Việt Nam là một trong 13 thị trường thương mại chủ chốt toàn cầu trong thập kỷ tới

Thương Mại Việt nAM
16:21 - 30/11/2021
Việt Nam là một trong 13 thị trường thương mại chủ chốt toàn cầu trong thập kỷ tới
0:00 / 0:00
0:00
Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam có thể đạt mức 535 tỷ USD, trở thành một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại toàn cầu trong thập kỷ tới, theo một nghiên cứu do Ngân hàng Standard Chartered vừa công bố. 

Báo cáo “Tương lai thương mại 2030: các xu hướng và thị trường cần quan tâm” của Standard Chartered ngày 29/11/2021 dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi từ mức 17.400 tỷ USD lên 29.700 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Báo cáo được thực hiện dựa trên mô hình kinh tế dự báo xuất khẩu, trong đó bao gồm một cuộc khảo sát với hơn 500 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp toàn cầu.

Dự báo đến 2030, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 535 tỷ USD

Báo cáo nhận định Việt Nam là một trong 13 thị trường sẽ có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng này, các hành lang thương mại chủ chốt và 5 xu hướng định hình tương lai của thương mại toàn cầu.

Theo Standard Chartered, 41% các doanh nghiệp toàn cầu được khảo sát hiện đang có hoạt động sản xuất tại Việt Nam hoặc có kế hoạch sản xuất tại Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới. Điều này cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 10 năm tới.

Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng bình quân hơn 7% mỗi năm và đạt hơn 535 tỷ USD vào năm 2030.

Con số này tương đương mức tăng trưởng 90,1% so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 281,5 tỷ USD của Việt Nam năm 2020.

13 thị trường có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng thương mại toàn cầu trong thập kỷ tới theo Standard Chartered

13 thị trường có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng thương mại toàn cầu trong thập kỷ tới theo Standard Chartered

Từ góc độ thị trường, Standard Chatered dự báo Hoa Kỳ và Trung Quốc đại lục sẽ tiếp tục là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong thập kỷ tới, lần lượt chiếm 26% và 19% tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2030.

Ngoài ra, Ấn Độ có tiềm năng là thị trường mang đến cho Việt Nam mức tăng trưởng xuất khẩu cao, trung bình 11%/năm trong giai đoạn 2020 - 2030.

Theo báo cáo, 31% các doanh nghiệp toàn cầu có kế hoạch tận dụng lợi thế của hành lang thương mại Việt Nam - Ấn Độ.

Hàng loạt lợi thế như lực lượng lao động dồi dào, vị trí địa lý gần với các chuỗi cung ứng lớn trên toàn cầu và chính sách cởi mở với đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đưa Việt Nam nổi lên như một trung tâm sản xuất của thế giới, địa điểm hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư quốc tế, theo nhận định của bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam.

Từ góc độ sản phẩm, máy móc và thiết bị điện, dệt may, nông nghiệp và thực phẩm được dự báo là 3 lĩnh vực chủ chốt trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2020-2030 lần lượt là 6,4%, 6,4% và 8,1%.

Máy móc và thiết bị điện, dệt may, nông nghiệp và thực phẩm được dự báo là 3 lĩnh vực chủ chốt trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thập kỷ tới

Máy móc và thiết bị điện, dệt may, nông nghiệp và thực phẩm được dự báo là 3 lĩnh vực chủ chốt trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thập kỷ tới

5 xu hướng thương mại toàn cầu trong thập kỷ tới

Dựa trên kết quả khảo sát hơn 500 lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp toàn cầu, Standard Chartered chỉ ra 5 xu hướng thương mại toàn cầu trong thập kỷ tới bao gồm: sự áp dụng rộng rãi các chuẩn mực về thương mại công bằng và bền vững, sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, sự đa dạng hóa rủi ro, sự tăng cường số hóa và quá trình tái cân bằng hướng tới các thị trường đang nổi có mức tăng trưởng cao.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang chú trọng thị trường nội địa như động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, nhưng các chuyên gia Standard Chartered cho rằng với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, các hành lang thương mại trong tương lai dự kiến sẽ tiếp tục vươn ra thế giới, thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như đóng góp vào tăng trưởng.

Có thể kể tới một số hành lang thương mại tiềm năng như châu Phi – Đông Á, ASEAN – Nam Á, Đông Á – châu Âu, Đông Á – Trung Đông, Đông Á – châu Âu, Nam Á – Hoa Kỳ.

Ảnh tác giả

“Kim ngạch thương mại toàn cầu dự kiến sẽ gia tăng gấp đôi trong thập kỷ tới, điều này là minh chứng cho quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra. Bên cạnh sự tăng trưởng của các hoạt động thương mại nội khối, các hành lang thương mại trong tương lai sẽ tiếp tục kết nối các châu lục”.

Ông Simon Cooper, Giám đốc phụ trách khối doanh nghiệp và định chế tài chính kiêm Tổng Giám đốc khu vực châu Âu - châu Mỹ tại ngân hàng Standard Chartered.

Khoảng 90% lãnh đạo doanh nghiệp được khảo sát đồng tình rằng 5 xu hướng kể trên đang và sẽ định hình thương mại toàn cầu cũng như chiến lược mở rộng xuyên biên giới của doanh nghiệp trong 5 tới 10 năm tới.

Theo đó, khoảng 82% cho biết họ đang xem xét đặt các địa điểm sản xuất mới tại châu Á, châu Phi và Trung Đông từ nay đến năm 2030 để đáp ứng xu hướng tái cân bằng ở các thị trường đang nổi cũng như hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Ảnh tác giả

“Việc tăng cường hội nhập vào nền kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, UKVFTA, CPTPP và RCEP đang mang đến cho Việt Nam nhiều thuận lợi, giúp thúc đẩy xuất khẩu, tăng cường chuỗi giá trị ở các lĩnh vực cũng như tạo ra việc làm yêu cầu tay nghề cao. Chúng tôi rất lạc quan với triển vọng tăng trưởng thương mại của Việt Nam trong tương lai”.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Tin liên quan

Đọc tiếp