VIC giảm mạnh khiến thị trường 'đỏ lửa', tiền chảy về nhóm chứng khoán

VIC VN INDEX
16:01 - 17/08/2023
Nhóm bất động sản giảm mạnh gây áp lực lên chỉ số.
Nhóm bất động sản giảm mạnh gây áp lực lên chỉ số.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ ba cổ phiếu nhóm Vingroup đều giảm mạnh gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn tăng tốt với sự dẫn đầu của SSI.

Kết phiên 17/8, VN-Index lùi về mốc 1.233,48 điểm, giảm gần 10 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index giảm 2,5 điểm, UPCoM cũng kết phiên trong sắc đỏ. Thanh khoản dâng cao với hơn 29.000 tỷ đồng được giao dịch, riêng kênh khớp lệnh là gần 27.000 tỷ đồng.

Thị trường đỏ lửa với hơn 500 mã ở chiều giảm, trong khi chiều tăng chỉ có hơn 280 mã. Tuy nhiên khối ngoại lại tích cực khi đảo chiều mua ròng 118 tỷ đồng trong tổng số gần 3.800 tỷ đồng giao dịch trên sàn HoSE.

Mã ngân hàng CTG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 192 tỷ đồng. VIC cũng được mua ròng mạnh 141 tỷ đồng, HPG gần 100 tỷ đồng, SSI 64 tỷ đồng. VNM và VRE trên 40 tỷ đồng.

Chiều bán ròng, 3 mã dẫn đầu là MSN, VPB và MWG, bị bán ròng trên 50 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại bán ròng rải rác ở PVT, SAB, DGW, DXG, SHB, FRT, VCI, KDC, VIX…

VIC và VHM gây áp lực lớn nhất đến chỉ số khi giảm lần lượt 4,9% và 3%, kéo giảm gần 4 điểm của VN-Index. Mã còn lại trong nhóm cổ phiếu Vingroup là VRE cũng giảm 2,9%. Ngoài ra, chỉ số còn chịu áp lực giảm từ STB và TCB -1,7%, TPB -1,3%, BCM, PLX -1,2%...

Chỉ có 10 mã trong VN30 giữ được sắc xanh, bao gồm VNM, VIB, VCB, SSI, POW, MWG, MSN, HPG, FPT, CTG. Trong đó, SSI tăng mạnh nhất 3,8% lên mức giá 29.950 đồng/cp, cao nhất kể từ tháng 4/2022. Tính từ cuối tháng 5 đến nay, mã đã tăng 43%.

Đà tăng của SSI cũng đã tiếp sức cho các cổ phiếu khác trong nhóm công ty chứng khoán và đây cũng là nhóm cổ phiếu có tính đồng thuận cao nhất, giao dịch cũng rất sôi động tại nhiều mã. SSI khớp lệnh đột biến hơn 59 triệu đơn vị. VND tăng 0,9%, khớp lệnh 44,6 triệu đơn vị. HBS tăng trần, APS tăng 5,9%, TVB tăng 3,3%, VDS tăng 2,9%, AAS, ABW tăng gần 3%... VIX giảm nhẹ 0,3%, khớp lệnh 30,7 triệu đơn vị.

Ngoài nhóm chứng khoán thì chỉ còn 2 nhóm giữ được sắc xanh khi kết phiên là vật liệu xây dựng và công nghệ thông tin. Nhóm vật liệu xây dựng được kéo lên nhờ HPG tăng 0,5%, trong khi HSG và NKG đều giảm 1-2%. Tương tự, nhóm công nghệ thông tin tích cực chủ yếu nhờ FPT +1,1%.

Chiều giảm dẫn đầu chính là nhóm bất động sản. Ngoài 3 cổ phiếu nhóm Vingroup, bộ ba CEO – DIG – L14 cũng không còn giữ được sức hút như 3 phiên đầu tuần. CEO giảm 0,8%, DIG giảm 2,4%, L14 giảm hơn 4%. Sắc đỏ bao trùm nhóm này, chỉ còn một vài mã còn ở giá xanh như VCG, PDR, HPX, IDJ…

Nhóm ngân hàng cũng bị sắc đỏ áp đảo. Giảm mạnh nhất là NVB -2,5%. Chiều tăng còn 5 mã là CTG, KLB, LPB, VCB, VIB nhưng biên độ rất thấp, không mã nào tăng được 1%.

Đối với cổ phiếu riêng lẻ, đáng chú ý là GEX tăng 3,3%, khớp lệnh 42 triệu đơn vị. Từ đầu tháng 8 tới nay, cổ phiếu của Gelex giằng co ở vùng 23.000 đồng. Trước đó trong tháng 7, mã này đã có nhịp tăng mạnh từ vùng giá 18.000 đồng.

Ngược lại, LDG của CTCP Đầu tư LDG giảm sàn ngay khi mở cửa phiên, lùi về mức giá 5.980 đồng/cp; chỉ khớp lệnh gần 6,5 triệu đơn vị nhưng dư bán sàn tới 25,5 triệu đơn vị.

Liên quan đến LDG, ông Nguyễn Khánh Hưng – Chủ tịch HĐQT công ty vừa bị HoSE hủy bỏ giao dịch bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG vào ngày 15/8/2023 vì không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.