'Việt Nam tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên'

OECD ĐÔNG NAM Á
21:02 - 17/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu tại Diễn đàn OECD - Đông Nam Á chiều 17/10, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh, cách tiếp cận toàn cầu, trong đó có tăng cường chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ đối tác chính là "chìa khóa" để vượt qua mọi khó khăn.
Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn cao cấp OECD - Đông Nam Á, diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 17/10. Ảnh: VGP.

Việt Nam đồng chủ trì Diễn đàn cao cấp OECD - Đông Nam Á, diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 17/10. Ảnh: VGP.

Diễn đàn cao cấp OECD - Đông Nam Á với chủ đề Kết nối các khu vực: Thúc đẩy quan hệ đối tác hướng đến chuỗi cung ứng tự cường và bền vững, diễn ra tại Hà Nội chiều ngày 17/10 do Việt Nam chủ trì với tư cách đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) nhiệm kỳ 2022 – 2025. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của một trong những cơ chế trực thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Sự kiện này cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy quan hệ OECD - Đông Nam Á, đóng góp vào tiến trình phục hồi và phát triển kinh tế của khu vực.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh cho biết, thế giới đang chứng kiến những thay đổi mang tính bước ngoặt với những chuyển biến phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ. Những thách thức đó khiến cho kinh tế thế giới suy thoái, gây gián đoạn và đứt gãy các chuỗi cung ứng ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu.

Bối cảnh trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cần bảo đảm cân bằng chiến lược giữa thực hiện các ưu tiên trước mắt với các mục tiêu dài hạn. Cân bằng giữa nâng cao tự chủ chiến lược, sức chống chịu của từng nền kinh tế với thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, giữa nhu cầu phát triển của từng quốc gia với trách nhiệm chung trong các vấn đề toàn cầu.

"Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận toàn cầu, trong đó có tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ đối tác, chính là ‘chìa khóa’ để vượt qua mọi khó khăn, hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung cho nhân loại".

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh

Phó Thủ tướng đề xuất OECD và các nước Đông Nam Á cần tăng cường hơn nữa hợp tác về chuỗi cung ứng theo phương châm ổn định, bền vững, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và cùng có lợi.

Việt Nam cam kết tạo thuận lợi đầu tư công nghệ cao cho các doanh nghiệp OECD

Để tăng cường hợp tác giữa hai bên, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh kêu gọi các nước OECD hỗ trợ Đông Nam Á phát huy tiềm năng kinh tế số, nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo.

Trong đó, cân nhắc phối hợp phát triển về Chuỗi cung ứng kỹ thuật số tại Đông Nam Á, đưa ASEAN thành Trung tâm cung ứng chip bán dẫn toàn cầu; Chuỗi cung ứng hàng nông sản OECD – Đông Nam Á, tăng cường hơn nữa vai trò của khu vực trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

“Việc xây dựng, củng cố, kết nối chuỗi cung ứng giữa OECD và Đông Nam Á được thực hiện trên cơ sở tận dụng mạng lưới liên kết kinh tế hiện có, đặc biệt là RCEP, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do giữa Đông Nam Á và OECD”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng thường trực cũng đề nghị OECD hỗ trợ Đông Nam Á tiếp tục nâng cấp, kết nối hạ tầng, xây dựng ASEAN thành một trung tâm hậu cần từ việc triển khai Mạng lưới Logistics thông minh ASEAN đã được khởi động tháng 11/2020. Đề nghị hợp tác và hỗ trợ ASEAN hoàn thiện và nâng cấp mạng lưới này, trong đó có dự án "siêu cảng" - Trung tâm Logistics kho vận nội địa tại Vĩnh Phúc, Việt Nam.

Cùng với các hoạt động đầu tư, OECD cần hỗ trợ Đông Nam Á xây dựng thể chế chính sách, nâng cao năng lực quản trị quốc gia bởi đây là lĩnh vực hợp tác trọng tâm, là thế mạnh của OECD. Theo đó, Phó Thủ tướng thường trực đề nghị hai bên triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ OECD - ASEAN, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như thuế, thuận lợi hoá thương mại, đầu tư, chuyển đổi số.

Cũng tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao việc OECD và Việt Nam xây dựng Kế hoạch hành động triển khai MOU hợp tác giai đoạn 2022 – 2026. Ông cho rằng đây là cơ sở quan trọng để hai bên đưa hợp tác đi vào chiều sâu, hướng tới mục tiêu Việt Nam sớm trở thành đối tác chủ chốt của OECD trong tương lai gần.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; kết cấu hạ tầng phục vụ an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

Đại diện Chính phủ Việt Nam cũng kỳ vọng các doanh nghiệp FDI từ các nước OECD và Đông Nam Á hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nhất là đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu – phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Việt Nam và Australia chính thức tiếp nhận vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP giai đoạn 2022 - 2025, trong khuôn khổ OECD.
Việt Nam và Australia chính thức tiếp nhận vai trò Đồng Chủ tịch Chương trình SEARP giai đoạn 2022 - 2025, trong khuôn khổ OECD.

Thảo luận riêng cho hợp tác kinh tế Việt Nam - OECD

Diễn đàn cấp cao OECD - Đông Nam Á lần này có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia Tim Watt, cùng khoảng 200 đại biểu và quan chức cấp cao từ 38 nước thành viên OECD, các nước Đông Nam Á, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế.

Đây là cơ hội để các Bộ trưởng thảo luận các giải pháp giúp các nước OECD và Đông Nam Á củng cố tính tự cường của chuỗi cung ứng, nhằm chống chịu tốt hơn đối với các cú sốc và nhằm xây dựng nền tảng cho tương lai xanh hơn và ứng dụng số tốt hơn.

Diễn đàn cũng sẽ thảo luận định hướng hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp của OECD và ASEAN để thúc đẩy các cơ hội đầu tư và củng cố nền kinh tế tự cường trong dài hạn.

Theo kế hoạch, Diễn đàn gồm hai phiên thảo luận chính.

Phiên 1 có chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác OECD - Đông Nam Á” nhằm củng cố chuỗi cung ứng tự cường. Tại phiên này, các đại biểu tập trung đánh giá tác động của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, tầm quan trọng của việc củng cố tính tự cường của chuỗi cung ứng ở cấp Chính phủ và doanh nghiệp, các biện pháp hợp tác nhằm cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

Phiên 2 có chủ đề “Tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp hướng đến tương lai tự cường”. Các đại biểu tập trung thảo luận các thách thức và cơ hội của các xu hướng trung và dài hạn như chuyển đổi số, phát triển xanh, thực hiện hiệp định thuế tối thiểu toàn cầu đối với các nước OECD và Đông Nam Á.

Trong khuôn khổ Chương trình Đông Nam Á của OECD năm 2022, cũng sẽ diễn ra Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD (ngày 18/10). Đây là sự kiện dành riêng cho Việt Nam nhằm trao đổi và quảng bá môi trường đầu tư, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước OECD.

Tại Diễn đàn dự kiến cũng sẽ công bố các báo cáo của OECD và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam và phiên thảo luận cấp cao về thu hút FDI chất lượng cao cho tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.