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam trải qua 18 năm hoạt động với hệ sinh thái đa ngành nghề gồm 5 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử. Tuy nhiên những năm gần đây, doanh nghiệp được biết đến nhiều nhất ở lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Hiện Trungnam Group đang sở hữu 3 nhà máy thủy điện và 7 dự án năng lượng tái tạo. Tiêu biểu là dự án Điện mặt trời Thuận Nam - Ninh Thuận 450MW lớn nhất Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 10/2020; Điện gió EA NAM (Đắk Lắk) công suất 400 MW; Điện gió Trung Nam (Ninh Thuận), công suất 151,95 MW; Điện gió số 5 Ninh Thuận, công suất 46,2 MW; Điện gió Đông Hải 1 (Trà Vinh) công suất 100MW; Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh, công suất 140 MW…

Đặc điểm của các dự án năng lượng tái tạo là thời gian triển khai nhanh, được hỗ trợ giá mua điện FIT từ Chính phủ. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng thế giới cũng ưu tiên cấp vốn cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh. Tuy nhiên không thể phủ nhận, nguồn vốn lớn là thách thức với các doanh nghiệp khi triển khai các dự án, nếu không có tiềm lực mạnh. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao sẽ khiến lợi nhuận thu hẹp. Trong khi đó, lợi thế về ưu đãi giá điện đang thay đổi, các dự án điện mặt trời cũng đang gặp khó về cơ chế, chính sách.

Tin liên quan

Đọc tiếp