Việt Nam kêu gọi chấm dứt sử dụng vũ lực, bảo vệ người dân tại Ukraine

Việt nAM Liên Hợp Quốc
13:21 - 02/03/2022
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN
Tại phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về tình hình Ukraine, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang đã kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, an toàn của người dân.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bắt đầu triệu tập phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng Ukraine từ ngày 28/2. Đây là phiên họp đặc biệt khẩn cấp thứ 11 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được triệu tập kể từ năm 1950. Cuộc họp diễn ra trong 3 ngày, từ 28/2 đến 2/3.

Sau khi 193 nước thành viên phát biểu ý kiến, Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu để thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Nếu nhận được 70% phiếu ủng hộ, nghị quyết sẽ được thông qua. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chủ yếu mang tính biểu tượng mà không có tính ràng buộc thực thi.

Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng ngày 1/3, Đại sứ Đặng Hoàng Giang - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình; trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Về tình hình Ukraine, Đại sứ bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, nối lại đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bất đồng. Đại sứ nhấn mạnh cần bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường.

Từ quan điểm trên, Đại sứ hoan nghênh cuộc đối thoại ngày 28/2 giữa hai phái đoàn Ukraine và Nga và mong muốn các bên liên quan tiếp tục duy trì đối thoại, hướng tới giải pháp hoà bình.

Đại sứ Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống ở Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân Việt Nam đến nơi an toàn.

Người sơ tán Ukraine tại cửa khẩu Medyka, Ba Lan, ngày 1/3. Ảnh: AP.

Người sơ tán Ukraine tại cửa khẩu Medyka, Ba Lan, ngày 1/3. Ảnh: AP.

Liên quan đến việc đảm bảo an toàn cho người Việt tại Ukraine, trả lời truyền thông quốc tế và trong nước ngày 1/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, hiện có khoảng 7.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine và chưa có thiệt hại.

Với chủ trương ưu tiên bảo vệ an toàn cao nhất cho công dân Việt Nam ở Ukraine, ngay khi xuất hiện những diễn biến căng thẳng, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương triển khai công tác bảo hộ công dân; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các hãng hàng không trong nước, các cơ quan đại diện tại Ukraine, khu vực lân cận xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn, các điều kiện cần thiết để sơ tán công dân Việt Nam khỏi vùng chiến sự và về nước nếu có nguyện vọng.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm, đến trưa 1/3/2022, đã có khoảng 200 người Việt được Đại sứ quán và các hội đoàn tại Ukraine hướng dẫn và hỗ trợ sơ tán ra khỏi vùng chiến sự. Đại sứ quán vẫn đang tiếp tục tập hợp nhu cầu của bà con để có thể triển khai phương án phù hợp.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột, chú trọng bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Ông cho biết Liên Hiệp Quốc đã chi 20 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ hoạt động nhân đạo và đề cử ông Amin Awad làm điều phối viên khủng hoảng Liên Hiệp Quốc tại Ukraine.

Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho biết, khoảng 677.000 người tị nạn ở Ukraine đã tới các nước láng giềng an toàn, trong khi ước tính có khoảng 1 triệu người Ukraine phải sơ tán ở trong nước.

Trong cuộc họp báo ở Geneva, ông Grandi nói số lượng người phải di tản là "đặc biệt đáng quan ngại" và một nửa trong số trên đã sang Ba Lan, Hungary (gần 90.000 người), Moldova (60.000), Slovakia (50.000 người), Romania (40.000 người).

Theo ông, tình hình trên có thể trở thành cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu trong thế kỷ này.

Tin liên quan

Đọc tiếp