Việt Nam phấn đấu xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức Đầu tư vào năm 2030

TÍN NHIỆM Việt nAM
23:09 - 13/05/2022
Việt Nam phấn đấu xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức Đầu tư vào năm 2030
0:00 / 0:00
0:00
Việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia có ý nghĩa rất tích cực, tạo hiệu ứng lan toả cho toàn bộ nền kinh tế, góp phần nâng cao uy tín quốc gia, gia tăng niềm tin với nhà đầu tư quốc tế và cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài.

Ngày 13/5, tại thành phố Hạ Long, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các ngân hàng tư vấn, hỗ trợ cho Việt Nam về công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia tổ chức Hội nghị phổ biến “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030”.

Tham dự hội nghị có đại diện của các tổ chức quốc tế ADB, IMF, WB, Ngân hàng Standard Chartered Bank - tổ chức tư vấn xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam, cùng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp và ngân hàng thương mại.

Sự kiện do Bộ Tài chính tổ chức tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Sự kiện do Bộ Tài chính tổ chức tại Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã hợp tác chính thức với cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất và có uy tín trên thế giới là Moody’s, S&P và Fitch Ratings.

Theo đánh giá của 3 tổ chức này, Việt Nam đạt mức BB (theo Fitch và S&P), mức Ba3 theo Moody’s; đồng thời cả ba tổ chức đều đánh giá Việt Nam ở triển vọng Tích cực.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ).

Đặc biệt, trong giai đoạn 2013-2021, hệ số tín nhiệm và triển vọng xếp hạng của Việt Nam đã liên tục được cải thiện qua các năm, góp phần giúp Chính phủ mở mang các kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đa dạng hóa nguồn tài chính, giúp đẩy mạnh thu hút nguồn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, ông Trương Hùng Long đã chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng tích cực đến xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam như tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức bền vững (tăng trưởng GDP bình quân 10 năm qua đạt 5,3%); sức mạnh tài khóa được đánh giá tương đương với các nước ở mức tín nhiệm Đầu tư nhờ thành quả củng cố tài khóa, tăng cường hiệu quả quản lý nợ công và đảm bảo khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước; vị thế đối ngoại vững chắc, củng cố đệm dự trữ ngoại hối...

Ảnh tác giả

“Việc cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia là kết quả của việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường hệ thống tài chính - ngân hàng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; đồng thời cũng là kết quả của các bộ, ngành trong việc trao đổi, chia sẻ các thông tin cập nhật với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia”,

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính)

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam bày tỏ vui mừng khi là đơn vị tư vấn xếp hạng tín nhiệm duy nhất cho Chính phủ kể từ năm 2012. Đánh giá về các yếu tố thúc đẩy nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, bà cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2021, Việt Nam đã duy trì hiệu quả kinh tế và nợ chính phủ liên tục thấp hơn so với các nước ASEAN. Trong khi đó, tài khóa vãng lai ổn định và khả năng vượt trội của dòng vốn FDI, bất chấp cú sốc của đại dịch COVID-19.

“Việc duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định và tích cực của Việt Nam đã được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm công nhận và điều chỉnh lên mức Tích cực, góp phần cho hỗ trợ tín nhiệm quốc gia”, bà Michele Wee cho hay.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tác động tích cực đến xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, các chuyên gia chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Cơ cấu lại các ngành và đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, thiếu bền vững; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; dư địa tăng thu ngân sách nhà nước hạn hẹp, xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực có vốn FDI; cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm gồm doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng chưa đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế…

Làm gì để đạt mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức Đầu tư đến năm 2030

Để khắc phục những hạn chế trên cũng như phấn đấu đạt mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở mức Đầu tư đến năm 2030, các chuyên gia đều chung quan điểm cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, công khai minh bạch dữ liệu.

Cùng với đó, tiếp tục chú trọng xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa.

Bên cạnh đó, cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước theo hướng tái cấu trúc ngành ngân hàng, giảm thiểu rủi ro nợ xấu, đảm bảo mọi khoản vay của Chính phủ được thanh toán đầy đủ, đúng hạn.

Ngoài các giải pháp trên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, nên tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cường hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Để đạt được các mục tiêu Đề án, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ để các tổ chức xếp hạng tín nhiệm ghi nhận và xếp hạng tín nhiệm.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.