TS. Vũ Sỹ Cường: Không phải cứ đưa tiền nhiều vào nền kinh tế mới là hỗ trợ

KINH TẾ VĨ MÔ Việt nAM
11:39 - 16/11/2021
TS. Vũ Sỹ Cường: Không phải cứ đưa tiền nhiều vào nền kinh tế mới là hỗ trợ
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi với MEKONG ASEAN, TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng: "Cần hơn hỗ trợ về tiền là hỗ trợ về thể chế, cải cách về luật pháp."

Trong 16 ngày làm việc khẩn trương, hiệu quả, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV đã bàn bạc, xem xét nhiều vấn đề kinh tế - xã hội và thông qua các nghị quyết quan trọng như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách Nhà nước 2022...

Một trong những điểm nổi bật trong kỳ họp là sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đến chương trình phục hồi kinh tế xã hội từ đại dịch Covid-19 cũng như việc xây dựng các gói hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để “cấp cứu” cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế sau làn sóng đại dịch thứ tư vừa qua.

Trong bối cảnh đó, tạp chí MEKONG ASEAN đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Tài chính công, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) xung quanh các nhận định của ông về quy mô, cách thức triển khai các gói hỗ trợ kinh tế cũng như những rủi ro cần lưu ý từ các biện pháp hỗ trợ trong thời gian tới.

"KHÔNG PHẢI CỨ NÉM NHIỀU TIỀN VÀO NỀN KINH TẾ MỚI LÀ HỖ TRỢ"

Trong bối cảnh “sống chung với Covid-19” trở thành lựa chọn của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, xin ông cho biết chúng ta đang đối diện với những thách thức như thế nào về khai thông động lực tăng trưởng cũng như đối với việc việc xây dựng các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong thời gian tới?

Theo tôi, có 4 thách thức chính mà các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong thời gian tới cần tính đến.

Một là rủi ro từ các tác nhân bên ngoài, đặc biệt là đà tăng trưởng chưa chắc chắn của kinh tế toàn cầu giai đoạn 2021-2025 tác động xấu đến động lực tăng trưởng trong nước, qua đó làm giảm thu và tăng chi ngân sách. Hai là diễn biến không chắc chắn của đại dịch COVID-19. Ba là rủi ro lạm phát toàn cầu ảnh hưởng đến lạm phát tại Việt Nam.

Bốn là bất ổn từ quá trình thay đổi chính sách vĩ mô toàn cầu, trong đó có vấn đề chiến tranh thương mại (sự tăng cường chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu) và chuyển đổi mô hình tiêu dùng, chẳng hạn, xu hướng chuyển từ than đá sang năng lượng tái tạo đã khiến các quốc gia châu Âu, đặc biệt là nước Anh, đối diện thách thức lớn do giá khí đốt tăng vọt.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hiện đang xây dựng chương trình phục hồi kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2022-2023. Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh gói hỗ trợ kinh tế cần "đủ lớn". Vậy theo ông, quy mô gói hỗ trợ thế nào là đủ lớn?

Về quy mô gói hỗ trợ, tôi cho rằng bàn bạc con số bây giờ là vô nghĩa nếu không đảm bảo được hai yếu tố: thứ nhất là đảm bảo điều kiện để hoạt động của doanh nghiệp và người dân được bình thường trong điều kiện bình thường mới, thứ hai là có hướng dẫn rõ ràng để mọi hoạt động duy trì nhịp nhàng, không bị đứt gãy trong mọi tình huống, dù dịch có phức tạp trở lại.

Cần nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19 không phải cuộc suy thoái thông thường mà nguyên nhân chủ yếu đến từ đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp hạn chế chống dịch.

Ngoài ra, có một số khuyến nghị: chính sách tiền tệ còn dư địa hạn chế do mặt bằng lãi suất hiện đã thấp kỷ lục, cần xem xét mở rộng các gói tài khóa để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sau dịch. Trong suốt thời gian qua, chính sách tài khóa hỗ trợ của Việt Nam triển khai quá ít và quá thận trọng, thấp hơn trung bình các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... Theo tính toán của chúng tôi, tổng gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam đến 9/2021 (cả gián tiếp và trực tiếp) chỉ rơi vào khoảng 2,84 % GDP.

Tính toán của chúng tôi cho thấy ngay cả trong trường hợp Việt Nam tăng hỗ trợ tài khóa lên 3% GDP liên tục trong 2 năm tài khóa 2021-2022 thì vẫn không vượt trần nợ công mà Quốc hội đưa ra.

Nguồn: PGS.TS. Vũ Sỹ Cường

Nguồn: PGS.TS. Vũ Sỹ Cường

Trong trường hợp có gói hỗ trợ tài khóa 3% GDP trong 2 năm 2021 và 2022 thì một kịch bản tương đối khả quan là GDP năm 2022 có thể tăng trưởng 5,2%, GDP giai đoạn 2023-2025 tăng trung bình 6,2 % (do vấn đề độ trễ chính sách, năm nay hỗ trợ thì năm sau, thậm chí năm sau nữa kinh tế mới hưởng lợi). Bội chi ngân sách Nhà nước năm 2021 là 6,4 % GDP và năm 2022 là 6,1 % GDP, trong ngưỡng chấp nhận được. Nợ công ước tính vào khoảng 54,8% năm 2022 và giảm dần xuống 49,6 % GDP vào năm 2025.

Một lưu ý cuối cùng, rủi ro lạm phát hiện là mối quan ngại đáng lưu tâm, việc sử dụng đồng thời chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng sẽ tạo ra sức ép lớn với tăng giá. Do đó, cần theo dõi sát sao diễn biến về giá và tổng cầu để có sự điều chỉnh chính sách linh hoạt, kịp thời, phù hợp.

Sức cầu yếu đang là thách thức lớn với Việt Nam trong phục hồi kinh tế, trọng tâm phục hồi do đó chắc chắn cần nhắm vào kích cầu. Vậy theo ông, cách thức triển khai gói hỗ trợ ra sao, cụ thể là rót tiền vào đâu thì kích cầu hiệu quả nhất?

Trong điều kiện dịch bệnh như lúc này, tôi cho rằng hỗ trợ cung là vô nghĩa, hỗ trợ cầu mới hiệu quả. Hỗ trợ đồng ý cần phải có, còn hỗ trợ như thế nào cho hiệu quả thì là bài toán cần suy nghĩ. Có một số ý kiến lo ngại về khả năng hấp thụ của nền kinh tế nếu tung ra các gói kích cầu lớn, nhưng theo tôi, đó chỉ là lo ngại với khu vực công, chứ khu vực tư nhân vẫn triển khai được.

Cá nhân tôi cho rằng phương pháp dễ nhất là hỗ trợ tiền mặt để người dân trước là tồn tại, sau là đảm bảo các nhu cầu thiết yếu. Hỗ trợ tiền mặt là biện pháp rất tốt để thúc đẩy tổng cầu tăng nhanh.

Cũng cần phải thấy rằng không phải cứ ném nhiều tiền vào nền kinh tế mới là hỗ trợ. Cần hơn hỗ trợ tiền là hỗ trợ về thể chế, cải cách về luật pháp. Hàng ngàn dự án bất động sản đang đình trệ vì thủ tục hành chính phức tạp, giờ tháo gỡ thủ tục hành chính thì các dự án này thực hiện được ngay. Đầu tư công tính đến hết 10 tháng đầu năm mới đạt hơn 55% kế hoạch đặt ra, có giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng là một động lực để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng.

Với gói hỗ trợ sắp tới, bao gồm cả hỗ trợ cấp bù lãi suất mà Bộ Tài chính đề xuất, có hay không mối quan ngại dòng tiền rẻ chảy vào các khu vực kinh tế phi sản xuất như bất động sản, chứng khoán?

Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra, dù ít dù nhiều, và nước nào cũng thế chứ không riêng gì Việt Nam. Nếu hỗ trợ lãi suất không cẩn thận sẽ dẫn đến dòng tiền rẻ chảy vào các thị trường chứng khoán, bất động sản...

Nguyên tắc cơ bản của thị trường tài sản là môi trường lãi suất thấp đẩy giá tài sản lên cao. Đó là lý do vì sao trong thời gian qua thị trường chứng khoán hay giá bất động sản tăng vọt. Khi lãi suất giảm, áp lực với các thị trường này sẽ rất lớn, cần có những biện pháp để tránh gây rủi ro cho thị trường tài chính.

"PHÁT HỖ TRỢ MỖI NGƯỜI VÀI TRIỆU THÌ KHÔNG BAO GIỜ LO LẠM PHÁT"

Tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng lo ngại việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt có thể gây ra lạm phát. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Khi nào mỗi người dân được hỗ trợ tiền mặt hàng trăm triệu hãy lo lạm phát, chứ hỗ trợ mỗi người dân vài ba triệu đồng thì đừng lo lạm phát. Thậm chí Việt Nam còn chưa hỗ trợ đến mức mỗi người dân nhận được vài ba triệu đồng. Chưa kể, người dân bây giờ tiêu tiền rất khôn ngoan.

Lạm phát trong 10 tháng đầu năm nay vẫn duy trì ở mức ổn định, dự báo lạm phát cả năm 2021 dưới 3% (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Lạm phát trong 10 tháng đầu năm nay vẫn duy trì ở mức ổn định, dự báo lạm phát cả năm 2021 dưới 3% (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Chẳng hạn, người lao động trước đó đang nhận lương 7-10 triệu hàng tháng, giờ dịch bệnh khiến họ mất việc hoặc bị giảm thu nhập, thì hỗ trợ tiền mặt để họ trang trải cuộc sống là điều nên làm, cần làm chứ làm sao lại lo lạm phát?

Phát hỗ trợ mỗi người vài triệu thì không bao giờ lo lạm phát, vì nó chỉ đủ bù đắp một phần mất mát thu nhập do dịch bệnh thôi. Đẩy mạnh cho vay lãi suất thấp, khiến dòng tiền rẻ tràn vào nền kinh tế thì mới lo lạm phát. Nhìn ra các nước phương Tây, các nền kinh tế lớn còn phát tiền đến tay mọi người dân. Tất nhiên mọi sự so sánh đều là khập khiễng.

Thêm nữa, kể cả có lạm phát đi chăng nữa, thì nguyên nhân không phải chỉ do yếu tố cung tiền, mà chủ yếu do đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, và quan trọng nhất là tình trạng thiếu hụt lao động.

Một ví dụ cụ thể, chi phí đánh giày trong thời gian qua đã tăng từ 10.000đ lên 15.000đ, thậm chí 20.000đ, đơn giản là do nhiều ông đánh giày không làm nữa hoặc chưa trở lại với công việc sau thời gian giãn cách. Lạm phát chi phí đẩy xuất hiện không chỉ do thiếu nguyên nhiên vật liệu mà nghiêm trọng hơn là do thiếu lao động.

Nhìn chung, lạm phát dễ thì rất dễ, nhưng khó thì rất khó. Nếu triển khai như gói hỗ trợ năm 2009 thì mới lo lạm phát.

Có bài học lớn nào rút ra từ gói hỗ trợ năm 2009, thưa ông?

Đầu tiên, phải thấy rằng nền tảng kinh tế vĩ mô ở thời điểm hiện tại tốt hơn rất nhiều so với thời điểm 2008-2009. So với hiện tại, ở thời điểm 2009, lạm phát cơ bản cao hơn, tín dụng giai đoạn 2006-2009 cũng tăng mạnh và cung tiền ra nền kinh tế lớn hơn. Trong khi hiện tại, nền tảng lạm phát, tăng trưởng tín dụng và cung tiền đều ổn định hơn nhiều. Do đó, theo tôi không cần quá lo lắng.

Tại thời điểm khủng hoảng tài chính 2008-2009, nền tảng kinh tế vĩ mô của nước ta kém ổn định hơn nhiều so với hiện tại khi lạm phát, tăng trưởng tín dụng và cung tiền đều tăng cao trước đó (Nguồn: VEPR)

Tại thời điểm khủng hoảng tài chính 2008-2009, nền tảng kinh tế vĩ mô của nước ta kém ổn định hơn nhiều so với hiện tại khi lạm phát, tăng trưởng tín dụng và cung tiền đều tăng cao trước đó (Nguồn: VEPR)

Có 3 bài học lớn có thể rút ra từ gói hỗ trợ cấp bù lãi suất năm 2009: một là hỗ trợ lãi suất 4% thời điểm đó diễn ra trên diện quá rộng, hai là hỗ trợ không có điểm dừng, không xác định kỳ hạn 6 tháng hay 1 năm, ba là khâu kiểm tra giám sát thực hiện gói hỗ trợ còn yếu. Nhiều hệ lụy từ gói hỗ trợ này còn kéo dài và để lại hậu quả tới tận thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên nhìn vào hậu quả để rút ra bài học mà làm khác đi, làm tốt hơn chứ không phải nhìn thấy hậu quả mà lo lắng, thôi không làm.

Tin liên quan

Đọc tiếp