OECD hạ mức tăng trưởng toàn cầu do lạm phát

KINH TẾ THẾ GIỚI
15:03 - 02/12/2021
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở St. Louis, Missouri, Mỹ vào ngày 4/4/2020. Ảnh: Reuters
Người tiêu dùng mua sắm tại một siêu thị ở St. Louis, Missouri, Mỹ vào ngày 4/4/2020. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ mức triển vọng kinh tế thế giới năm nay do lo ngại lạm phát kéo dài hơn dự kiến.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, OECD đã bày tỏ quan ngại về vấn đề lạm phát đột biến đang diễn ra ngày càng lâu hơn. Điều này càng tạo thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, OECD dự kiến tăng trưởng toàn cầu năm nay đạt 5,6%, và sẽ giảm xuống 4,5% vào năm 2022 và 3,2% vào năm 2023. Con số này ít thay đổi so với dự báo trước đó là 5,7% cho năm 2021, còn dự báo năm 2022 giữ nguyên.

Theo tổ chức này, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. OECD cũng cảnh báo rằng vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn.

Với nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, các công ty đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng sau đại dịch. Điều này khiến lạm phát tăng cao trên toàn thế giới, khi các điểm nghẽn xuất hiện trong chuỗi cung ứng.

Cảng container ở Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters

Cảng container ở Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters

Giống như hầu hết nhà hoạch định chính sách, OECD nói rằng mức tăng lạm phát đột biến chỉ là tạm thời và giảm dần khi nhu cầu và sản xuất trở lại bình thường. "Tuy nhiên, rủi ro chính là lạm phát tiếp tục tăng bất ngờ, buộc các ngân hàng trung ương lớn phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn và ở mức độ lớn hơn dự kiến", OECD cho biết.

Tổ chức này cho rằng, với điều kiện rủi ro đó không thành hiện thực, lạm phát trong toàn khối OECD có khả năng sắp đạt đỉnh gần 5% và dần giảm về khoảng 3% vào năm 2023. Trong bối cảnh đó, OECD cho biết điều tốt nhất mà các ngân hàng trung ương có thể làm lúc này là chờ căng thẳng nguồn cung giảm bớt và họ sẽ bắt tay hành động nếu cần thiết.

Hôm 30/11, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell cho rằng Fed nên xem xét giảm bớt việc mua trái phiếu quy mô lớn nhanh hơn trong bối cảnh nền kinh tế đã hồi phục mạnh mẽ và lạm phát dự kiến vẫn tiếp tục tăng đến giữa năm tới. Bình luận của ông Powell đã ngay lập tức khiến cổ phiếu phố Wall rớt điểm, Dow Jones mất 650 điểm kéo theo một loạt các chỉ số nhuốm sắc đỏ trên toàn sàn.

Tại Mỹ, OECD dự báo rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay, 3,7% vào năm 2022 và 2,4% vào năm 2023, giảm so với các dự báo trước đó là 6% vào năm 2021 và 3,9% vào năm 2022.

Triển vọng của Trung Quốc cũng kém lạc quan hơn, khi mức dự báo tăng trưởng được đưa ra là 8,1% năm nay và 5,1% trong cả năm 2022 và 2023. Trước đó, OECD từng dự kiến nước này có thể tăng trưởng 8,5% năm 2021 và 5,8% vào năm sau.

Tại khu vực Eurozone, triển vọng lạc quan hơn một chút với mức tăng trưởng năm nay dự kiến là 5,2%, 4,3% vào năm 2022 và 2,5% vào năm 2023. Trong khi đó, dự báo cũ lần lượt là 5,3% cho năm 2021 và 4,6% vào năm 2022.

Bên cạnh nguy cơ lạm phát kéo dài, sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến tình hình dịch Covid-19 của các nước trên thế giới ngày càng trở nên phức tạp. Đồng loạt các nước đều hạn chế biên giới, kiểm soát các tuyến di chuyển hàng không và thậm chí không tiếp nhận du khách đến từ các vùng dịch do lo ngại dịch bệnh. Điều này sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục rơi vào tình trạng tắc nghẽn, giá nhiên liệu và thực phẩm lại tăng phi mã và sẽ có thêm nhiều ngành, lĩnh vực rơi vào trạng thái “bất động”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.