Ukraine đề nghị được xóa nợ 57 tỷ USD do phải đối đầu với Nga

Nợ ukraine
16:00 - 02/03/2022
Ukraine đang đối mặt với các khoản nợ nước ngoài lớn. Ảnh:
Ukraine đang đối mặt với các khoản nợ nước ngoài lớn. Ảnh:
0:00 / 0:00
0:00
Một quan chức Ukraine kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế nên xoá bỏ các khoản nợ nước ngoài trị giá 57 tỉ USD cho Ukraine, do hoạt động quân sự của Nga tại nước này.

Ngày 1/3, Giám đốc Phòng Kế toán Ukraine (cơ quan kiểm toán của Quốc hội và tổ chức kiểm toán tối cao Ukraine) Valeriy Patskan cho rằng "quy mô sự tàn phá ở Ukraine do chiến dịch quân sự của Nga gây ra là rất lớn".

“Theo quan điểm này, các chủ nợ nước ngoài của chúng tôi phải được yêu cầu xóa các khoản nợ của Ukraine. Cho đến nay, khoản nợ nước ngoài là 1,6 nghìn tỷ Hryvnia, tương đương hơn 57 tỷ USD”, ông Patskan viết trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân.

“Các tổ chức tài chính quốc tế nên sửa đổi chính sách nợ và xoá bỏ các khoản nợ của Ukraine”, quan chức này thúc giục.

Một người đàn ông ôm vợ trước khi cô lên chuyến tàu sơ tán tại ga xe lửa trung tâm Kiev, Ukraine vào ngày 28/2. Ảnh: AFP

Một người đàn ông ôm vợ trước khi cô lên chuyến tàu sơ tán tại ga xe lửa trung tâm Kiev, Ukraine vào ngày 28/2. Ảnh: AFP

Bắt đầu từ năm 1992, với khoản nợ nước ngoài là con số 0 nhờ Nga cam kết gánh khoản nợ 100 tỷ USD từ thời Liên Xô, Ukraine đã liên tục chất đống khối nợ lên tới hàng chục tỷ USD với các chủ nợ quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Các khoản nợ nước ngoài của Ukraine đối với các chủ nợ nước ngoài tăng đều đặn dưới thời mỗi chính phủ kế nhiệm, trong đó chỉ Cựu tổng thống Leonid Kuchma là người duy nhất trong sáu tổng thống thời hậu độc lập của đất nước thực hiện các biện pháp để cố gắng giảm gánh nặng nợ trong khoảng đầu những năm 2000.

Ukraine trở thành thành viên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 1992 với việc các chủ nợ đã cung cấp cho đất nước này các khoản vay hàng chục tỷ USD có điều kiện. Mặc dù có các biện pháp cải cách đất nước, nhưng tham nhũng quy mô lớn và nhiều tệ nạn xã hội, đã biến đất Ukraine từ một trong những nền kinh tế công nghiệp tiên tiến nhất trên thế giới thành một trong những nước nghèo nhất châu Âu trong vòng 30 năm trở lại đây.

Kiev hiện đang nợ IMF hơn 5 tỷ USD, với 2,3 tỷ USD khác nợ Ngân hàng Tái thiết Phát triển Quốc tế (IBRD), và hàng tỷ USD nữa của Mỹ, EU, Canada, Đức và Nhật Bản. Khoảng ba phần tư các khoản nợ của đất nước được tính bằng USD, với tỷ giá hối đoái USD-Hryvnia chạm mức thấp nhất lịch sử trong giao dịch gần đây, nguyên nhân là do cuộc xung đột quân sự.

Liên Hợp Quốc (UN) đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân đạo tăng cao ở Ukraine, trong đó ước tính khoản viện trợ nhân đạo 1,7 tỷ USD.

Theo ước tính, 12 triệu người ở Ukraine sẽ cần được cứu trợ và bảo vệ, trong khi Liên Hợp Quốc dự kiến ​​rằng hơn 4 triệu người tị nạn Ukraine có thể cần sự giúp đỡ ở các nước láng giềng trong những tháng tới. Tối đa 40% trong quỹ 1,7 tỷ USD sẽ được phân phối trực tiếp cho mọi người bằng tiền mặt.

Martin Griffiths, Tổng thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Geneva ngày 1/3 rằng: “Cuộc khủng hoảng đã xấu đi nhanh chóng. Đây là thời khắc đen tối nhất đối với người dân Ukraine".

Theo ông Filippo Grandi, người đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), cho đến nay, cơ quan ông đã ghi nhận 677.000 người di tản từ Ukraine sang các nước láng giềng, với khoảng một nửa trong số đó hiện đang ở Ba Lan.

Tin liên quan

Đọc tiếp