Lạm phát đình trệ có phải mối đe dọa với Việt Nam?

KINH TẾ VĨ MÔ Việt nAM
17:08 - 15/11/2021
Lạm phát đình trệ có phải mối đe dọa với Việt Nam?
0:00 / 0:00
0:00
Một số dấu hiệu nổi bật xuất hiện trong thời điểm lạm phát đình trệ những năm 1970: lạm phát tăng nóng, kinh tế trì trệ, thất nghiệp tăng vọt, giá dầu thô lên cao. Hiện tại, nền kinh tế toàn cầu dường như đang hội tụ đủ các yếu tố như vậy.

Gần đây, khi tăng trưởng GDP toàn cầu có dấu hiệu suy giảm song hành với lạm phát tăng vọt do tắc nghẽn chuỗi cung ứng và cầu hàng hóa lên cao, mối quan ngại về hiện tượng lạm phát đình trệ (stagflation) đang trở lại.

Lạm phát đình trệ là thuật ngữ kinh tế được sử dụng phổ biến vào giữa thập niên 70 của thế kỷ XX, thời điểm nhiều nền kinh tế lớn trải qua hiện tượng lạm phát tăng vọt đi đôi với tăng trưởng trì trệ.

Lạm phát đình trệ (vùng khoanh tròn) diễn ra khi lạm phát lên cao tỷ lệ nghịch với tăng trưởng GDP thực tế giảm mạnh (Nguồn: Fed St.Louis)

Lạm phát đình trệ (vùng khoanh tròn) diễn ra khi lạm phát lên cao tỷ lệ nghịch với tăng trưởng GDP thực tế giảm mạnh (Nguồn: Fed St.Louis)

Chẳng hạn tại Mỹ, lạm phát đã tăng từ mức bình quân 2,8%/năm trong những năm 1960 lên 7,8% trong những năm 1970, trong khi tăng trưởng GDP thực tế giảm từ mức 4,1% xuống 3,2% trong cùng kỳ. Tương tự, tại Pháp trong giai đoạn 1960s-1970s cũng ghi nhận lạm phát tăng 6% trong khi tăng trưởng GDP giảm 2%. Tại Italy, lạm phát tăng 10% và GDP giảm 1,9%, từ 5,7% xuống 3,8%.

Tại thời điểm đó, diễn biến trái chiều của của lạm phát và tăng trưởng kinh tế đã làm nhiều nhà phân tích bối rối, vì trong suốt những năm 1950 và 1960, tăng trưởng và lạm phát nhìn chung diễn biến thuận chiều. Trong số 9 cuộc suy thoái của Mỹ trong giai đoạn 1960-2020, có tới 7 trường hợp lạm phát đã giảm cùng với tăng trưởng GDP giảm, 1 trường hợp lạm phát không đổi (năm 1980) và chỉ 1 trường hợp lạm phát tăng đi đôi với tăng trưởng GDP giảm là cuộc suy thoái 1973-1975, điều mà các nhà kinh tế gọi là lạm phát đình trệ.

Trong 9 cuộc khủng hoảng từ năm 1960 đến nay tại Mỹ, chỉ có duy nhất cuộc khủng hoảng năm 1973 là thời điểm lạm phát di chuyển ngược chiều với tăng trưởng GDP (Nguồn: Fed St.Louis)

Trong 9 cuộc khủng hoảng từ năm 1960 đến nay tại Mỹ, chỉ có duy nhất cuộc khủng hoảng năm 1973 là thời điểm lạm phát di chuyển ngược chiều với tăng trưởng GDP (Nguồn: Fed St.Louis)

Vậy điều gì đã gây ra sự di chuyển ngược chiều đầy bất ngờ giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn lạm phát đình trệ?

Nguồn gốc của lạm phát đình trệ trong những năm 1970 được cho là đến từ sự xáo trộn của cung và cầu trong nền kinh tế.

Hàng loạt yếu tố thời điểm đó đã làm thay đổi nhu cầu bao gồm sự biến động niềm tin người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự thay đổi trong chính sách thuế và chi tiêu Chính phủ, sự không chắc chắn về mức độ hấp dẫn của hàng nhập khẩu với cư dân trong nước…

Không riêng cầu, nguồn cung cũng chứng kiến những biến động lớn làm thay đổi chi phí sản xuất, khiến lạm phát và tăng trưởng kinh tế di chuyển theo hai hướng ngược nhau. Chẳng hạn, một cú sốc cung bất lợi làm tăng chi phí sản xuất cũng đồng thời tạm thời thúc đẩy lạm phát tăng nhưng khiến cho tăng trưởng GDP giảm.

Thời điểm đó, cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC tuyên bố ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur, cụ thể là Mỹ và một số nền kinh tế lớn, đã khiến các nhà cung cấp đẩy giá dầu tăng thêm khoảng 4 lần, khiến lạm phát gia tăng trong khi hoạt động kinh tế trì trệ.

Kịch bản lạm phát đình trệ những năm 1970 có đang lặp lại?

Có một số dấu hiệu nổi bật xuất hiện trong thời điểm lạm phát đình trệ những năm 1970: lạm phát tăng nóng, kinh tế trì trệ, thất nghiệp tăng vọt, giá dầu thô lên cao. Hiện tại, nền kinh tế toàn cầu dường như đang hội tụ đủ các yếu tố như vậy. Trong khi lạm phát toàn cầu, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu, liên tục lên mức cao nhất trong nhiều năm, hàng loạt tổ chức kinh tế thế giới như IMF và OECD đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay,

Ở một góc nhìn khác, ông Jean Boivin, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đầu tư BlackRock, đồng thời là cựu phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada nhận định trên tờ MarketWatch rằng tình huống hiện tại của nền kinh tế có sự khác biệt tương đối rõ rệt với thời kỳ những năm 1970. “Chúng ta chưa từng thấy một tình huống nào mà lạm phát bắt nguồn chủ yếu từ các cú sốc về nguồn cung như hồi những năm 1970”.

Theo ông Jean Boivin, trong khi lạm phát hồi thập niên 70 chủ yếu được thổi bùng bởi cú sốc nguồn cung khi lệnh cấm vận dầu mỏ khiến giá năng lượng tăng vọt, thì cú sốc nguồn cung hiện tại phần lớn là do kết quả của sự gia tăng nhu cầu gắn liền với quá trình phục hồi của nền kinh tế từ đại dịch COVID-19.

Ảnh tác giả

"Trên thực tế, tình huống của những năm 1970 và hiện tại có nhiều đối lập quan trọng: lạm phát đình trệ của nửa thế kỷ trước xảy ra khi hoạt động sản xuất vượt quá khả năng sản xuất của nền kinh tế, trong khi tình hình hiện nay, nền kinh tế vẫn đang hoạt động dưới khả năng sản xuất của nó. Điều này nghĩa là đến cuối cùng, ta sẽ thấy cung tăng để đáp ứng nhu cầu thay vì cầu giảm để đáp ứng nguồn cung thắt chặt như hồi năm 1970”

Nhà kinh tế Jean Boivin

Nhiều nhà kinh tế khác trên thế giới cũng có quan điểm tương tự.

Ông Neil Dutta, trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Renaissance Macro Research nhận định: “Để lạm phát đình trệ xảy ra, theo đúng định nghĩa, nền kinh tế toàn cầu cần phải trì trệ. Nhưng bằng chứng hiện tại cho thấy sự trì trệ không lớn. Xét trên khía cạnh toàn diện, nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung vẫn trong trạng thái phục hồi tăng trưởng, thậm chí có tiềm năng tăng trưởng mạnh”.

Để làm rõ hơn nhận định này, ông Neil Dutta đã chạy một phương trình, trong đó bao gồm hai biến: đơn hàng mới (đại diện cho cầu) và giá đã thanh toán (đại diện cho lạm phát). Đối với nền kinh tế trong tình trạng lạm phát đình trệ, các đơn đặt hàng mới phải dưới mức trung bình dài hạn - phản ánh nhu cầu yếu từ khách hàng, trong khi giá phải trả trên mức trung bình dài hạn - phản ánh lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, phương trình của Dutta cho thấy trong năm 2021, cả đơn hàng mới và giá cả đều tăng mạnh, nghĩa là nền kinh tế đang trong giai đoạn bùng nổ lạm phát chứ không phải lạm phát đình trệ.

Phương trình của ông Neil Dutta cho thấy có rất ít yếu tố chỉ ra nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn lạm phát đình trệ (Ảnh: MarketWatch)

Phương trình của ông Neil Dutta cho thấy có rất ít yếu tố chỉ ra nền kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn lạm phát đình trệ (Ảnh: MarketWatch)

Điều này không có nghĩa lạm phát hiện tại không phải vấn đề đáng quan ngại của nền kinh tế. Tỷ phú Jack Dorsey, giám đốc điều hành của Twitter Inc. và Square Inc. vào cuối tuần trước đã cảnh báo rằng “siêu lạm phát” đang đến với nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.

Lạm phát tăng vọt tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả các nền kinh tế lớn và nền kinh tế mới nổi (Ảnh: The Economist)

Lạm phát tăng vọt tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả các nền kinh tế lớn và nền kinh tế mới nổi (Ảnh: The Economist)

Khi lạm phát được kỳ vọng tăng vọt trong thời gian tới, nhà kinh tế học Boivin quan ngại các Ngân hàng Trung ương có thể nhanh chóng, quyết liệt đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng để kiềm chế sự gia tăng lạm phát trong khi nền kinh tế chưa có đủ hỗ trợ cần thiết để phục hồi. Chẳng hạn, một đợt tăng lãi suất quá sớm của Fed được dự báo có thể làm xói mòn nhu cầu tiêu dùng, chao đảo thị trường chứng khoán và thậm chí gây ra nguy cơ suy thoái.

Một câu hỏi được đặt ra là lạm phát sẽ tăng trong bao lâu. Bất cứ nhà phân tích nào cũng thận trọng khi đưa ra dự báo, bởi tính chất chưa từng có tiền lệ và diễn biến không chắc chắn của cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 hiện nay. Trong một dự báo thận trọng, ông Boivin cho rằng lạm phát cao sẽ tiếp tục trong cả năm 2022 và sẽ duy trì trên mức mục tiêu bình quân trong vòng khoảng 5 năm tới.

Việt Nam có lo lạm phát đình trệ?

Trái với xu hướng lạm phát tăng vọt ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, lạm phát tại Việt Nam hiện đang ghi nhận mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Cụ thể, Tổng cục Thống kê hôm 29/10 công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội cho thấy tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,81% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.

Riêng tháng 10/2021, CPI giảm 0,2% so với tháng 9 và tăng 1,67% so với tháng 12/2020. Lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong báo cáo vĩ mô mới nhất, VCBS dự báo lạm phát cả năm 2021 tăng dưới 3%, thấp hơn nhiều mức lạm phát mục tiêu 4%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cơ sở tháng đang giảm dần trong những tháng gần đây (Ảnh: Tổng cục Thống kê)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên cơ sở tháng đang giảm dần trong những tháng gần đây (Ảnh: Tổng cục Thống kê)

Sang năm 2022, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cảnh báo lạm phát có nguy cơ tăng vọt do độ trễ của ảnh hưởng các gói kích cầu, sự phục hồi của nhu cầu và hiện tượng nhập khẩu lạm phát khiến giá nguyên nhiên liệu leo dốc.

Tuy nhiên, lạm phát năm 2022 nhiều khả năng không đi kèm tăng trưởng đình trệ do năm 2022 được kỳ vọng là năm chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Quốc hội gần đây vừa thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 – 6,5%.

Các nhà kinh tế Maybank Kim Eng vào đầu tháng này tiếp tục duy trì dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 6,7% trong năm 2022 trong kịch bản nền kinh tế mở cửa hoàn toàn, khu vực dịch vụ phục hồi và tỷ lệ tiêm chủng bắt kịp phần còn lại của ASEAN.

Báo cáo cập nhật vĩ mô của VNDirect gần đây thậm chí đưa ra dự báo lạc quan hơn, rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm sau có thể đạt 7,5%. Kịch bản này dựa trên giả định: kinh tế toàn cầu phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong cùng kỳ thúc đẩy nhu cầu với hàng xuất khẩu Việt Nam, ở trong nước tỷ lệ tiêm chủng đạt 70-75% dân số trong nửa đầu năm giúp đẩy lùi và kiểm soát đại dịch, các chuyến bay thương mại quốc tế được nối lại, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng được duy trì đến ít nhất cuối quý II/2022 để hỗ trợ tăng trưởng, giải ngân vốn đầu tư công tăng, vốn đầu tư tư nhân và FDI phục hồi mạnh.

Trao đổi với MEKONG ASEAN về hiện tượng lạm phát đình trệ và ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng: "Lạm phát năm sau chắc chắn cao hơn năm nay vì rất nhiều yếu tố. Lạm phát đình trệ cũng có nguy cơ xảy ra nếu hiện tượng chia cắt, cát cứ, phong tỏa do dịch COVID-19 tiếp tục lặp lại dẫn đến gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng.

Do đó, cái cần thiết lúc này là làm sao khôi phục chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh bình thường mới, bởi tư duy "chống dịch như chống giặc" đến nay không còn phù hợp. Cần có các hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất, tránh trường hợp 1 ca F0 cả nhà máy cách ly thì có gói hỗ trợ lớn bao nhiêu cũng không bù lại được".

Ảnh tác giả

"Lạm phát đình trệ cũng có nguy cơ xảy ra nếu hiện tượng chia cắt, cát cứ, phong tỏa do dịch COVID-19 tiếp tục lặp lại dẫn đến gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, cái cần thiết lúc này là làm sao khôi phục chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh bình thường mới"

TS. Vũ Sỹ Cường

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia nhận định với MEKONG ASEAN: “Lạm phát đình trệ là hiện tượng thường gặp trong thời điểm khủng hoảng do đầu vào khan hiếm hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng (vốn, lao động, nguyên vật liệu, nhiên liệu…), nhìn chung là một cuộc khủng hoảng mang tính cấu trúc của nền kinh tế.

Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, hiện tượng kinh tế giảm tốc bắt nguồn từ khủng hoảng y tế nên khi khủng hoảng y tế kết thúc, chuỗi cung ứng phục hồi thì kinh tế sẽ tăng trưởng và lạm phát sẽ giảm dần. Lạm phát đình trệ có thể xuất hiện, nhưng dù có xuất hiện cũng chỉ trong thời gian ngắn”.

Tuy vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn (kim ngạch thương mại hai chiều hơn 150% GDP) nên rất dễ tổn thương do bất cứ biến động nào của kinh tế toàn cầu.

Ảnh tác giả

"Lạm phát đình trệ có thể xuất hiện, nhưng dù có xuất hiện cũng chỉ trong thời gian ngắn... Một khi lạm phát đình trệ xảy ra ở các nền kinh tế lớn, tác động lớn nhất sẽ đánh vào các doanh nghiệp nội địa phụ thuộc hoàn toàn vào đầu vào nhập khẩu.

Ảnh hưởng lớn nhất là làm tăng chi phí sản xuất tất cả các nhóm hàng có liên quan đến nguồn cung nhập khẩu như xăng dầu, vật liệu cơ bản, gas, phân bón, thức ăn gia súc…, dần dần có nguy cơ tạo ra lạm phát chi phí đẩy trong nền kinh tế nội địa"

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tin liên quan

Đọc tiếp